Bãi bỏ một thủ tục, tiết kiệm cả ngàn tỷ

Trong hai ngày 28 và 29-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế-xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2017. Hàng loạt nội dung quan trọng đã được trình bày và thảo luận tại hội nghị này với các giải pháp cụ thể nhằm phát triển KT-XH đất nước. Trong đó nổi bật lên là vấn đề chống lãng phí, tiết kiệm tối đa từng đồng tiền thuế của dân để tập trung cho đầu tư phát triển. Đồng thời quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Pháp Luật TP.HCM xin trích lại một số nội dung đáng chú ý liên quan đến vấn đề này.

Thủ tướng: “Tết này không phải đi thăm thành viên Chính phủ”

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng nhìn nhận năm 2016 là một năm đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thiên tai, nhân tai diễn ra khốc liệt, tình hình thế giới diễn biến khó lường; nhiều yếu kém trong nội tại nền kinh tế; nhiều chính sách mới được áp dụng... Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt với tinh thần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, qua đó đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhắc việc địa phương không được về Hà Nội chúc tết, như một thông điệp mạnh mẽ để chặn đứng sự lãng phí, tiêu cực.

“Tết này, xin được nói với toàn thể quốc dân, đồng bào và các đồng chí bí thư, chủ tịch là các anh không phải đi thăm thủ tướng, phó thủ tướng và các bộ trưởng nữa. Không phải chỉ miền Nam không ra Bắc, mà ngay miền Bắc cũng không đến Hà Nội” - Thủ tướng nói.

Những kết quả ấn tượng năm 2016

• GDP cả năm 2016 đạt gần 6,3% - cao hơn nhiều so với tăng trưởng bình quân của các nước.

• Xuất khẩu tăng khoảng 8%, xuất siêu 2-3 tỉ USD.

• Lần đầu tiên du lịch Việt Nam đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế.

• Cả nước có hơn 110.000 DN thành lập mới; hàng trăm ngàn DN hoạt động trở lại.

• Dự trữ ngoại hối đạt khoảng 41 tỉ USD, cao nhất từ trước tới nay.

Thủ tướng cũng nhắc hệ lụy của việc xe các địa phương đổ dồn về Hà Nội dịp tết khiến xe nhiều quá, chạy chật cả đường. “Mình làm gương cho nhân dân và nhất là làm giảm việc đi mua hóa đơn, chứng từ, xuất ngân sách, làm dối trá để phong bao, phong bì nhau” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, hiện nay thủ tướng, phó thủ tướng xuống địa phương cũng rất đơn giản, đoàn xe ngắn gọn hơn, đón tiếp đơn giản hơn. “Tình cảm anh em đồng chí trọn vẹn, gắn bó nhưng sinh hoạt phải rất giản dị trong cuộc sống để chúng ta gần gũi với người dân hơn” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Trái cây là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh: AH

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tiết kiệm là quốc sách

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trình bày tóm tắt dự thảo nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Theo đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc “đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN)”.

Về điều hành ngân sách, Phó Thủ tướng yêu cầu: “Cần chủ động, chặt chẽ. Hạn chế tối đa ban hành chính sách giảm thu, trừ những cam kết quốc tế; hạn chế ban hành chính sách tăng chi trừ trường hợp đặc biệt”.

 “Tiết kiệm chi tiêu ngân sách là quốc sách” - Phó Thủ tướng nói thế và yêu cầu: “Tăng cường kỷ luật kỷ cương, kỷ luật ngân sách, thu trong nền kinh tế, chi theo khả năng, vay trong khả năng trả nợ”.

Trong thực hiện nhóm giải pháp cải cách hành chính, Phó Thủ tướng yêu cầu “các bộ ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, lãng phí; tập trung xử lý các vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng…”.

Phó Thủ tướng cho rằng: “Khâu yếu nhất của chúng ta là tổ chức thực hiện, vì vậy lần này trong tháng 1-2017, các bộ ngành, địa phương phải ban hành kế hoạch hành động, có đơn vị, cơ quan chủ trì cụ thể. Đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện kế hoạch đã đề ra, chủ động xử lý hoặc đề xuất cấp trên để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:  Thủ tục ba ngày, thực tế đến năm hôm

Trình bày báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, định hướng đến năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết hầu hết chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện nhiều nhưng các nước khác cũng tiến rất nhanh. Phó Thủ tướng cho rằng cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là khâu thực hiện ở địa phương.

“Về thuế, chúng ta cải cách cơ bản trên văn bản nhưng thực thi còn khoảng cách. Để văn bản xuống đến thực tế cần các sở, ngành, địa phương vào cuộc cùng trung ương. Hay trong khởi sự kinh doanh, thủ tục đăng ký DN theo văn bản quy định mất ba ngày nhưng khảo sát thực tế ở địa phương lại lên đến năm ngày. Rõ ràng mức độ vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương còn khác nhau” - Phó Thủ tướng nói.

Đề cập đến vai trò quan trọng của người đứng đầu trong thực hiện cải cách, Phó Thủ tướng nêu: “Ví dụ vừa qua, bộ trưởng Bộ Công Thương đã bãi bỏ các quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyte trong vải, khai báo hóa chất đã tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng, hàng vạn ngày công cho DN. Tới đây Bộ Công Thương sẽ tiếp tục sửa đổi quy định về dán nhãn năng lượng vốn gây tốn kém rất lớn về thời gian, chi phí cho DN khi mọi loại thiết bị sử dụng năng lượng nhập vào Việt Nam đều phải kiểm tra, dán nhãn năng lượng dù năng lực kiểm định của Việt Nam có hạn”.

Tập trung chống hối lộ, “sân trước”, “sân sau”

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tóm tắt dự thảo nghị quyết ban hành chương trình hành động của Chính phủ triển khai nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tinh thần vô trách nhiệm với công việc, vô cảm với dân… hay những việc để thất thoát tài sản nhà nước, vốn liếng nhà nước… đụng chạm hằng ngày với khối chính quyền. Do vậy, tinh thần Nghị quyết trung ương 4 là quyền lực phải được giám sát, đặc biệt là chống hối lộ, chống “sân trước”, “sân sau”… mà trước đây gọi là móc ngoặc.

Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc chống trì trệ trong nhiệm vụ được giao. cán bộ phải tiên phong gương mẫu.

“Thay đổi cán bộ khi không hoàn thành nhiệm vụ hoặc thấy suy thoái thì phải thay đổi ngay” - Thủ tướng nói.

Năm 2017, TP.HCM sẽ thành lập mới 50.000 DN

Phát biểu tại hội nghị ở đầu cầu TP.HCM , Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết kinh tế TP trong năm 2016 tăng trưởng khá, tổng sản phẩm GRDP đạt 8,05%. Theo ông Phong, đó là mức tăng trưởng cao nhất trong năm năm gần đây.

Với kết quả đó, trong năm 2017, ông Phong cho biết TP.HCM sẽ huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn năm 2016. Đồng thời cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ khuyến khích DN khởi nghiệp. Đồng thời khắc phục hiệu quả các vấn đề nhân dân thành phố đặc biệt quan tâm như tình trạng ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, ùn tắc giao thông... TP.HCM cũng phấn đấu trong năm 2017 sẽ thành lập mới 50.000 DN, đến năm 2020 TP sẽ có 500.000 DN.

Tại hội nghị, ông Phong kiến nghị Chính phủ hoàn thiện nghị định về phân cấp ủy quyền cho TP.HCM, bảo đảm cho TP có cơ chế thực sự hiệu quả để phát triển. Ông Phong cho biết vừa qua Thủ tướng đã đồng ý về chủ trương đối với các đề xuất của TP về phân cấp, ủy quyền quy hoạch một số khoản thu, khoản chi, phí và lệ phí phù hợp; về quy định hành vi xâm phạm trật tự, văn minh đô thị… Do đó, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng quy định chặt chẽ, cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành trung ương liên quan nhằm tạo điều kiện để TP cụ thể hóa các nội dung được phân cấp, đảm bảo việc phân cấp thật sự có hiệu quả trên thực tế.

TÁ LÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm