Bà Rịa-Vũng Tàu có chỉ đạo khẩn khi số ca mắc đau mắt đỏ tăng cao

(PLO)- Từ ngày 01-9 đến nay, toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận số ca mắc đau mắt đỏ tăng gấp 13,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 14-9, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu có văn bản khẩn gửi các sở ngành, đơn vị, địa phương về việc tăng cường các hoạt động phòng bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở Y tế, qua số liệu giám sát từ đầu năm 2023 đến nay, số ca bệnh đau mắt đỏ ghi nhận trên địa bàn tỉnh hiện đang tăng cao. Chỉ tính từ ngày 01-9 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận số ca mắc tăng gấp 13,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có nhiều ca biến chứng gây viêm loét giác mạc, giảm thị lực.

Người dân đến khám mắt tại bệnh viện Mắt tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: CDC

Người dân đến khám mắt tại bệnh viện Mắt tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: CDC

Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn về mặt chuyên môn trong công tác giám sát, điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch đau mắt đỏ; khẩn trươngcó hướng dẫn, triển khai các biện pháp phòng, chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng. Chuẩn bị đầy đủ sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh...

Các địa phương, trong đó có trung tâm Y tế cấp huyện giám sát, điều tra, xử lý sớm, kịp thời ca bệnh, ổ dịch đau mắt đỏ trên địa bàn. Phối hợp với các ban, ngành hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động điều trị bệnh; tổ chức tốt việc khám, phát hiện, tư vấn, điều trị cho người dân.

Sở LĐ-TB&XH, Ban Quản lý các KCN tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động triển khai các hoạt động tăng cường phòng, chống bệnh đau mắt đỏ tại nơi làm việc, các KCN, CCN, nhà máy, xí nghiệp… góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động, hạn chế lây lan trong cộng đồng.

Các cơ sở giáo dục đã và đang tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch đau mắt đỏ cho học sinh. Ảnh minh họa: HH

Các cơ sở giáo dục đã và đang tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch đau mắt đỏ cho học sinh. Ảnh minh họa: HH

Đề nghị Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường, thông báo ngay cho các đơn vị y tế khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để.

Các trường mầm non, mẫu giáo cần đảm bảo vệ sinh trường học; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ.

Trong trường hợp phát hiện ca bệnh trong lớp học, cần sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để vệ sinh lớp học, sàn nhà, sát trùng các đồ dùng, đồ chơi, tay nắm cửa, bàn ghế của học sinh; Đồng thời thông báo cho ngành y tế để phối hợp xử lý...

Đau mắt đỏ có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng lo ngại nhất là do virus, thường gặp là Adenovirus, có thể lây lan trong cộng đồng; các biến chứng của bệnh viêm kết mạc thường gặp gồm: viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc, bội nhiễm, suy giảm thị lực.

Khuyến cáo người dân khi phát hiện triệu chứng đau mắt đỏ, cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị theo đơn thuốc đúng quy định.

Khi phát hiện trường hợp đau mắt đỏ, nhất là học sinh có các triệu chứng như: sốt nhẹ kèm mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm, đỏ/ngứa/rỉ dịch một hoặc cả hai mắt, cảm giác nổi cộm/có sạn ở trong mắt, mi mắt sưng nhẹ, hơi đau, kết mạc sưng phù, đỏ...cần đi khám ngay tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm