Bế mạc kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII

Thống nhất ý chí để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc

Sau hơn một tháng làm việc, sáng 24-6, Quốc hội (QH) khóa XIII đã bế mạc kỳ họp lần thứ bảy. Kỳ họp này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi Trung Quốc (TQ) hạ đặt trái phép giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động này đã đe dọa nghiêm trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông. Trong phần phát biểu bế mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã dành thời gian để thể hiện tiếng nói của QH trước vấn đề này.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc kỳ họp thứ bảy, QH khóa XIII sáng 24-6. Ảnh: BM

Chủ tịch QH khẳng định hành động của TQ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Đồng thời vi phạm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); vi phạm thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và TQ về nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển Đông. Hành động đó “đã làm tổn hại sâu sắc đến tình hữu nghị, đoàn kết, láng giềng của nhân dân hai nước Việt-Trung”, Chủ tịch QH nói và cho biết tại diễn đàn này, hòa chung với nhịp đập trái tim với đồng bào, chiến sĩ cả nước, các đại biểu (ĐB) QH đã mạnh mẽ lên án hành động sai trái của TQ.

Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, QH đã thảo luận sâu sắc, ra thông cáo tuyên bố lập trường chính nghĩa của Việt Nam, kiên quyết phản đối hành động sai phạm của TQ, yêu cầu TQ rút giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và không được tiếp tục có những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Trên tinh thần đó, “QH kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng thống nhất ý chí, hành động, ủng hộ và thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế; gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước…”.

Chủ tịch QH cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến QH, nghị sĩ QH, các tổ chức, cá nhân và bạn bè trên thế giới đã và đang tiếp tục đồng tình, ủng hộ Việt Nam lên tiếng bảo vệ chính nghĩa, lẽ phải của Việt Nam và yêu cầu TQ đình chỉ ngay những hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

 

Thông cáo chính là tuyên bố quan điểm của QH về vấn đề biển Đông

Tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ bảy chiều cùng ngày, trả lời câu hỏi của báo chí “Vì sao QH không ra nghị quyết về tình hình biển Đông?”, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho hay: Trong kỳ họp cũng có những ĐB đề nghị QH ra nghị quyết về vấn đề này. QH đánh giá cao các phát biểu tâm huyết của các vị ĐBQH. Ngay trong phiên khai mạc, QH cũng đã nghe Chính phủ báo cáo về tình hình biển Đông, các giải pháp để đối phó. Sau đó QH cũng đã thảo luận, bàn sâu sắc về việc trên. Kế tiếp QH cũng đã ra thông cáo nêu rõ quan điểm. “Ra nghị quyết thì đòi hỏi phải có quy trình, tùy theo tính chất, mức độ thì mới ra nghị quyết, trong quá trình thảo luận QH cũng cân nhắc về vấn đề này và quyết định chưa ra nghị quyết. Tôi nghĩ thông cáo cũng chính là tuyên bố quan điểm của QH về vấn đề biển Đông” - ông Phúc nói.

T.VĂN

***

Một số kết quả đáng chú ý tại kỳ họp

1. Tái cơ cấu nợ công; chấn chỉnh mở trường ĐH tràn lan

Với 96,18% đại biểu Quốc hội (ĐBQH) biểu quyết tán thành, QH đã thông qua nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ bảy, QH khóa XIII. QH tán thành các giải pháp mà các thành viên của Chính phủ đã cam kết trong các lĩnh vực tài chính, giáo dục và đào tạo…

Trong đó, QH yêu cầu phải có các giải pháp cần thiết bảo đảm an toàn, an ninh tài chính về nợ công, nợ Chính phủ trong giới hạn cho phép. Trong đó, tái cơ cấu nợ công theo hướng chuyển từ cơ cấu vay ngắn hạn sang vay dài hạn, phát hành trái phiếu chính phủ có kỳ hạn dài hơn; giảm bội chi ngân sách, hạn chế sử dụng vay mới để đảo nợ cũ; rà soát, đánh giá tổng thể nợ công, có giải pháp cân đối vay và trả nợ để báo cáo QH tại kỳ họp sau.

QH cũng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, có biện pháp chấn chỉnh việc mở trường ĐH, tuyển sinh tràn lan, nâng cao chất lượng đào tạo, đưa giáo dục ĐH vào nề nếp.

2. Bỏ quy định đăng ký giữ quốc tịch VN

Với 95,98% ĐBQH biểu quyết tán thành, QH đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam (VN). Luật này đã bỏ quy định đăng ký giữ quốc tịch VN. Theo đó, người VN định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch VN theo quy định của pháp luật VN trước ngày luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch VN.

Người VN định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch VN mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch VN theo quy định tại Điều 11 của luật này thì đăng ký với cơ quan đại diện VN ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch VN và cấp hộ chiếu VN.

3. Bảo đảm ít nhất 90% hộ cận nghèo tham gia BHYT

Với 96,99% ĐBQH tán thành, QH đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Theo đó, giai đoạn 2016-2020: Đạt mục tiêu giảm nghèo theo nghị quyết năm năm (2016-2020) của QH, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo; duy trì, bổ sung một số chính sách hỗ trợ phù hợp đối với hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo, tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo đảm ít nhất 90% hộ cận nghèo tham gia BHYT…

BÌNH MINH

BÌNH MINH - THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm