Bà Rịa-Vũng Tàu 'trải thảm' chào đón nhà đầu tư

Những ngày cuối năm 2021, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăng cao. Bên cạnh các giải pháp phòng chống dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, tỉnh cũng đề ra kế hoạch cụ thể để phục hồi nền kinh tế, tập trung vào các ngành trọng điểm của tỉnh, trong đó có ngành công nghiệp.

Công nghiệp đa ngành bên cạnh khai thác dầu khí

Năm 1991, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được thành lập nhằm đáp ứng những đòi hỏi thực tiễn của đất nước khi ấy là tạo không gian địa lý, kinh tế - chính trị đủ rộng, lớn mạnh, dồi dào tiềm năng để mở đường cho việc phát triển ngành công nghiệp thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa phía Nam. Đồng thời khai thác các tiềm năng, thế mạnh khác từng bước hình thành khu kinh tế động lực của khu vực, gắn với củng cố thế trận quốc phòng an ninh trên biển. Khi đó dầu khí chiếm tỉ trọng lớn, công nghiệp chủ yếu chỉ là các cơ sở sửa chữa tàu thuyền, chế biến hải sản sơ cấp.

Đến nay, sau 30 năm, ngành công nghiệp của Bà Rịa-Vũng Tàu đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một trong bốn ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Công nghiệp hiện có cơ cấu tương đối đầy đủ, với sự có mặt của nhiều ngành nghề quan trọng, bên cạnh khai thác dầu khí như điện, khí, luyện kim, cơ khí, đóng tàu, hóa chất, vật liệu xây dựng, sản xuất phân bón… Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của tỉnh và quốc gia đã và đang hình thành, như: Dự án khí Nam Côn Sơn, Nhà máy phân đạm Phú Mỹ, tổ hợp hóa dầu miền Nam…

Dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng tại Khu công nghiệp Cái Mép của Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc).
Ảnh: HUY PHONG

Hạ tầng giao thông kết nối các khu công nghiệp và cảng Cái Mép - Thị Vải ngày càng được đầu tư đồng bộ. Ảnh: HUY PHONG

Tỉnh đã thành lập 15 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích khoảng 8.511 ha, trong đó có 13 KCN đang hoạt động (tỉ lệ lấp đầy hơn 65%); quy hoạch phát triển 17 cụm công nghiệp, hiện có sáu cụm đi vào hoạt động. Các KCN hiện có 495 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký quy đổi trên 20 tỉ USD. Chủ đầu tư của các dự án thứ cấp đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Canada, Pháp, Anh, Hà Lan. Thu hút được các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đầu tư nhiều năm qua tại tỉnh, như Viglacera, Hoa Sen, SCG, Posco, China Steel, Nippon, Hyosung, Samsung...

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành kinh tế cảng biển cùng hạ tầng giao thông kết nối ngày càng đồng bộ đã bổ trợ cho ngành công nghiệp; góp phần thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

Các KCN lớn, chuyên sâu tập trung chủ yếu song song cụm cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Từ đây hàng hóa được vận chuyển đi nhiều nơi bằng đường biển nhanh chóng, thuận lợi.

Sẵn sàng các điều kiện hạ tầng mời, đón nhà đầu tư

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Để sớm phục hồi nền kinh tế, tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị, gặp gỡ, đối thoại với DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước để cùng lắng nghe, chia sẻ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn về phòng chống dịch, thủ tục đầu tư, sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, tỉnh cũng chuẩn bị các điều kiện cần thiết để mời, đón các nhà đầu tư mới.

Theo ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ban quản lý cùng tỉnh đã luôn đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ với DN trong thời gian phòng chống COVID-19. Hiện các DN trong KCN đã áp dụng các biện pháp để vừa duy trì hoạt động sản xuất vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, nỗ lực hoàn thành các đơn hàng của năm 2021.

Tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển các KCN công nghệ cao, triển khai dự án xây dựng KCN kiểu mẫu/KCN thông minh theo định hướng sinh thái và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành KCN; cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư trên nền tảng số...

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết tỉnh hiện có các KCN Cái Mép, Mỹ Xuân B1, Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 3, Châu Đức, Đất Đỏ đã đáp ứng điều kiện về hạ tầng, quỹ đất sạch để các nhà đầu tư vào đầu tư triển khai dự án thuận lợi, nhanh chóng. Ngoài ra, dự án ngoài KCN là Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ, Trung tâm Điện lực Long Sơn cũng được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Bà Rịa-Vũng Tàu định hướng thu hút các dự án đến từ các tập đoàn lớn trong và ngoài nước; dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, phù hợp với tiêu chí, các ngành nghề được tỉnh phê duyệt…

Ông Vinh cho biết tỉnh luôn tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư đủ uy tín, năng lực tài chính tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh. Tỉnh cũng tập trung công tác cải cách hành chính, quy hoạch, đầu tư hạ tầng, môi trường, tạo quỹ đất sạch để mời, đón các nhà đầu tư mới. Song song đó là triển khai đầu tư các dự án đường giao thông kết nối vùng, liên vùng, nội tỉnh. Mục đích tạo thuận lợi nhất cho việc lưu thông hàng hóa giữa các KCN trong và ngoại tỉnh, đặc biệt là tới hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải...•

 

Quỹ đất còn lại và định hướng thu hút đầu tư vào từng
khu công nghiệp

Theo UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, quỹ đất còn lại và định hướng thu hút đầu tư vào từng KCN như sau: KCN Cái Mép (125 ha): Chế biến và gia công sản phẩm từ hóa chất, kim loại; chế biến lương thực, nông sản và thực phẩm…; KCN Phú Mỹ II (265 ha): Tập trung với loại hình gia công cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm, công nghiệp điện tử, dịch vụ cảng, kho, bến bãi…;

KCN Mỹ Xuân B1-Đại Dương (82 ha): Cơ khí chế tạo, nhựa, điện tử, điện lạnh,…; KCN Phú Mỹ 3 (364 ha): Công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử - ô tô - sợi - may mặc - da giày, cơ khí chế tạo, dịch vụ cảng, logistics…; KCN Châu Đức (731 ha): Điện, điện tử, máy tính, ô tô; vật liệu viễn thông, vật liệu mới, cơ khí…, xây dựng nhà xưởng cho thuê, kho bãi - dịch vụ...;

KCN Đất Đỏ I (231 ha): Điện, điện tử, máy tính, ô tô; vật liệu viễn thông, vật liệu mới, cơ khí…, xây dựng nhà xưởng cho thuê, kho bãi - dịch vụ...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới