Bác sĩ chuyên khoa nói về loại thuốc gây tê Bupivacaine

Liên quan đến vụ sản phụ ở Đà Nẵng tử vong nghi do thuốc gây tê Bupivacaine Wpw Spinal 0,5% heavy, ngày 22-11, ông Nguyễn Phước Tồn, Phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết các đơn y tế trực thuộc Sở đã không sử dụng loại thuốc này từ tháng 4-2019.

Theo ông Tồn, trước đó vào tháng 4, trong các cuộc họp chuyên ngành Sở có nghe tỉnh Long An và Bến Tre phản ánh về sự cố chết người tại địa phương liên quan đến thuốc Bupivacaine Wpw Spinal 0,5% heavy. Các địa phương nhận thấy hiệu quả giảm đau của thuốc này không hoàn toàn, làm tụt huyết áp kéo dài và một số trường hợp gây sốc, co giật (theo báo cáo của Hội Gây mê khu vực phía Nam và một số bệnh viện (BV) tại Cần Thơ). 

Lãnh đạo Sở Y tế Cần Thơ cho biết tại địa phương không xảy ra sự cố y khoa nào liên quan đến thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5 Heavy.

“Ở Cần Thơ chưa xảy ra sự cố y khoa liên quan đến thuốc này nhưng sau phản ánh của Long An, Bến Tre, để đảm bảo an toàn tính mạng con người, Sở Y tế Cần Thơ đã chủ động làm việc với Công ty CPC1 tạm dừng sử dụng loại thuốc này và thay thế bằng một loại thuốc khác từ tháng 4-2019 đến nay” - phó giám đốc Sở Y tế Cần Thơ thông tin thêm.

Cụ thể, vào ngày 25-4, căn cứ công văn đề nghị của Công ty CPC1 và BV đa khoa TP Cần Thơ, Sở Y tế đã chấp thuận cho đơn vị trúng thầu là Công ty CPC1 thay thế thuốc Bupivacain 0,5% 20 mg/4 ml, sản xuất tại Ba Lan bằng thuốc Bupivacain for spinal anaesthesia Aguettant 5 mg/ml sản xuất tại Pháp cho đến khi có sự chỉ đạo của Cục Quản lý Dược.

Cũng theo ông Tồn, văn bản này Sở chỉ gửi cho các đơn vị trực thuộc sở và đơn vị cung cấp thuốc chứ chưa gửi cho Cục quản lý Dược của Bộ Y tế.

Trao đổi với PLO, BS CK2 Trần Huỳnh Đào, Trưởng khoa Gây mê hồi sức BV đa khoa Trung ương Cần Thơ, Phó Chủ tịch Hội Gây mê hồi sức Đồng bằng sông Cửu Long, cho biết trong buổi làm việc với Cục Quản lý Dược tại Cần Thơ hồi tháng 4 bà từng phản ánh sự việc và xin ý kiến lãnh đạo Cục về loại thuốc này.

“Tôi đã công tác trong lĩnh vực gây mê khoảng 30 năm nay và thấy rằng tiêu chuẩn thuốc gây tê tủy sống là thuốc nhập đạt chuẩn châu Âu và luôn được đóng gói vô trùng, tinh khiết, không tạp chất. Tuy nhiên, tôi thấy thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5 Heavy sản xuất ở Ba Lan do đơn vị trúng thầu cung cấp lần này mặc dù có giấy nhập khẩu nhưng lại đóng gói trần trụi, sơ sài. Thêm vào đó, ở Long An và Bến Tre lại xảy ra tử vong liên quan đến thuốc này nên với vai trò, đức nghề nghiệp và hơn hết là đảm bảo an toàn tính mạng con người nên tôi đã đề nghị lãnh đạo không sử dụng thuốc này” - BS Đào thông tin.

Trước đó, vào ngày 19-7, Cục Quản lý Dược đã có văn bản yêu cầu CPC1 phối hợp với các đơn vị phân phối tạm dừng ngay việc sử dụng lô thuốc dung dịch thuốc tiêm Bupivacaine 5 mg/ml, SĐK: VN-20879-17. Theo văn bản, trước đó Cục Quản lý Dược nhận được công văn của Sở Y tế TP Hà Nội kèm theo báo cáo của Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội báo cáo kết quả kiểm nghiệm lô thuốc dung dịch thuốc tiêm Bupivacain WPW Spinal 0,5% Heavy (Bupivacain hydroclorid 5mg/ml), số lô: 02DB0718, HD: 26-7-2020, SĐK: VN-20879-17 đã trúng thầu năm 2018 tại Sở Y tế Hà Nội, do nhà thầu CPC1 cung. Lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đối với chỉ tiêu tính chất, độ trong (có dị vật lơ lửng).

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho người sử dụng, Cục Quản lý dược yêu cầu CPC1 phối hợp với các đơn vị phân phối tạm dừng ngay việc sử dụng lô thuốc trên đến tất cả cơ sở kinh doanh, BV, phòng khám đã và đang sử dụng lô thuốc. Tổng hợp báo cáo số lượng còn tồn báo cáo Cục Quản lý dược, Sở Y tế Hà Nội (thời hạn ba ngày) số lượng sản xuất, số lượng phân phối, số lượng thu hồi trên địa bàn Hà Nội. Phối hợp với các đơn vị trong việc đổi/cung cấp thay thế lô thuốc này để đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh theo quy định.

Công văn thể hiện chỉ gửi đến Sở Y tế TP Hà Nội, Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện kiểm nghiệm thuốc TP.HCM và Công ty cổ phần dược phẩm trung ương CPC1.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới