Bác sĩ nghẹn lời khi nói tới thu nhập

(PLO)- Nhiệm vụ của TP.HCM là phải đưa ra các giải pháp để vực ngành y tế TP.HCM đi lên, phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân và đảm bảo cuộc sống cho nhân viên y tế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Khi người dân bệnh, bác sĩ (BS) lo. Khi BS gặp khó, ai lo? Lo kiểu gì? Đây là câu hỏi luôn làm chúng tôi ray rứt” - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã bày tỏ tâm tư trong buổi gặp gỡ nhân viên ngành y tế TP.HCM vào sáng 5-8.

Từ sự sẻ chia của Bí thư Thành ủy TP.HCM, rất nhiều nhân viên ngành y tế TP.HCM đã trải lòng.

Bí thư Thành ủy TP.HCM trao đổi với nhân viên ngành y tế TP.HCM. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Bí thư Thành ủy TP.HCM trao đổi với nhân viên ngành y tế TP.HCM. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết nghẹn lời khi đề cập tiền lương của nhân viên y tế. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết nghẹn lời khi đề cập tiền lương của nhân viên y tế.
Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Lương không đủ sống

BS Đỗ Thị Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận 1, cho biết vai trò của các trạm y tế rất quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho dân.

“Thế nhưng nhân viên ở các trạm y tế làm việc trong thầm lặng, thiếu sự quan tâm. Công sức bỏ ra nhiều nhưng bù đắp không là bao” - BS Tân bày tỏ.

Về nguồn thu, BS ở trạm y tế chỉ có lương. Do vậy khó giữ chân BS mới ra trường. BS về trung tâm y tế cũng rất ít và “dứt áo” chỉ sau vài tháng làm việc do khó sống nổi với đồng lương.

“Tôi đã làm 27 năm tại tuyến y tế cơ sở. Tôi không thể trụ tới giờ nếu không có sự hỗ trợ kinh tế từ phía gia đình. Hiện nhân viên y tế tuyến cơ sở nhận lương là chính nhưng còn khiêm tốn. Nếu không có sự đãi ngộ, nhân viên y tế tuyến cơ sở khó lòng trụ lại” - BS Tân nói.

“Khi người dân bệnh, BS lo. Khi BS gặp khó, ai lo?

Lo kiểu gì? Đây là câu hỏi luôn làm chúng tôi ray rứt.”

Bí thư Thành ủy TP.HCM NGUYỄN VĂN NÊN

Ngành y giàu tình thương và trách nhiệm

BS Huỳnh Nguyễn Lộc, Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, cho biết trong lần trò chuyện với những nhân viên y tế đã nghỉ việc, BS Lộc phần nào thấu hiểu nguyên nhân.

“Cũng như nghề giáo, nghề y thật cao quý. Tuy nhiên, nhân viên y tế rất buồn vì nghề y không có phụ cấp thâm niên. Bên cạnh đó, nghề giáo giao tiếp với học sinh, sinh viên hoặc phụ huynh nên thoải mái. Trong khi nhân viên y tế phải tiếp xúc bệnh nhân hoặc người nhà, tâm lý không thoải mái. Ngày này qua tháng nọ, đến một lúc nào đó sẽ mệt mỏi và mong được nghỉ ngơi” - BS Lộc cho biết thêm.

Không ít nhân viên y tế vì người bệnh nên làm cả ngày lẫn đêm từ ngày này qua tháng nọ nên thời gian dành cho gia đình, con cái chẳng là bao, nhất là trong mùa dịch COVID-19 vừa qua. Đến khi nhìn lại, gia đình cũng có sự mất mát nhưng nhân viên y tế chẳng lo được nhiều. Không ít nhân viên y tế tự hỏi ngày sau tôi sẽ sống ra sao.

“Với trình độ sẵn có, không ít nhân viên y tế có khả năng làm ngoài thu nhập cao. Tuy nhiên, họ vẫn ở lại vì “mắc nợ” bệnh nhân nghèo. Nếu giải tỏa được nỗi niềm, nhân viên y tế sẽ thấy vui và gắn bó dài lâu với công việc đang làm” - BS Lộc trải lòng.

BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương, chia sẻ: “Tôi có hai con chọn ngành y. Trước khi chọn nghề này, tôi nói với hai con muốn giàu nên chọn ngành khác. Riêng nghề y, chỉ giàu tình thương và trách nhiệm”.

“Lương BS trẻ tầm 7-8 triệu đồng mỗi tháng làm sao sống nổi. Một tháng, một năm, năm năm còn cố gắng được. Tuy nhiên, 10 năm, 20 năm thì không thể do vật giá ngày càng leo thang” - BS Tuyết nghẹn lời.

Nhân viên ngành y tế TP.HCM mong có chính sách hỗ trợ để yên tâm cống hiến lâu dài và hãnh diện khi được làm ngành nghề có mức lương tương đối, không phải bận tâm. “Một khi có chính sách đãi ngộ thì nhân viên ngành y tế TP.HCM tự hào vỗ ngực xưng tôi đang làm trong cơ sở y tế A, trong bệnh viện B… Còn không, nhân viên ngành y tế TP.HCM nghỉ việc sẽ thiếu hụt nhân lực chăm sóc sức khỏe người dân” - BS Tuyết nói.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, TP đang đối mặt với bốn nguy cơ.

Một là, dịch chồng dịch. Hai là, thiếu thuốc và vật tư y tế. Ba là, biến động nguồn nhân lực y tế. Bốn là, xuất hiện tâm trạng lo lắng trong một bộ phận nhân viên y tế.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng TP phải có chính sách, chế độ đãi ngộ để tăng thu nhập cho nhân viên y tế. Về cơ sở vật chất, cần xem lại cơ sở của trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện, thiếu tới đâu đề xuất tới đó để TP.HCM phê duyệt.

Lưu tên nhân viên y tế như lời tri ân

“Chúng tôi muốn gặp, muốn nghe những nỗi niềm của nhân viên ngành y tế TP.HCM. Nhưng thật sự, chúng tôi rất áy náy sau khi được nghe những trăn trở của các anh, các chị trong ngành y” - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên xúc động.

Bí thư Thành ủy TP.HCM trải lòng: “Khi dịch COVID-19 bùng phát, nhân viên y tế lao vào phòng chống. Thấu hiểu nỗi lo của chúng tôi, rất nhiều nhân viên y tế và các thầy thuốc lâu năm gửi lời động viên, sẻ chia. Do vậy, tôi lưu tên tất cả “chiến sĩ áo trắng”, từ trẻ tới già trong danh bạ điện thoại như là sự tri ân”.

Ngừng giây lát, Bí thư Thành ủy TP.HCM xúc động: “Tôi tin người thầy thuốc một khi đã chọn ngành y thì quan niệm sống gần như mặc định giúp người, cứu người. Tuy nhiên, nếu dồn dập nhiều thứ cùng lúc thì sức người có hạn, không thể vượt qua. Do vậy, có thầy thuốc đã chia tay với ngành. Tôi nghĩ khi rời bỏ vị trí đang làm thì họ cũng đau đớn, xót xa như chia tay người nhà”.

“Cuộc gặp gỡ như thế này không bao giờ nhận đủ những sẻ chia sâu sắc, khó đủ thời gian để nói hết những nỗi lo của thầy thuốc trong bối cảnh hiện nay. Nhưng không có cách nào khác, chúng ta cùng nghe, cùng bàn để đưa ra giải pháp chung nhằm phát triển ngành y tế TP.HCM, ổn định cuộc sống cho nhân viên y tế” - Bí thư Thành ủy TP.HCM chỉa sẻ.

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, thu nhập quan trọng nhưng chưa hẳn là quan trọng nhất. Cần tạo môi trường làm việc thân thiện. Áp lực công việc của nhân viên y tế cao thì cần sự chia sẻ của lãnh đạo. Bên cạnh đó, lãnh đạo nên đồng cảm, tạo điều kiện và làm điểm tựa cho nhân viên để tạo tâm lý thoải mái trong công việc.

“Giám đốc Sở Y tế TP.HCM vừa nêu bốn nguy cơ mà ngành y tế TP đối điện. Nhiệm vụ của chúng ta là phải đưa ra các giải pháp để vực ngành y tế TP.HCM đi lên, phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho dân và đảm bảo cuộc sống cho nhân viên y tế” - Bí thư Thành ủy TP.HCM trải lòng.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm