Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), các chuyên gia nghiên cứu phát hiện thấy ngọn núi Mantap tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri đã sụp đổ, dẫn đến nguy cơ Trung Quốc và các nước lân cận đối mặt nhiễm phóng xạ chưa từng có. Hai nhóm nhà khoa học Trung Quốc xác nhận thông tin trên.
Ảnh vệ tinh chụp bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. Ảnh: SCMP
Một nhà nghiên cứu bình luận ngọn núi sụp đổ có thể là nguyên nhân tại sao lãnh đạo Kim Jong-un hôm 20-4 tuyên bố sẽ đóng băng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, đồng thời đóng luôn bãi thử.
Năm trong sáu vụ thử hạt nhân gần đây của Triều Tiên đã được tiến hành dưới ngọn núi Mantap tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở Tây Bắc Triều Tiên.
Một nhóm nghiên cứu do Wen Lianxing, nhà địa chất thuộc ĐH Khoa học và Công nghệ Trung Quốc ở Hợp Phì phụ trách, kết luận sự sụp đổ xảy ra sau vụ thử bom nhiệt hạch mạnh nhất của Triều Tiên trong một đường hầm cách đỉnh núi 700 m. Vụ thử đã làm nứt vỡ ngọn núi.
Điều này khẳng định mối lo ngại của Bắc Kinh rằng vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng đã gây rò rỉ bụi phóng xạ. Bụi phóng xạ có thể thoát ra qua các lỗ hổng hoặc vết nứt trên ngọn núi bị tác động, các nhà khoa học cho biết.
“Cần phải tiếp tục theo dõi khả năng rò rỉ vật liệu phóng xạ sau khi ngọn núi sụp đổ” - nhóm nghiên cứu của ông Wen nói trong một tuyên bố. Những phát hiện này sẽ được công bố trên trang web của tờ Geophysical Research Letters, một tạp chí của Liên đoàn Địa-Vật lý Mỹ, vào tháng tới.
Bãi thử hạt nhân Punggye-ri trước...
và sau vụ nổ ngày 3-9-2017. Ảnh: SCMP
Triều Tiên thấy ngọn núi này là địa điểm lý tưởng để tiến hành các vụ thử hạt nhân dưới lòng đất bởi độ cao hơn 2.100 m trên mực nước biển và địa hình của nó. Bề mặt của ngọn núi không cho thấy thiệt hại rõ ràng sau bốn lần thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất trước năm 2017.
Tuy nhiên, quả bom 100 kiloton được cho nổ ngày 3-9-2017 đã làm bốc hơi các tảng đá với mức nhiệt chưa từng có và mở ra một không gian có đường kính lên tới 200 m, theo báo cáo đăng trên trang web của nhóm nghiên cứu Wen.
Một phần lớn của sườn núi, cách đỉnh núi chưa đầy 0,5 km trượt xuống khoảng rỗng do vụ nổ gây ra để lại vết nứt có thể nhìn thấy qua ảnh vệ tinh. Sau khi phân tích dữ liệu thu thập được từ gần 2.000 trạm địa chấn, ông Wen đi đến kết luận ngọn núi đã sụp đổ.
Ba trận động đất nhỏ tại các khu vực lân cận sau khi ngọn núi sụp đổ đã củng cố kết luận của ông, cho thấy địa điểm thử nghiệm đã mất ổn định về mặt địa chất.
Nhóm nghiên cứu thứ hai do Liu Junqing làm việc tại Cơ quan Động đất Cát Lâm cùng Cục Quản lý động đất Trung Quốc ở Trường Xuân dẫn đầu, cũng đưa ra những kết luận tương tự.
“Hiện tượng đá sụt lần đầu tiên được ghi nhận tại bãi thử nghiệm của Triều Tiên” - nhóm của Liu viết trong một bài báo được xuất bản tháng trước trong Geophysical Research Letters.
Theo các chuyên gia, sự cố này không chỉ dừng lại một phần đỉnh núi mà còn tạo ra một “ống khói” có thể cho phép bụi phóng xạ bay từ trung tâm vụ nổ vào không khí.
Zhao Lianfeng, nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Trái đất tại Học viện Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh cho biết phát hiện của cả hai nhóm nghiên cứu đã củng cố cho kết luận của giới khoa học rằng bãi thử đã sụp đổ không thể sửa chữa được nữa.
“Những phát hiện này trùng khớp với những quan sát của chúng tôi. Các nhóm nghiên cứu khác nhau sử dụng dữ liệu khác nhau đã đưa ra kết luận tương tự nhau. Chỉ có một điểm khác nhau là ở một số chi tiết kỹ thuật” - chuyên gia Zhao cho biết.
Suy đoán bãi thử hạt nhân Triều Tiên gặp rắc rối tăng lên khi nhà địa chất học hàng đầu Triều Tiên Lee Doh-sik đến thăm Viện Khoa học Trái đất, nơi ông Zhao làm việc khoảng hai tuần sau vụ thử và gặp gỡ riêng các nhà địa chất cấp cao của chính phủ Trung Quốc. Mặc dù mục đích của chuyến thăm của Lee không được tiết lộ, hai ngày sau đó, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ không tiến hành các thử nghiệm hạt nhân trên đất liền nữa.
Ông Kim Jong-un ngày 20-4 bất ngờ tuyên bố chấm dứt thử hạt nhân và tên lửa. Ảnh: SCMP
Hu Xingou, một học giả tại Bắc Kinh theo dõi chương trình hạt nhân của Triều Tiên, nhận định rất có khả năng Bình Nhưỡng đã nhận được một cảnh báo rõ rệt từ Bắc Kinh. “Cuộc thử nghiệm không chỉ làm mất ổn định địa điểm này mà còn làm tăng nguy cơ phun trào núi Trường Bạch”, một ngọn núi lửa lớn, hoạt động ở biên giới Trung Quốc-Triều Tiên.
Sự sụp đổ của ngọn núi này có thể đã gây ra một cú sốc lớn đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên, ông Hu nói. Ông cho rằng bị ảnh hưởng bởi loạt trừng phạt kinh tế từ quốc tế, Bình Nhưỡng nhiều khả năng không đủ nguồn lực để sớm tiếp tục thử nghiệm tại một địa điểm mới.
“Vẫn có một số địa điểm khác thích hợp cho thử hạt nhân. Chúng phải được giám sát chặt chẽ” - ông Hu nói.