Bác sĩ nói về việc đo nồng độ cồn vào buổi sáng

(PLO)- Có thể lấy ngưỡng cồn như 1 số quốc gia phát triển và có điều chỉnh nồng độ cồn dựa trên đặc điểm đường phố Việt Nam. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tiếp nối diễn đàn “Đề xuất không cấm tuyệt đối người lái xe có nồng độ cồn", PLO nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc gửi đến báo.

Nhậu tối hôm trước, sáng hôm sau vẫn bị phạt

Bạn đọc Tuấn Anh gửi bài viết đến PLO:

Hiện CSGT tại nhiều địa phương đang tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm an toàn giao thông, trong đó có vi phạm nồng độ cồn vào cả buổi sáng và buổi tối. Bất cứ ai cũng được lực lượng chức năng yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra và xử lý nghiêm nếu sai phạm.

Bản thân là một người tham gia giao thông nên tôi cảm thấy thắc mắc về cách kiểm tra này vì kết quả có thể không đúng. Tôi từng ngồi nhậu với bạn bè vào lúc 7 giờ tối, sau đó về nhà ngủ. Sáng mai vẫn tập thể dục, ăn sáng rồi đi làm bình thường.

Đang chạy xe, tôi được CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn, tuy nhiên kết quả máy đo báo còn nồng độ cồn trong hơi thở và tôi bị phạt theo quy định. Tôi cố phân trần là mình đang trong trạng thái tỉnh táo, nhậu từ tối hôm qua nhưng không hiểu sao vẫn còn nồng độ cồn, cơ thể hoàn toàn bình thường và làm chủ được hành vi nhưng luật là luật, vi phạm thì vẫn bị xử lý.

đo nồng độ cồn
Cồn ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương sẽ liên quan đến các yếu tố cân nặng, giới tính,… nên việc qui định nồng độ cồn bằng 0 có thể gây ra một số bất cập nhất định. Ảnh: THẢO HIỀN

Vậy tôi tự hỏi việc kiểm tra nồng độ cồn vào buổi sáng có hợp lý và cần thiết không? Trong trường hợp điều khiển phương tiện giao thông khi sử dụng bia rượu thì tôi hoàn toàn đồng ý xử phạt vì rất nguy hiểm, dễ gây tai nạn. Nhưng nếu nhậu từ tối hôm trước đến sáng hôm sau vẫn bị phạt thì thật sự khắt khe quá.

Ngoài ra, tại các TP lớn đang ra quân xử lý nghiêm ngặt, còn những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa liệu có thực hiện được như vậy không? Nếu không sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội. Tôi không phủ nhận rằng thời gian qua sau khi lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý đã giảm thiểu được số vụ tai nạn giao thông do cồn. Nhưng điều quan trọng và cần thiết nhất là nâng cao ý thức của người dân chứ phạt hoài tiền đâu mà đóng!".

Tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào sáng 10-11, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, tại Điều 8 dự luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm cấm người “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Rượu, bia nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu

BS Dao Ngoc Hung.jpg
Bác sĩ Đặng Ngọc Hùng, Viện nghiên cứu và Tư vấn dinh dưỡng.

Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ThS.BS Đặng Ngọc Hùng, Viện nghiên cứu và Tư vấn dinh dưỡng về việc nồng độ cồn tác động như thế nào đến cơ thể, hệ thần kinh khi tham gia giao thông.

. Phóng viên: Thưa BS, nồng độ cồn tác động như thế nào đến cơ thể, đặc biệt là hệ thần kinh? Nếu ở mức độ nào thì có thể xem là “vừa đủ”? Mức độ nào là mất tỉnh táo?

+ ThS-BS Đặng Ngọc Hùng: Lạm dụng rượu bia là nguyên nhân đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và đây cũng là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch, xơ gan và các rối loạn tâm thần.

Rượu bia có thể ảnh hưởng xấu đến hệ thống thần kinh. Rượu làm chậm các hóa chất dẫn truyền thần kinh và tín hiệu mà não chúng ta sử dụng để kiểm soát cơ thể, nó làm thay đổi tâm trạng, làm chậm phản xạ và ảnh hưởng đến sự cân bằng. Sử dụng rượu bia lâu dài cũng ảnh hưởng đến nhận thức và sức khỏe tâm thần khác, bao gồm các vấn đề về học tập hoặc trí nhớ cũng như làm trầm trọng thêm các bệnh liên quan tâm thần như trầm cảm và lo lắng. Những tác động có hại lên não có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn và khó hồi phục.

. Sau khi uống rượu bia, mất khoảng bao lâu để cơ thể không còn nồng độ cồn, có dựa vào những yếu tố nào không, thưa BS?

+ Nếu uống 1 đơn vị sẽ làm tăng BAC BAC (Blood Alcohol Concentration - nồng độ rượu trong máu), nồng độ cồn trong máu khoảng 0,02 thì gan mất khoảng một giờ để phá hủy và mất hơn 2 – 3 giờ để loại bỏ hoàn toàn ra khỏi cơ thể. BAC bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác nhau như giới tính (phụ nữ BAC cao hơn khi uống cùng lượng cồn với nam), trọng lượng cơ thể (cơ thể nhỏ BAC cao hơn so với lớn), loại rượu tiêu thụ, tốc độ tiêu thụ rượu và lượng thức ăn ăn vào (thức ăn làm giảm tốc độ hấp thu).

Ở một người khỏe mạnh trung bình, một đơn vị cồn tương đương:

- 3/4 chai hoặc 3/4 lon bia 330 ml (5%);

- Một chai hoặc một lon nước trái cây/cider/strongbow có cồn loại 330ml (4,5%);

- Một cốc bia hơi 330 ml (4%);

- Một ly rượu vang 100 ml (13,5%);

- Hoặc một ly nhỏ/cốc nhỏ rượu mạnh 40 ml (30%).

Để hiểu các mức độ tác động rượu bia lên sức khỏe thì chúng ta cần phải biết đơn vị về BAC. Đây là mức độ cồn trong máu của của chúng ta sau khi sử dụng đồ uống có cồn. BAC là 0,01 nghĩa là có 0,01g cồn trong 100ml máu. Nếu uống 1 đơn vị sẽ làm tăng BAC khoảng 0,02.

. Về vấn đề nội dung dự luật quy định nồng độ cồn bằng 0, dưới góc độ chuyên môn, BS có thấy hợp lý không?

+ Cồn có thể được sinh ra trong tự nhiên khi ăn thực phẩm nhiều tinh bột, đường, bên cạnh đó 1 số bệnh lý mạn tính như tiểu đường, xơ gan cũng làm lượng cồn tự nhiên cao hơn.

Ngoài ra việc cồn ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương sẽ liên quan đến các yếu tố cân nặng, giới tính,… nên việc qui định cồn bằng 0 có thể gây ra một số bất cập nhất định. Vậy nên chúng ta có thể lấy ngưỡng cồn như 1 số quốc gia phát triển và có điều chỉnh dựa trên đặc điểm đường phố Việt Nam.

Hoặc dựa trên đặc tính thể trạng người Việt Nam và qui định mức phù hợp. Thậm chí có thể dựa vào số năm kinh nghiệm lái xe để có thể phân biệt người mới bắt đầu và người có kinh nghiệm. Và mốc này có thể là 1-2 đơn vị cồn/ lần tương đương ngưỡng <0.05 BAC.

. Xin cám ơn ông.

"Đo nồng độ cồn là cần thiết trong bất cứ thời điểm nào"

Nói về việc đo nồng độ cồn vào buổi sáng, một cán bộ CSGT đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn, thuộc Phòng PC08, Công an TP.HCM cho biết: Nhậu tối hôm trước, sáng hôm sau đo vẫn hiển thị nồng độ cồn là chuyện thường xuyên xảy ra. Khả năng đào thải chất cồn phụ thuộc vào cơ thể của mỗi người, nếu còn nồng độ cồn trong cơ thể thì vẫn có khả năng tác động tới thần kinh của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Đồng thời, một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn là rơi vào “giấc ngủ trắng” – trạng thái ngủ tạm thời, do thiếu ngủ gây ra. Chỉ cần một giây mất tập trung cũng có thể xảy ra tai nạn nên việc đo nồng độ cồn là cần thiết trong bất cứ thời điểm nào.

PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm