Ba thứ trưởng thay nhau ‘tuần tra’ hạn mặn miền Tây

Trong công tác ứng phó hạn mặn năm 2019-2020, nhờ sự chỉ đạo, chủ động vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp nên thiệt hại được kéo giảm đáng kể. Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo người dân chủ động tích trữ nước sinh hoạt, không tự ý đẩy vụ mà không có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương để tránh bị thiệt hại do hạn mặn.

Giữa tháng 3, xâm nhập mặn ở mức rất cao

Năm nay tại ĐBSCL hạn mặn đến sớm và mạnh hơn so với năm mặn lịch sử 2015-2016, có những cửa sông vào sâu tới hơn 15 km. Đơn cử như sông Vàm Cỏ, thời điểm năm 2015-2016 xâm nhập mặn vào sâu nhất là 95 km thì năm nay đã đến 110 km. Rất nhiều dòng sông khác cũng trong tình trạng tương tự.

Trên lưu vực sông Mê Kông, năm 2019-2020 thuộc năm ít nước, lưu lượng về ĐBSCL bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm. Điển hình, mực nước bình quân từ đầu mùa khô đến nay tại trạm Kratie (thuộc Campuchia) đạt 6,67 m, thấp hơn 0,5 m so với năm mặn lịch sử. Dung tích trữ Biển Hồ Campuchia đến ngày 10-2 ước khoảng 1,9 tỉ  m3, thấp hơn cùng kỳ năm 2016 gần 30 triệu m3. Đây là nguyên nhân chính gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô 2019-2020.

Thực tế, xâm nhập mặn đã xuất hiện ở mức cao đột biến từ tháng 12-2019. Đến tháng 1-2020 tiếp tục tăng cao và trong tháng 2 xâm nhập mặn lên cao theo kỳ triều cường. Đây là đợt xâm nhập mặn cao nhất từ đầu mùa khô đến nay với ranh mặn 4 g/lít tại vùng hai sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây 94-97 km, sâu hơn năm 2016 12-14 km.

Dự báo từ ngày 21 đến 27-2, ranh mặn vào sâu cao nhất khoảng 55 km. Từ ngày 7 đến 15-3, ranh mặn 4 g/lít ở mức 80 km, sâu hơn 5 km so với đợt xâm nhập mặn tháng 2. Từ cuối tháng 3, xâm nhập mặn có thể giảm dần do các hồ chứa ở thượng nguồn tăng lưu lượng xả nước. Ở các sông Vàm Cỏ và Cái Lớn, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến hết tháng 4.

Đặc biệt, với đặc điểm của ĐBSCL là trong tháng có hai đợt triều cường kéo dài 7-8 ngày. Nước ở thượng nguồn về ít, lượng mưa ít nên khi triều cường lên mặn sẽ càng vào sâu.

Đồng ruộng ở huyện Long Phú, Sóc Trăng khô cằn, nứt nẻ do hạn mặn. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Dùng mọi giải pháp để ứng phó hạn mặn

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lương Văn Anh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), cho biết tình hình hạn mặn đã được dự báo trước từ giữa năm 2019. Ngay trong tháng 9-2019, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo một hội nghị về chủ động chống hạn mặn. Sau đó, các tỉnh đẩy thời vụ sớm hơn 10-30 ngày nên vụ đông xuân vừa rồi đã được mùa.

“Số diện tích lúa thiệt hại do mặn khoảng 29.000 ha. So với năm mặn lịch sử là 405.000 ha đã giảm 93%. Diện tích cây ăn quả đã khoanh vùng, tuyên truyền người dân không lấy nước mặn tưới cho cây nên không bị ảnh hưởng. Riêng tỉnh Cà Mau chủ yếu là đất phù sa non nên xuất hiện tình trạng nứt, sụt lún một số đoạn đường giao thông” - ông Lương Văn Anh cho biết.

Về nước sinh hoạt, nếu năm mặn lịch sử khiến 210.000 hộ dân thiếu nước thì đợt mặn năm nay dự kiến chỉ có 79.700 hộ. Các tỉnh đã chủ động ứng nguồn vốn để cấp nước cho người dân nên đến nay chưa có người dân nào không có nước ngọt sinh hoạt, sản xuất.

Một điều đáng chú ý là người dân và chính quyền địa phương có rất nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả chống hạn mặn. Người dân rất thông minh, khi con triều xuống, các sông đẩy nước ngọt ra thì lấy luôn nước ngọt đó để tích trữ, sản xuất. Họ cũng chủ động tích nước qua bồn chứa, dùng các tấm nylon cỡ lớn trải ra rồi đắp bờ để chứa nước dùng trong suốt thời gian hạn mặn. Một số người còn đầu tư máy đo độ mặn. Về địa phương thì có tỉnh Kiên Giang dùng các cây tràm sẵn có, đóng thành cọc rồi múc đất đổ vào giữa làm đập ngăn mặn...

Ông LƯƠNG VĂN ANHPhó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi 

Được biết Bộ NN&PTNT đã thành lập tổ tiền phương do thứ trưởng của Bộ làm tổ trưởng, lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi làm tổ phó thường trực thường xuyên vào chỉ đạo kịp thời. Có những thời điểm hạn mặn lên cao, tổ công tác tiền phương phải đề nghị bộ trưởng đi cùng. Hiện nay có ba thứ trưởng thay nhau vào ĐBSCL chỉ đạo liên tục. Một thứ trưởng chỉ đạo sản xuất, dịch chuyển thời vụ; một thứ trưởng chỉ đạo các công trình thủy lợi và một thứ trưởng phụ trách lâm nghiệp đi vào các tỉnh Cà Mau, An Giang.

Cạnh đó, việc xây dựng các công trình thủy lợi ở ĐBSCL được đẩy sớm 6-13 tháng để điều tiết giữ ngọt, ngăn mặn. Ví dụ như các cống Ninh Quới - Phụng Hiệp, trạm bơm Xuân Hòa (Tiền Giang), cống Tân Dinh, Bông Bót, Vũng Liêm (hệ thống thủy lợi Nam Mang Thít), 18 cống kiểm soát mặn thuộc dự án Bắc Bến Tre giai đoạn một... Đến nay, Tiền Giang đã lắp 50 trụ vòi công cộng bơm nước từ vùng xa cho người dân; Bến Tre có các máy lọc nước ngọt; Sóc Trăng chủ động cho ứng vốn của tỉnh trước để kéo 719 km đường ống, khoan 33 giếng để người dân có nước ngọt sinh hoạt...

Lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện các hệ thống thủy lợi khép kín, tăng cường nạo vét kênh mương tích trữ nước, điều tiết hồ chứa đảm bảo nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Chỉ đạo ĐBSCL tìm cây trồng phù hợp chuyển đổi cơ cấu, về lâu dài cần có giải pháp sống chung với hạn mặn.

Với cách chỉ đạo và thực hiện chủ động, đồng bộ như hiện nay tại các địa phương, ông Lương Văn Anh tin tưởng có khả năng sẽ giảm được nhiều thiệt hại so với năm hạn mặn lịch sử 2015-2016.

Trung Quốc tăng lưu lượng xả nước sông Lan Thương

Thông tin từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho biết tình trạng hạn hán năm 2019 tại lưu vực sông Lan Thương - Mê Kông xảy ra trên diện tích rộng và thời gian dài. Hiện lượng mưa bình quân tại lưu vực sông Lan Thương chỉ ở mức 728 mm, thấp hơn 34% so với hằng năm. Lượng nước dự trữ tại các hồ chứa phía thượng du đã xuống mức thấp nhất so với cùng kỳ trong lịch sử.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn cố gắng đảm bảo lưu lượng xả hợp lý của sông Lan Thương. Từ ngày 24-1 tăng lưu lượng xả nước từ 850 m3 lên 1.000 m3. Tổng lượng nước xả xuống hạ nguồn của sông Lan Thương năm nay có giảm nhưng nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cực đoan, không liên quan đến việc Trung Quốc xây dựng đập thủy điện tại thượng nguồn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm