Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiệm kỳ đột phá nhìn từ hạ tầng giao thông kết nối

(PLO)- Hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội tỉnh của Bà Rịa - Vũng Tàu trong vài năm qua được đầu tư đồng bộ, đã và đang dần hoàn thiện, tạo động lực mới cho sự phát triển trong tương lai.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định tập trung thực hiện ba khâu đột phá. Trong đó có huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, vùng, khu vực và thế giới.

Nhìn lại năm 2024 và bốn năm của nhiệm kỳ, dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự quyết tâm, sáng tạo và chủ động của tỉnh, cùng với sự hỗ trợ, chỉ đạo điều hành từ Trung ương, các Bộ ngành, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối của Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều sự thay đổi rõ nét, đột phá, tạo động lực phát triển mới...

Đường lớn đã mở…

Bà Rịa - Vũng Tàu có vị trí chiến lược, là cửa ngõ hướng ra Biển Đông của vùng Đông Nam Bộ và cả nước, với điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển về nhiều mặt, trong đó có công nghiệp, cảng biển, du lịch...Đặc biệt, cảng Cái Mép – Thị Vải đóng vai trò rất quan trọng trong trung chuyển hàng hóa của quốc gia và quốc tế.

Tuy nhiên, tuyến giao thông kết nối đến Bà Rịa – Vũng Tàu từ TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ còn hạn chế, về đường bộ chỉ thông qua tuyến đường độc đạo là Quốc lộ 51. Khi hệ thống cảng biển, khu công nghiệp, du lịch hai bên tuyến ngày càng phát triển; lượng người, phương tiện lưu thông quá lớn nên dẫn tới tình trạng thường gặp đó là kẹt xe, tai nạn giao thông...

Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhiệm kỳ đột phá nhìn từ hạ tầng giao thông kết nối
Hạ tầng giao thông kết nối của Bà Rịa - Vũng Tàu được đầu tư đồng bộ, trong đó tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn dự kiến thông xe kỹ thuật cuối tháng 4-2025. Ảnh: KHÁNH NAM

Thấy rõ được những hạn chế, "điểm nghẽn" về giao thông sẽ làm chậm nhịp phát triển vươn mình mạnh mẽ trong khi tiềm năng, lợi thế, cơ hội rất lớn, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu qua các thời kỳ và hiện nay đều trăn trở, đau đáu, đặt quyết tâm rất cao với mục tiêu sớm “phá” thế độc đạo của Quốc lộ 51.

Giải pháp đó là cần sớm triển khai các dự án giao thông kết nối liên kết vùng đã được quy hoạch để giảm tải cho Quốc lộ 51. Bởi có giải được bài toán về hạ tầng giao thông kết nối mới tạo tiền đề, nền móng vững chắc, diện mạo mới, động lực phát triển mới không chỉ cho tỉnh mà cho cả vùng và khu vực phía Nam.

Đây không chỉ là sự trăn trở riêng của Bà Rịa - Vũng Tàu mà là chung của Trung ương, các Bộ ngành cũng như các tỉnh, thành phố lân cận. Để từ đó tất cả cùng đặt ra mục tiêu, giải pháp quyết tâm thực hiện, triển khai các dự án giao thông liên kết vùng...

Cau-Phuoc-An.jpg
Dự án cầu Phước An khi hoàn thành sẽ kết nối hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, với phía Nam TP.HCM và khu vực Tây Nam Bộ. Ảnh: KN

Từ khoảng năm 2019, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức nhiều cuộc họp trong tỉnh để bàn, cân đối các nguồn lực địa phương, kiến nghị Trung ương hỗ trợ, cho chủ trương đầu tư; xúc tiến họp cùng Đồng Nai để sẵn sàng triển khai những dự án giao thông liên vùng như cầu Phước An, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.

Và rồi cùng với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, hỗ trợ của Trung ương, các Bộ ngành, các dự án đã khởi công từ tháng 6-2023. Đến nay, vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, vướng mắc các dự án như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cầu Phước An đã dần hình thành...

Trong đó, dự án cao tốc đoạn qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở giai đoạn thảm nhựa gần xong đoạn tuyến dài 19,5km, dự kiến thông xe kỹ thuật trong cuối tháng 4-2025.

Tại hội nghị liên kết vùng đầu tháng 12-2024, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ thêm, dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu khi hoàn thành sẽ kết nối với mạng lưới đường cao tốc, đường quốc lộ quốc gia, thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị, du lịch, logistics của tỉnh.

Để phát huy tối đa hiệu quả kết nối vùng, tỉnh đã sử dụng ngân sách tỉnh triển khai ba tuyến giao thông kết nối đường cao tốc với các địa phương ven biển để thúc đẩy phát triển du lịch, đô thị.

Ong- Nguyen- Van - Tho.jpg
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: ĐT

Bên cạnh đó, dự án cầu Phước An phấn đấu hoàn thành trong năm 2027. Khi hoàn thành sẽ kết nối hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, với phía Nam TP.HCM và khu vực Tây Nam Bộ; thúc đẩy thông thương giữa vùng hai vùng kinh tế, qua đó mở rộng sự phát triển công nghiệp, logistics, cảng biển.

Ngoài ra, tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng để triển khai đầu tư tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM, kết nối cảng quốc tế Cái Mép, sân bay quốc tế Long Thành đi qua 5 tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ và Long An...

Đầu tư, nâng cấp đồng bộ các tuyến đường nội tỉnh

Bên cạnh các tuyến đường giao thông kết nối liên vùng đã và đang triển khai, trong nhiệm kỳ 2020-2024, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng bố trí vốn ngân sách tỉnh để triển khai các dự án nâng cấp, mở rộng đường giao thông kết nối trong tỉnh.

Tại các địa phương, nhiều dự án đã và đang được đầu tư song song hoặc chủ động đón đầu theo dự án kết nối liên vùng. Điều này không chỉ góp phần thay đổi bộ mặt đô thị, nông thôn, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mà qua đó còn giúp đồng bộ, khai thác hiệu quả ngay khi các dự án liên vùng hoàn thành.

duong ven bien.jpg
Đường ven biển ĐT 994 (đoạn giao cắt với Quốc lộ 51) đang được thi công để kết nối thuận lợi với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: KN

Cụ thể như đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường ven biển ĐT 994 để kết nối từ cầu Phước An qua đường liên cảng đến các đô thị ven biển Vũng Tàu – Bình Châu (Xuyên Mộc), giảm tải cho Quốc lộ 51.

Đặc biệt, tỉnh cũng sử dụng ngân sách địa phương gần 12.000 tỉ đồng để đầu tư hai dự án nhằm hoàn chỉnh tuyến đường kết nối, liền mạch giữa cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (điểm cuối ở TP Bà Rịa qua Long Điền về đến Vũng Tàu) - giao đường ven biển (ĐT 994), đảm bảo thuận lợi cho hệ thống giao thông trong khu vực.

Duong-cau-chay.JPG
Đường Cầu Cháy (phường 12, TP Vũng Tàu) đang dần hoàn thiện. Đây là một trong các tuyến trục ngang được đầu tư, mở ra không gian phát triển mới cho khu vực Bắc Vũng Tàu. Ảnh: TK

Dự án Đường Vành đai 4 dù chưa chính thức triển khai nhưng tỉnh cũng đã chủ động dùng nguồn lực của tỉnh để đầu tư các tuyến kết nối từ cảng Cái Mép tới Đường Vành đai 4. Sau khi toàn tuyến hoàn thành sẽ tạo ra tuyến kết nối đồng bộ từ cảng biển đến sân bay Long Thành.

Bên cạnh đó, ở các huyện, thị xã, thành phố, trong 4 năm qua nhiều tuyến đường kết nối các khu vực đô thị và nông thôn được triển khai xây dựng hoàn thiện. Điều này giúp người dân lưu thông thuận lợi, mở ra những vùng động lực tăng trưởng, phát triển mới...

Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong kỳ họp cuối năm 2024 nhấn mạnh, tỉnh nhất quán quan điểm đầu tư cho phát triển là đầu tư cho tương lai, là động lực mới cho phát triển...

Sử dụng vốn đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm để kiến tạo không gian phát triển mới trong năm 2025, tạo nguồn thu ngân sách bền vững; tạo tiền đề, nền tảng vững chắc cho tăng trưởng không chỉ cho nhiệm kỳ 2020-2025 mà còn tạo động lực quan trọng cho những nhiệm kỳ tiếp theo.

Bí thư Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị, UBND tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ khởi công các dự án trọng điểm, sớm hoàn thành các công trình trọng điểm, nhất là các dự án hạ tầng giao thông kết nối (tổ chức thông xe kỹ thuật đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh vào dịp 30/4/2025).

Tận dụng không gian mới từ các dự án hạ tầng giao thông (nhất là đường kết nối cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường ven biển ĐT 994 và các trục giao thông chính nội tỉnh mới đầu tư), để phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (mô hình TOD); hình thành các tổ hợp khu đô thị, khu vui chơi giải trí, phục vụ phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, một cách đồng bộ, tiện ích với dịch vụ thông minh theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm