Băn khoăn đề xuất xóa bỏ trạm BOT Cai Lậy

Liên quan đến việc Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đề xuất xóa bỏ BOT Cai Lậy (Tiền Giang) và cho thu phí trở lại đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương nhằm hoàn vốn cho BOT Cai Lậy, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn, lo ngại.

Có nghiên cứu mới đề xuất

Ông Mai Mạnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, khẳng định: “Tất nhiên chúng tôi có nghiên cứu mới đề xuất. Dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương do Nhà nước bỏ tiền làm, giờ Nhà nước thu phí để thu hồi vốn đầu tư và trích một phần để tái đầu tư dự án cầu đường khác. Chúng tôi đề xuất dùng phần trích này để bù, hoàn vốn cho BOT Cai Lậy”.

Ông Hồng cho rằng cần nói lại cho chính xác hơn để đề xuất không bị hiểu sai theo hướng “đường làm một nơi, thu phí ở một nơi khác”: Tiền thu được từ dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương là tiền ngân sách nhà nước, Nhà nước phân bổ ngân sách ấy. Trong đó nên có một phần trích để xử lý tồn tại ở trạm BOT Cai Lậy. Đó là cơ bản của nội dung đề xuất.

“Hiện Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cũng chưa tính toán con số cụ thể về đề xuất này, như cần trích bao nhiêu để có thể hoàn vốn cho BOT Cai Lậy” - ông Hồng nói.

Bày tỏ quan điểm về đề xuất trên, phía đại diện Công ty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang (nhà đầu tư dự án BOT Cai Lậy) cho hay: “Nếu phía nhà đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có đề xuất xóa trạm BOT Cai Lậy để cho công ty chúng tôi thu phí lại trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương nhằm gỡ khó cho dự án của chúng tôi thì đó là đơn phương họ đề xuất. Còn việc được chấp thuận hay không là việc khác. Phía Công ty QL1 Tiền Giang chúng tôi chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT. Bởi hợp đồng chúng tôi ký là ký với Bộ GTVT thì phải làm theo sự chỉ đạo của bộ này”.

Trong khi đó, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cũng cho biết chưa nghe về thông tin đề xuất nói trên. Về phương án tháo gỡ cho dự án BOT Cai Lậy trong thời gian tới thì tỉnh Tiền Giang đã có trình với Bộ GTVT và Bộ GTVT đang xem xét.

BOT Cai Lậy hiện vẫn tạm ngưng thu phí và các cơ quan chức năng vẫn đang tìm phương án gỡ vướng. Ảnh: ĐH

Chồng chéo, khó quản lý

“Người dân và cả doanh nghiệp vận tải bây giờ cũng rất ủng hộ việc thu phí nếu minh bạch, công khai, hợp lý. Vì thế tôi nghĩ tốt nhất là tuyến nào thì thu tuyến đó, chỉ cần thu đúng thì người dân không phàn nàn” - ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, nêu ý kiến.

Theo ông Quản, đứng ở góc nhìn hiệp hội, ông cũng không hiểu vì sao lại có đề xuất như vậy. Vì có thể thấy rõ ràng sự chồng chéo, khó quản lý, khó giải thích một cách hợp lý với người dân trong công tác thu phí, hoàn vốn…

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cũng cho rằng: Việc giao cho nhà đầu tư BOT Cai Lậy thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương là không thể. Bởi dự án đường nào thì thu phí theo đường đó, không thể lấy dự án cao tốc để hoàn vốn cho dự án BOT Cai Lậy được vì là hai dự án khác nhau.

Liên quan đến một số dự án giao thông dù đã hoàn thành nhưng vẫn chưa được thu phí, điển hình là BOT Cai Lậy, ông Nguyễn Đức Kiên phân tích: Nhà đầu tư bỏ tiền ra để xây dựng thì họ phải thu hồi vốn. Đơn vị nào ký hợp đồng với nhà đầu tư thì đơn vị đó phải thực hiện cam kết theo đúng quy định.

Để thu hút nhà đầu tư, giải quyết các bất cập dự án BOT giao thông, ông Kiên cho biết hiện nay đã có dự thảo luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tới đây, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự luật này. Luật ra đời sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề đầu tư PPP, trong đó có BOT. 

“Việc thu phí trở lại đối với dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương chỉ thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời phục vụ cho việc nâng cao hiệu quả quản lý trên tuyến, chứ không phục vụ cho việc hoàn vốn tuyến tránh Cai Lậy” - ông Huyện nói.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay đây là đề xuất của doanh nghiệp và những vấn đề trên là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp với nhau, Nhà nước không can thiệp vào vấn đề này.

Bên cạnh đó, thông thường các kiến nghị cũng cần phải xem xét có đúng quy định pháp luật hiện hành không. “Còn riêng với dự án Cai Lậy, Bộ GTVT vừa trình Chính phủ các phương án xử lý và đang chờ kết luận cuối cùng…” - vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

Vị này cũng cho hay trong các phương án trình Chính phủ không có phương án nào đề xuất thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương để trả nợ cho dự án BOT Cai lậy. Ngoài ra, việc dự án một nơi, thu phí một nơi là không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nhận định: Chủ đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mới đề xuất một số vấn đề gỡ vướng công trình giao thông, trong đó có trạm BOT Cai Lậy. Với chức năng của mình, đơn vị sẽ tiếp thu và cần có thời gian nghiên cứu, đối chiếu các quy định pháp luật, đánh giá tác động. Sau đó, nếu phù hợp mới đưa ra đề xuất với Chính phủ, Quốc hội để gỡ vướng.

Trước đó, Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết tuyến tránh Cai Lậy đang có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp khi dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành. Đồng thời, nhà đầu tư dự án cũng đang lâm cảnh khó khăn, gây rủi ro cho việc thu hồi vốn tín dụng của ngân hàng vì bị ngừng thu phí gần hai năm.

Do vậy, phía chủ đầu tư BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đề xuất Ủy ban Kinh tế của Quốc hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tỉnh Tiền Giang thống nhất với Bộ GTVT, nhà đầu tư, đề xuất Chính phủ chấp nhận chủ trương giải pháp tổng thể xóa trạm BOT Cai Lậy. Đồng thời tổ chức thu phí trở lại đối với cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cũng đề nghị cho đơn vị tổ chức thu phí hoặc giao cho Công ty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang tổ chức thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương và đề xuất phương án tài chính hoàn vốn cho dự án BOT Cai Lậy. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm