Phó Thủ tướng chỉ đạo chống hạn, mặn tại miền Tây

Sáng 3-1, tại Bến Tre, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghị phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp và dân sinh khu vực ĐBSCL mùa khô 2019-2020.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết ĐBSCL là vùng phù sa trù phú, có đất sản xuất nông sản lớn của cả nước với ba sản lượng chính là thủy sản, lúa gạo và trái cây.

Tuy nhiên, những năm gần đây ĐBSCL bị đe dọa nghiêm trọng bởi tác nhân, biến đổi khí hậu nước biển dâng, sử dụng nguồn nước của các quốc gia thượng nguồn, lưu lượng dòng chảy sông Mekong giảm do ảnh hưởng lượng mưa giảm… Các tác nhân này dẫn đến tình hình cực đoan nổi rõ nhất là xâm nhập mặn ở ĐBSCL ngày càng gay gắt.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đông Hà

Theo đó, mùa mưa năm 2019 trên lưu vực sông Mekong xuất hiện muộn so với trung bình nhiều năm (TBNN), tổng thời gian mưa ngắn, tổng lượng dòng chảy năm ở mức thấp. Dòng chảy về ĐBSCL từ đầu mùa khô đến nay giảm nhanh, hiện đang xuống ở mức rất thấp. Xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã xuất hiện sớm hơn so với năm 2015-2016, ở mức gay gắt và sẽ tiếp tục ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Theo bộ trưởng Bộ NN&PTNT, những năm gần đây tốc độ của xâm nhập mặn biểu hiện rất nhanh, cụ thể muà khô năm 2015-2016 lịch sử nhiều năm vùng ĐBSCL phải đối mặt với hạn hán và xâm nhập mặn khắc nghiệt. Tại năm đó ĐBSCL bị ảnh hưởng 450.000 ha lúa, thiệt hại 1 triệu tấn lúa cùng với 136 ha cây ăn quả bị tổn thương hạn mặn ở các cấp độ độ khác nhau và nửa triệu dân trong vùng bị thiếu nước ngọt.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh mùa khô năm nay mức độ biểu hiện hạn mặn dự báo sẽ khắc nghiệt hơn năm 2015-2016, bởi ngay từ tháng 9 qua quan trắc cho thấy nước từ thượng nguồn năm nay bị thiếu hụt, nước thượng nguồn đưa về hạ du ĐBSCL giảm từ  355-50%, tổng lượng nước ở lưu vực. Đây là một trong dự báo gây ra ảnh hưởng rất lớn đến mùa khô năm nay tập trung cao điểm từ tháng 1 đến tháng 3 …

Phó Thủ tướng tham quan các mô hình trữ nước chống hạn mặn. Ảnh: Đông Hà

Dự báo mùa khô năm nay tổn thương nghiêm trọng đến ĐBSCL hơn cả 2015-2016, gây tác hại đến sản xuất đông xuân ảnh hưởng đến 1,6 triệu ha canh tác chính vụ, ảnh hưởng 360.000 ha cây ăn trái, trong đó có khoảng 30% bị tổn thương do ranh mặn vùng 4 g/l khoảng độ 20-40km tùy dòng sông.

Việc nuôi thủy sản trên sông khi xâm nhập mặn sâu tổn thương, ảnh hưởng đến nửa triệu người dân mà vùng nước ngọt mùa khô chưa chủ động được. 

Mùa khô 2019-2020 dự báo sẽ gay gắt. Ảnh: Đông Hà

Cũng theo Bộ NN&PTNT, dự kiến vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn năm nay sẽ tác động đến 10/13 tỉnh ở ĐBSCL. Do vậy, công việc cấp bách hiện nay cần thực hiện là theo dõi chặt diễn biến thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn để cụ thể hóa cho từng vùng, từng khu vực làm cơ sở xác định cơ cấu mùa vụ, đề ra các giải pháp kỹ thuật đối với sản xuất nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết đến nay 11 dự án các công trình nông nghiệp nông thôn do Bộ làm chủ đầu tư cùng với hàng chục công trình do các tỉnh đầu tư đã hoàn thành và sẵn sàng tham gia ứng phó với mùa hạn mặn mùa khô năm 2019-2020.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình xâm nhập mặn, huy động cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của người dân đẩy mạnh công tác phòng chống thiên tai, hạn mặn bảo vệ mùa màng, sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt ưu tiên hàng đầu hiện nay là phải đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân trong vùng.

“Chính phủ, các bộ ngành liên quan, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp,… phải có trách nhiệm cùng với người dân, nỗ lực trong công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, giảm nhẹ thiên tai” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm