Bài 2: 17 trạm ngoài quy hoạch

Vì thế có nhiều trạm không nằm trong quy hoạch hoặc đặt không theo quy định… Không chỉ phía doanh nghiệp vận tải “than trời” mà chính bản thân doanh nghiệp làm đường, thu phí cũng “trách đất”.

Việc lập quá nhiều trạm thu phí BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao) đã phá vỡ hệ thống quy hoạch trạm thu phí đường bộ, đồng thời tạo ra tình trạng hỗn loạn trong hoạt động thu phí, gây thiệt thòi cho lái xe và các doanh nghiệp vận tải.

15 km một trạm!

Trước hàng loạt kiến nghị của dư luận, các đại biểu Quốc hội và Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, tháng 12 vừa qua Bộ GTVT đã thành lập đoàn kiểm tra hệ thống trạm thu phí trong cả nước. Kết quả kiểm tra cho thấy những phản ánh của dư luận về hoạt động thu phí hoàn toàn có cơ sở.

Cụ thể, khoảng cách giữa các trạm theo quy định là 70 km/trạm. Thực tế, trong tổng số 62 trạm thu phí có đến nửa số trạm không bảo đảm khoảng cách theo quy định. Có những trạm cách nhau chỉ 15-20 km. Điển hình là trạm thu phí Vĩnh Phú (còn gọi Lái Thiêu) và trạm thu phí Suối Giữa - Bình Dương chỉ dài 15 km. Như vậy, phương tiện chỉ tham gia giao thông trong vòng 20 km đã phải đóng đến hai lần phí.

Bài 2: 17 trạm ngoài quy hoạch ảnh 1

Trạm thu phí Sông Phan - Bình Thuận, nơi được giao nhiệm vụ thu phí cho cầu… Ðồng Nai cách đó hàng trăm cây số.

Theo Thông tư 90, việc lập trạm thu phí phải nằm trong quy hoạch mạng lưới thu phí quốc lộ và có quyết định thành lập trạm thu phí của bộ trưởng Bộ GTVT. Tuy nhiên, kết quả rà soát cho thấy hiện trên hệ thống các tuyến quốc lộ có 62 trạm nhưng có đến 17 trạm nằm ngoài quy hoạch. Phần lớn các trạm này là trạm thu phí BOT, xuất hiện từ năm 2004 đến nay. Đây cũng là thời điểm mà Bộ GTVT bắt đầu cho triển khai mạnh phong trào xây dựng công trình giao thông, sau đó cho phép nhà đầu tư thu hồi vốn bằng hình thức thu phí đường bộ.

Lập trạm để trả lương cho cán bộ trạm!

Cũng theo báo cáo rà soát, việc mức phí được áp dụng tại các trạm thu phí hiện nay đang rất khác nhau. Trong tổng số 62 trạm thì 52 trạm có mức thu giống nhau, hai trạm mức thu tăng 1,2 lần, bảy trạm mức thu tăng 1,5 lần và đặc biệt có hai trạm là Tào Xuyên (Thanh Hóa) và Nam Hải Vân (Đà Nẵng) mức thu tăng gấp hai lần.

Đây cũng là hai trạm gây ra rất nhiều bức xúc trong dư luận, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã chất vấn Bộ GTVT về việc đường làm một hướng, còn thu phí lại trên một tuyến đường khác khiến những người không được sử dụng dịch vụ cũng phải nộp tiền.

Ngoài ra, có nhiều trạm nguồn thu được rất thấp như trạm Phả Lại thu chỉ đạt 11 tỉ đồng, Cầu Hồ (Bắc Ninh) thu đạt 5 tỉ đồng, hay trạm Cầu Bình (Hải Dương), Việt Trì (Phú Thọ) cũng chỉ đạt trên 10 tỉ đồng/năm. Trong khi đó, chi phí cho việc thu phí của những trạm trên lại chiếm 60%-80% nguồn thu. Thậm chí có trạm nguồn thu chỉ đủ để chi.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, rõ ràng là việc thu như thế chưa hiệu quả. Vì thế, Bộ GTVT cần phải nhanh chóng sắp xếp lại hoạt động của các trạm thu phí, đồng thời đẩy nhanh thực hiện áp dụng việc thu phí lưu hành phương tiện cho quỹ bảo trì đường bộ. Sau đó sẽ xóa bỏ hết các trạm thu phí mà nhà nước đầu tư xây dựng công trình, riêng các trạm BOT thì tiếp tục cho thu phí đến khi thời hạn kết thúc.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm