Các cường quốc không thể thờ ơ trước diễn biến trên biển Đông. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) Tôn Nữ Thị Ninh nhận định như trên khi trả lời hãng truyền thông quốc tế Deutsche Welle (Đức) ngày 23-6.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh trả lời hãng truyền thông quốc tế Deutsche Welle của Đức. Ảnh: DW
. EU có nên can thiệp hơn nữa vào khủng hoảng trên biển Đông?
+ Chúng ta đang sống trong một thế giới đa cực vì hòa bình và an ninh. Các cường quốc lớn, trong đó có EU đôi khi cần tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vì hòa bình và an ninh tại một số khu vực...
Hiện EU nhìn nhận vấn đề biển Đông rất hạn chế như thể đó là vấn đề riêng giữa Việt Nam và Trung Quốc (TQ). Thực tế quy mô của vấn đề biển Đông đã vượt ra khỏi khu vực và trở thành vấn đề toàn cầu. TQ có thể xây dựng giàn khoan đâu đó trong cái gọi là đường chín đoạn nhưng TQ cố tình chọn Việt Nam.
Động thái của TQ theo cách nói của người Việt Nam là được đằng chân lân đằng đầu. Đối với TQ, vụ giàn khoan là dự án thử nghiệm, nếu có hiệu quả thì đây chính là thông điệp TQ gửi đến các nước khác trong khu vực. Đây cũng là nỗ lực của TQ nhằm khẳng định chủ quyền 80% diện tích biển Đông.
EU hiện chưa đáp ứng được nguyện vọng của Việt Nam và các nước khác tại Đông Nam Á bởi mối quan tâm kinh tế và văn hóa của EU trong khu vực hiện cao hơn yếu tố địa-chính trị và địa-chiến lược.
Tôi nghĩ đã đến lúc EU gia tăng hình ảnh của mình về hỗ trợ thực hiện một trật tự thế giới đa cực. Chúng ta cần tìm cách khiến TQ hiểu rằng cách duy nhất TQ có thể trở thành cường quốc là phải được các nước công nhận và tôn trọng. Và nếu như vậy, TQ buộc phải tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng các nước.
. Việt Nam mong đợi sự giúp đỡ hay hỗ trợ nào từ EU?
+ Các nước EU nên đưa ra tiếng nói rõ ràng hơn và mạnh mẽ hơn. EU nên ít nhất lên tiếng khẳng định hành động của TQ là đơn phương gây hấn, gây nguy hiểm đến hòa bình và an ninh khu vực. Các ngoại trưởng EU có thể nêu vấn đề tại Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á hay các diễn đàn khác như UNCLOS…
. Bà có nghĩ rằng các nước trong khu vực, trong đó có TQ chấp nhận vai trò lớn hơn của EU ở biển Đông?
+ TQ không muốn điều này. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội TQ Phó Oánh từng phát biểu với Mỹ tại Đối thoại Shangri-La rằng Mỹ không liên quan đến tranh chấp Việt Nam-TQ. Tôi nghĩ các cường quốc cần nói với TQ rằng thế giới ngày nay có nhu cầu ngày càng lớn về duy trì luật pháp quốc tế. Đây là việc của mọi người. Sự thật cho thấy hành động đơn phương của TQ đã vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Việt Nam chỉ là nước nhỏ và không thể kích động một cường quốc như TQ. Chúng tôi luôn kiềm chế trong xử lý quan hệ với TQ.
TQ đang cố thiết lập khái niệm riêng gọi là “hòa bình kiểu Trung Quốc” (pax sinica) trong khu vực. Động thái này làm mọi người bất an, đặc biệt trở nên nghiêm trọng đối với các nước như Việt Nam, bởi Việt Nam đang phải chịu đựng gánh nặng từ hành động khiêu khích của TQ. TQ đang chứng tỏ sức mạnh cơ bắp và tự cho mình có tiếng nói đơn phương về tự do hàng hải trên biển Đông. Thái độ của TQ nên được xem là nguyên nhân dẫn đến mối quan ngại nghiêm trọng không chỉ với Việt Nam mà cả các nước ngoài khu vực. Tiêu điểm Mỹ luôn tuyên bố là một thế lực tại Thái Bình Dương và đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ trước hành động khiêu khích của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. EU vốn có quan hệ rất tốt với Việt Nam nhưng chưa cho thấy hành động rõ ràng và có trọng lượng. Bà TÔN NỮ THỊ NINH |
DUY KHANG