Tài xế có được yêu cầu CSGT thay ống thổi nồng độ cồn không?

(PLO)- Tài xế có thể yêu cầu thay ống thổi nồng độ cồn mới, nhưng không được từ chối kiểm tra nồng độ cồn nếu CSGT không thực hiện.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiện CSGT ra quân kiểm tra nồng độ cồn liên tục, bất cứ ai cũng có thể bị kiểm tra. Điều này khiến tôi lo lắng về việc nhiều người dùng chung một ống thổi nồng độ cồn, vừa mất vệ sinh, vừa có nguy cơ lây bệnh, đồng thời khả năng sai số cao. Tôi có được quyền yêu cầu thay ống thổi mới và từ chối kiểm tra nếu dùng chung ống được không?

Bạn đọc Hoàng Long (Đồng Nai)

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời:

Có hai hình thức kiểm tra nồng độ cồn là:

- Đo định tính: Người dân chỉ cần nói hoặc thổi nhẹ vào thiết bị đo.

- Đo định lượng: Sử dụng ống thổi một lần.

Hiện nay không có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về việc người dân được quyền yêu cầu CSGT thay ống thổi mới khi đo nồng độ cồn. Tuy nhiên, để đảm bảo các biện pháp an toàn về sức khỏe, y tế, CSGT sẽ thực hiện việc thay thế ống thổi mới sau mỗi lần sử dụng và thu gom xử lý các ống thổi đã qua sử dụng theo quy định.

Theo đó, để đảm bảo an toàn sức khỏe, y tế, tránh làm lây lan các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, người dân được quyền yêu cầu CSGT thay thế ống thổi mới khi tiến hành đo nồng độ cồn.

tai-xe-co-duoc-yeu-cau-CSGT-thay-ong-thoi-nong-do-con-khong.jpg
Người dân được quyền yêu cầu CSGT thay ống thổi mới để đảm bảo sức khỏe. Ảnh: VŨ HỘI

Tại Điều 10, Điều 11 Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định người dân có quyền giám sát việc thi hành pháp luật trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc hoặc thông qua các thiết bị ghi âm, ghi hình.

Tuy nhiên, không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về quyền yêu cầu thay ống thổi mới. Vì vậy, nếu CSGT không thực hiện, người dân có quyền khiếu nại đối với hành vi của CSGT khi thực hiện nhiệm vụ, nhưng không được quyền từ chối việc kiểm tra nồng độ cồn.

Nếu người dân không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), cụ thể:

- Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (nếu không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn theo quy định tại điểm g Khoản 8 và điểm g Khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019).

- Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (nếu không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn theo quy định tại điểm b Khoản 10 và điểm h Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm