Bạc Liêu: Bị can tố cơ quan điều tra “bán” chứng cứ

Đây là vụ tham ô tài sản xảy ra trong ngành bưu điện tỉnh Bạc Liêu. Cuối năm 2006, cơ quan điều tra Công an tỉnh này đã khởi tố ba bị can, trong đó có M., nguyên kế toán trưởng Công ty Xây lắp bưu điện Bạc Liêu.

Chứng từ không cánh mà bay

Theo xác minh, từ năm 2001, M. đã tẩy xóa 79 hóa đơn, ghi thêm số lượng hàng hóa, số tiền vào hóa đơn để tự thanh toán và còn nhờ một số người cùng công ty đứng tên thanh toán giùm, thu lợi bất chính gần 350 triệu đồng tiền chênh lệch. Hai bị can còn lại cũng có hành vi tẩy xóa 48 hóa đơn, điền thêm số tiền cao hơn thực tế để hưởng số dư gần 60 triệu đồng.

Tháng 10-2006, khi bắt M., cơ quan điều tra đã khám xét, thu giữ các chứng từ, tài liệu tại nhà bị can này, đóng thành ba gói có niêm phong, đánh số thứ tự từ một đến ba. Một tháng sau, dưới sự chứng kiến của điều tra viên và đại diện VKSND tỉnh Bạc Liêu, ba gói chứng từ được mở ra cho M. trực tiếp đánh số thứ tự từ một đến 519.

Tháng 1-2007, khi mở niêm phong các gói chứng từ tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bạc Liêu với sự có mặt của những người trên thì M. phát hiện đã không còn đầy đủ 519 chứng từ mà mình trực tiếp đánh số. Cho rằng có quá nhiều chứng từ đã bị mất, M. từ chối ký biên bản và làm đơn đề nghị Công an tỉnh Bạc Liêu làm rõ sự việc.

Vừa thất lạc vừa “nhảy số”?

Kiểm tra lại, trong số 519 chứng từ này có 95 tờ hóa đơn đỏ được đánh số từ một đến 95 thì không có chứng từ số 48 và 80. Cơ quan điều tra cho rằng thực tế không có chứng từ số 48 mà do đánh nhảy số, riêng chứng từ số 80 không xác định được là nhảy số hay bị thất lạc. Theo cơ quan này, căn cứ vào bản thống kê đồ vật, tài liệu khi khám xét tạm giữ, chứng từ số 80 là một hóa đơn đỏ, nếu có bị thất lạc thì cũng không liên quan gì đến vụ án?!

Tương tự, cơ quan điều tra cũng giải thích việc 10 chứng từ đánh số từ 220 đến 229 và 80 chứng từ đánh số từ 310 đến 399 không có trong hồ sơ chỉ là do đánh nhảy số. Ngoài ra, còn một chứng từ được đánh số 411 (theo bản thống kê đồ vật, tài liệu khi khám xét tạm giữ là một tờ trình) cũng bị “bay”. M. khai đây là tờ trình của Bưu điện huyện Giá Rai với nội dung xin mua bốn cái điện thoại di động với tổng số tiền hơn 30 triệu đồng để làm quà tặng. Dựa vào đó, cơ quan điều tra cho biết sẽ... giảm trừ bớt thiệt hại do M. gây ra đối với số tiền này?!

Bị can tố có tiêu cực!

Sau khi hồ sơ được chuyển qua VKSND tỉnh, mới đây bị can M. đã có đơn khiếu nại khẩn cấp gửi các cơ quan chức năng.

Theo đó, M. cho rằng không thể chấp nhận được lý giải mất chứng từ vì đánh nhảy số của cơ quan điều tra, bởi các chứng từ này do chính tay M. lần lượt đánh số dưới sự kiểm tra của điều tra viên và đại diện VKS nên không thể có sai sót như thế.

Đặc biệt, M. trình bày: “Có người chứng minh rằng cơ quan điều tra đã dùng các chứng từ mất tích trên để “bán” cho các lãnh đạo Bưu điện tỉnh Bạc Liêu vào khoảng thời gian cuối năm 2006. Hiện một số bản gốc của các chứng từ này có người mua còn lưu giữ” (?).

Ngoài ra, M. còn khẳng định việc cơ quan điều tra trừ cho mình số tiền sai phạm từ các chứng từ bị thất lạc không phải vì “nhân đạo” mà do cố tình làm sai lệch tính chất vụ án, bởi các chứng từ này dẫn chiếu đến trách nhiệm của những người chỉ đạo, ký duyệt cho M. thực hiện tội phạm.

Rõ ràng, nội dung khiếu nại công an “bán” chứng từ trong vụ án như trên của bị can M. có tính chất rất nghiêm trọng. Chúng tôi đề nghị Bộ Công an, VKSND tối cao nhanh chóng vào cuộc, làm rõ trắng đen để đảm bảo sự khách quan và nghiêm minh của pháp luật.

-

Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án: Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm, thư ký tòa án, nhân viên tư pháp khác, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự nào mà thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy, làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ án thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

- Tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản: Người nào được giao giữ tài sản bị kê biên, bị niêm phong hoặc vật chứng bị niêm phong mà có một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Phá hủy niêm phong;

b) Tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại tài sản bị kê biên;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng.

(Theo Điều 300 và 310 BLHS)

Có phạm tội?

Theo một thẩm phán TAND tối cao, trong vụ này, chứng từ là bằng chứng quan trọng để xác định tội phạm, người phạm tội và làm rõ sự thật nên không thể qua loa rằng cơ quan điều tra không xét đến, giảm trừ bớt số tiền sai phạm cho bị can là xong. Nếu qua những chứng từ bị mất tích đó mà phát hiện được tội phạm mới, người phạm tội mới thì sao?

Do đó, nếu có căn cứ xác định điều tra viên, kiểm sát viên... cố tình bỏ chứng từ ra khỏi hồ sơ thì phải xử lý họ về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án (Điều 300 BLHS). Nếu việc thất lạc này không phải do những người tiến hành tố tụng gây ra mà do người được giao giữ chứng từ đã niêm phong thì phải xử lý người này về tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản (Điều 310 BLHS).

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm