“Cách đây không lâu, một bệnh nhân say xỉn bị tai nạn giao thông được đưa vào bệnh viện (BV) cấp cứu. Sau khi khám, tôi nói ông nằm chờ để lập hồ sơ bệnh án. Trong lúc tôi đang ghi chép thì nghe tiếng cô điều dưỡng la lên, tôi quay lại thấy bệnh nhân cầm dây nịt, vừa quật tôi liên tiếp hai cái vừa nói “sao lâu vậy, sao lâu vậy”... Tôi bỏ chạy và nhờ bảo vệ can thiệp” - bác sĩ (BS) Trần Hùng Tấn, Khoa cấp cứu BV Nhân dân 115, kể lại.
Nhân viên y tế đang cấp cứu trường hợp tai nạn. Ảnh: TRẦN NGỌC |
Bác sĩ bị đánh vì... bị cho rằng làm chậm
“Một đồng nghiệp của tôi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Sau khi khám cho một người bị tai nạn giao thông say xỉn thì quay ra làm hồ sơ bệnh án. Bất ngờ người nhà bệnh nhân xông tới siết cổ BS rồi đẩy tới chỗ người bệnh đang nằm kêu khám lại. Trước tình huống này, BS buộc phải thực hiện theo yêu cầu của người nhà bệnh nhân” - BS Tấn cho hay.
Cách nay không lâu, một điều dưỡng Khoa cấp cứu BV TP Thủ Đức cũng bị người nhà bệnh nhân tát một cái vào mặt đau điếng. “Do người bị tai nạn là trường hợp nhẹ nên tôi nói họ chờ để chăm sóc người nặng hơn. Tuy nhiên, người nhà bệnh nhân không nghe giải thích mà còn tát tôi. Sau khi bảo vệ BV mời làm việc, người nhà bệnh nhân biết sai và xin lỗi tôi” - điều dưỡng này chia sẻ.
Theo quy trình cấp cứu, bệnh nhân nặng sẽ được thăm khám và xử trí trước cho dù vào sau, tiếp đó mới tới các bệnh nhân nhẹ.
Là người trực tiếp xử lý những trường hợp bị tai nạn, BS Trần Minh Toàn, Phó Trưởng Khoa cấp cứu BV Chợ Rẫy, cũng từng bị người nhà bệnh nhân hành hung trong một lần chăm sóc bệnh nhân tại phòng hồi sức của Khoa cấp cứu. “Lần đó, tôi bị người nhà bệnh nhân cầm máy đo điện tim ném vào người rồi la “điều trị lâu quá vậy”. Tôi tránh được và chạy ra ngoài nhờ bảo vệ hỗ trợ” - BS Toàn nói và kể thêm đồng nghiệp của mình có người còn bị người nhà bệnh nhân cầm cây đuổi đánh, ném dụng cụ y tế vào người.
Để bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế, BV Nhân dân 115 đã xây dựng ba mức độ phản ứng nhanh. Một là, người nhà bệnh nhân chỉ nói qua nói lại. Hai là, người nhà bệnh nhân lớn tiếng, có lời lẽ đe dọa. Ba là, người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế. Tùy vào mức độ phản ứng mà BV có hướng giải quyết phù hợp với từng sự việc.
Mong người nhà bệnh nhân cùng chia sẻ
BS Vũ Ngọc Chức, Trưởng Khoa cấp cứu BV TP Thủ Đức, cho biết mỗi ngày BV tiếp nhận khoảng 130 ca cấp cứu nên không thể tránh khỏi việc người nhà bệnh nhân lớn tiếng, thậm chí uy hiếp nhân viên y tế. “Tâm lý chung của nhiều người nhà bệnh nhân là bệnh nhân phải được ưu tiên, không quan tâm người khác nặng nhẹ ra sao. Do vậy, họ luôn nóng ruột, hối thúc nhân viên y tế liên tục, có khi dẫn đến căng thẳng” - BS Chức nói.
Theo BS Chức, quy trình cấp cứu, bệnh nhân nặng sẽ được thăm khám và xử trí trước cho dù vào sau, tiếp đó mới tới bệnh nhân nhẹ. Cho dù nhân viên y tế có giải thích rõ ràng nhưng không ít người nhà bệnh nhân do nóng lòng, muốn được thăm khám trước nên đã nảy sinh những chuyện không hay. Hiện BV đã bổ sung nhân lực cho Khoa cấp cứu để có thể giải quyết nhiều ca bệnh cùng một lúc.
Còn tại BV Nhân dân 115 mỗi ngày tiếp nhận khoảng 300 ca cấp cứu. Do đó, tình trạng người nhà bệnh nhân lớn tiếng, cự cãi, thậm chí dí đuổi nhân viên y tế đã từng xảy ra. “Chẳng những lớn tiếng với nhân viên y tế, có người nhà bệnh nhân còn phản ánh qua đường dây nóng của Sở Y tế TP.HCM. Trong trường hợp này, BV lại phải giải trình bằng văn bản với sở" - BS Khâu Minh Tuấn, Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115 nói.
Khoa cấp cứu thiết kế cửa thoát dành cho nhân viên y tế, phòng riêng cho bệnh nhân có liên quan các vụ ẩu đả để tránh bị truy sát, khu vực tạm cho bệnh nhân trong trường hợp xảy ra xung đột tại khoa… Điều quan trọng là nhân viên y tế phải thật khéo léo khi giải thích với người nhà bệnh nhân, phải biết cách xoa dịu nỗi bức xúc của họ vì càng tranh luận càng đưa đến hậu quả không hay” - BS Tuấn chia sẻ.
Cùng quan điểm, BS Trần Minh Toàn, Phó Trưởng Khoa cấp cứu BV Chợ Rẫy, cho biết khi người nhà bệnh nhân có biểu hiện gây hấn, nhân viên y tế nhờ bảo vệ can thiệp và khéo léo mời ra khu vực ngoài để giải thích. Việc này nhằm tránh người nhà bệnh nhân căng thẳng, nảy sinh những hành động không an toàn cho nhân viên y tế và tránh ảnh hưởng tới tâm lý những bệnh nhân khác.
“Nhân viên y tế rất thông cảm với nỗi lo của người nhà bệnh nhân cấp cứu. Họ cũng mong muốn người nhà bệnh nhân thấu hiểu và chia sẻ công việc họ đang làm để tránh xảy ra những tình huống đáng tiếc” - BS Toàn trải lòng.•
Bí thư Thành ủy gặp gỡ nhân viên ngành y tế
Theo kế hoạch, sáng 5-8, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên sẽ có buổi gặp gỡ cán bộ và nhân viên ngành y tế TP, kể cả các bác sĩ trẻ tham gia chương trình thí điểm thực hành tại BV đa khoa gắn với trạm y tế.
Trong buổi gặp gỡ này, cán bộ, nhân viên ngành y tế TP và các BS trẻ có chia sẻ với Bí thư Thành ủy TP.HCM về công việc đang làm cũng như những đề xuất để đưa ngành y tế TP ngày một phát triển.