TAND TP Nha Trang (Khánh Hòa) vừa ban hành bản án hình sự sơ thẩm số 200/2017 trong vụ Võ Duy Cường (23 tuổi, ngụ phường Phước Hải, TP Nha Trang) bị xét xử về tội cố ý gây thương tích.
Thêm nhiều nội dung không có khi đọc tại tòa
Đây là vụ án mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh. Theo đó, bị cáo Võ Duy Cường hai lần bị Cơ quan CSĐT Công an TP Nha Trang truy nã trong giai đoạn điều tra và giai đoạn chuẩn bị xét xử. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 26-9 của TAND TP Nha Trang, Cường vẫn được HĐXX cho hưởng án treo (với mức án ba năm), đồng thời được trả tự do ngay tại phiên tòa. Trong khi đó, cả đồng phạm của Cường trong vụ án đều bị TAND TP Nha Trang phạt tù giam với mức án từ năm năm đến bảy năm sáu tháng tù khi xét xử hồi tháng 9-2015.
Mới đây, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, luật sư (LS) Phan Bạch Mai (bảo vệ cho người bị hại trong vụ án) cho biết người bị hại đã gửi đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị tòa phúc thẩm tăng hình phạt, không cho Cường được hưởng án treo.
Theo đơn kháng cáo, việc đại diện VKS tại phiên tòa sơ thẩm rút tình tiết truy tố phạm tội có tính chất côn đồ đối với Cường là điều bất thường. Bởi tại phiên tòa xử các bị cáo cùng vụ án hồi tháng 9-2015, cũng chính kiểm sát viên này đã bảo vệ việc truy tố tám đồng phạm của Cường là đều phạm tội có tính chất côn đồ dù có nhiều bị cáo không trực tiếp chém người bị hại.
Đơn kháng cáo cũng cho rằng tòa sơ thẩm đã cho bị cáo Cường được hưởng hai tình tiết giảm nhẹ trái pháp luật: Thứ nhất là tình tiết thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải trong khi bị cáo hai lần bị truy nã, không thừa nhận hành vi phạm tội, không đồng ý với cáo trạng truy tố. Thứ hai là tình tiết khắc phục hậu quả trong khi bị cáo không biết ai bồi thường, bồi thường bao nhiêu.
Đặc biệt, LS Mai cho biết ông đang khiếu nại yêu cầu các cơ quan tố tụng tỉnh Khánh Hòa làm rõ việc bản án sơ thẩm được TAND TP Nha Trang ban hành chính thức có nhiều điểm khác so với bản án được chủ tọa tuyên đọc tại phiên tòa sơ thẩm ngày 26-9.
Theo LS Mai, đối chiếu với ghi âm bản án do chủ tọa đọc tại phiên tòa ngày 26-9, kết cấu nội dung của bản án ban hành bị đảo lộn rất nhiều. Khi ban hành bản án, TAND TP Nha Trang đã thêm vào một số nội dung mà khi tuyên tại tòa không hề có. Cụ thể, tại trang 6 của bản án có 11 dòng với nội dung hoàn toàn mới. Đó là nội dung tòa viện dẫn các luật, văn bản để áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội. Tại trang 7 của bản án, phần quyết định cũng có bảy dòng nội dung không có trong bản án khi tuyên xử tại tòa.
Bị cáo Võ Duy Cường hai lần bị truy nã nhưng vẫn được TAND TP Nha Trang cho hưởng án treo. Ảnh: LT
Tòa có được tuyên một đằng, ra án một nẻo?
Nhận xét về tình huống trên, LS Nguyễn Thế Cương (Đoàn LS TP.HCM) nói bản án được chủ tọa đọc tại phiên tòa có sự chứng kiến của HĐXX, đại diện VKS và các bên đương sự. Trước khi tuyên đọc bản án này, HĐXX đã nghị án và có biên bản nghị án.
Theo LS Cương, khi chủ tọa đọc bản án tại tòa, thư ký tòa cũng phải ghi chép nội dung đầy đủ vào biên bản phiên tòa. Sau khi tuyên đọc bản án, bản án phát hành lại có thêm nhiều nội dung như thế là vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Bởi sau khi tuyên đọc bản án, không thể có chuyện HĐXX quay lại nghị án để thống nhất bổ sung nhiều nội dung như thế và ban hành văn án.
“Bản án tuyên đọc hay phát hành đều nhân danh Nhà nước nên đòi hỏi phải thật chính xác từng câu, từng chữ. Việc sai sót (nếu có) chỉ được phép bổ sung, sửa chữa trong những trường hợp cụ thể theo quy định pháp luật. Pháp luật đã quy định chi tiết, không cho phép bất cứ sự tùy tiện nào của những người tiến hành tố tụng trong việc ban hành bản án” - LS Cương khẳng định.
Trước đây, Pháp Luật TP.HCM cũng từng có nhiều bài viết phản ánh về chuyện tương tự. Trao đổi, nhiều chuyên gia, trong đó có ông Đinh Văn Quế (nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao) đều khẳng định việc tuyên án một đằng, ra bản án một nẻo dù xét ở góc độ nào thì đó cũng là việc làm trái pháp luật.
Theo các ý kiến này, bản án do tòa án ban hành được coi là một văn bản pháp luật nên đòi hỏi phải thật chính xác từng câu, từng chữ. Yêu cầu của việc viết bản án là phải viết đúng mẫu, viết đúng luật và viết đúng ngữ pháp. Không thể chấp nhận một bản án phát hành lại khác với bản án mà chủ tọa tuyên đọc tại phiên tòa, càng không thể coi những sai sót đó chỉ là chuyện nhỏ, vụn vặt chỉ cần rút kinh nghiệm qua loa mà phải coi đó là việc làm tắc trách, thậm chí là sai lầm nghiêm trọng. Cần phải kiểm điểm nghiêm khắc như một số tòa án đã làm. Thẩm phán tuyên án một đằng, ra bản án một nẻo tùy theo mức độ phải có hình thức xử lý. Cần xử lý nghiêm chuyện án tuyên một đằng, ra bản án một nẻo để không còn những chuyện tắc trách tương tự.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.
TAND tỉnh Khánh Hòa “siết” việc phát hành án Gần đây, chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa đã có công văn yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc TAND tỉnh, chánh án TAND các huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh Khánh Hòa nghiêm túc chỉ đạo các thẩm phán thuộc đơn vị mình phải kiểm tra kỹ trước khi ký phát hành các bản án, quyết định cho đương sự hoặc các cơ quan tố tụng, các cơ quan liên quan. Nếu phát hiện có sai sót trong các bản án, quyết định đã phát hành, phải thực hiện việc sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định theo đúng quy định pháp luật tố tụng. Thủ trưởng các đơn vị thuộc TAND tỉnh, chánh án TAND cấp huyện phải chịu trách nhiệm cá nhân trước chánh án TAND tỉnh về việc để xảy ra tình trạng sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định không đúng quy định pháp luật tố tụng trong đơn vị mình. Theo TAND tỉnh Khánh Hòa, qua kiểm tra nhận thấy tình trạng phải ra văn bản sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định vẫn còn xảy ra. Đáng chú ý là trường hợp các thẩm phán sau khi phát hiện có sai sót trong bản án, quyết định đã phát hành lại tiến hành sửa chữa, bổ sung không đúng quy định pháp luật. |