Tây Ninh:

Xử lại vụ tuyên án một đằng, ra án một nẻo

Vụ án này đã từng được Pháp Luật TP.HCM phản ánh (ngày 16-9-2014) vì có tình huống khá hi hữu sau khi xử sơ thẩm lần đầu thẩm phán TAND TP Tây Ninh bị tố cáo có hành vi tuyên án một đằng, phát hành bản án một nẻo. Người tố cáo là bà Nguyễn Thị Hiền (là mẹ của anh Đỗ Quang Thạch, người được đình chỉ điều tra và được tòa xác định là bị đơn dân sự).

 Bị cáo Phạm Văn Tho tại tòa

Bị hủy án

Như đã đưa tin, cáo trạng quy kết Tho và anh Thạch (nguyên trung úy Công an huyện Châu Thành, Tây Ninh) đã cùng nhau thực hiện hai vụ cướp, bảy vụ trộm và hai vụ lừa đảo đối với 11 người bị hại. Ban đầu cơ quan tố tụng xác định tổng thiệt hại bị cáo và Thạch gây ra là gần 500 triệu đồng, sau đó tòa quyết định gần 300 triệu. Tho nhận tội. Thạch thì được đình chỉ điều tra vì Phân viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương phía Nam kết luận trước, trong và sau khi gây án bị tâm thần. Cha mẹ Thạch (được cấp sơ thẩm xác định là người liên quan, sau đó đổi thành người giám hộ đương nhiên rồi bị đơn dân sự), liên tục khiếu nại phần bồi thường dân sự.

Tại phiên xử sơ thẩm lần đầu ngày 31-7-2014 TAND TP Tây Ninh đã phạt Tho tổng cộng 17 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, Tho phải liên đới cùng vợ chồng bà Hiền bồi thường cho các nạn nhân gần 300 triệu đồng. Sau phiên xử này, vợ chồng bà Hiền đã kháng cáo cho rằng quá trình điều tra truy tố, xét xử vụ án không khách quan, mang tính quy chụp. Bất ngờ hơn sau khi nhận bản án sơ thẩm họ đã tố cáo thẩm phán vì cho rằng có hai nội dung khác với bản án được chủ tọa tuyên đọc công khai tại tòa. Cụ thể, án tuyên đọc tại phiên xử không ghi nhận ý kiến nào của hai luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà trong khi họ nêu bảy vấn đề lớn. Bản án tuyên đọc cũng không có một dòng nhận định nào về việc HĐXX chấp nhận hay không chấp nhận các ý kiến của hai luật sư và không ghi nhận đại diện VKS có ý kiến đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp... Tuy nhiên, trong bản án tòa phát hành, các nội dung trên đều có đầy đủ, thậm chí HĐXX còn dành gần một trang để nhận định, đánh giá về bảy vấn đề luật sư nêu và kết luận các ý kiến của luật sư là “không có căn cứ chấp nhận”.

Ngày 6-11-2014 TAND tỉnh Tây Ninh xử phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm trả hồ sơ để điều tra xét xử lại vì vi phạm nghiêm trọng nhiều vấn đề trong đó có nội dung tố cáo của vợ chồng bà Hiền.

Không nghe theo “ý” tòa tỉnh

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày hôm qua (13-8) đại diện VKSND TP Tây Ninh công bố bản cáo trạng (sau khi có kết luận điều tra mới), nhưng nội dung không có gì mới so với bản cáo trạng năm 2014. VKS đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Tho từ 17 đến 20 năm tù về ba tội với nhận định “đủ căn cứ kết tội”. Về dân sự VKS cũng đề nghị buộc bị cáo và vợ chồng bà Hiền phải liên đới bồi thường cho các bị hại hơn 220 triệu đồng (do hiện nay một số bị hại không yêu cầu bồi thường). 

Trong khi phần tranh luận hai luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho vợ chồng bà Hiền đưa ra hơn 10 vấn đề để chứng minh không có việc anh Thạch có hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết do đó phía bà Hiền không phải liên đới bồi thường. Về tố tụng thì cơ quan điều tra vi phạm khi điều tra lại nhưng có hai điều tra viên không có quyết định phân công tham gia vụ án. Luật sư đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung cho đúng pháp luật.

Bà Nguyễn Thị Hiền cho rằng gia đình không phải bồi thường dân sự cho các bị hại (ảnh: T.TÙNG)

Hai luật sư cũng chỉ ra tính thiếu căn cứ pháp lý của bản cáo trạng mới khi các yêu cầu mà bản án phúc thẩm yêu cầu điều tra lại đều không được đáp ứng hoặc chưa đầy đủ. Cụ thể, vấn đề thứ nhất tòa tỉnh yêu cầu định giá lại hai chiếc xe máy tang vật của vụ án do trước đây cơ quan tố tụng TP Tây Ninh không thu thập được thông tin về hồ sơ gốc và chủ sở hữu của xe. Trong khi hồ sơ thể hiện giá hai xe là 102 triệu đồng bằng việc thông qua giá tại một cửa hàng bán xe gắn máy, mà không khấu hao giá trị xe đã sử dụng hơn 10 năm. Khi điều tra lại, cấp sơ thẩm vẫn không tìm thấy chủ sở hữu một chiếc xe và một chiếc khác định giá còn cao hơn giá lần đầu.

Vấn đề thứ hai tòa tỉnh cho rằng một bị hại (trong vụ cướp tài sản) có nhận lại một phần của sợi dây chuyền từ cơ quan điều tra và được quy thành tiền là hơn một triệu đồng để khấu trừ vào giá trị thiệt hại là sai. Vì đúng ra cơ quan điều tra phải xác định đây có phải là vàng thật hay không và phải định giá phần tài sản này mới có thể cho ra giá chính xác. Nội dung này không được điều tra lại.

Thứ ba theo tòa phúc thẩm số lượng tài sản bị cáo chiếm đoạt có mâu thuẫn lớn với người bị hại khai nhưng quá trình điều tra chưa làm rõ mà chỉ dựa vào lời khai của bị hại để định giá là thiếu chính xác, thậm chí phải thực nghiệm hiện trường để chứng minh lượng tài sản mà bị cáo chiếm đoạt. Trong khi vấn đề này trong cáo trạng mới không có gì khác so với cáo trạng cũ.

Thứ tư tòa tỉnh cho rằng, khi quyết định bồi thường thiệt hại, cấp sơ thẩm không tuyên rõ bồi thường cho mỗi bị hại là bao nhiêu, chưa xác định số tiền bị cáo đã hưởng là bao nhiêu mà lại xác định bị cáo và anh Thạch phải bồi thường ngang nhau là không đúng… Trong khi theo hai luật sư cơ quan tố tụng TP Tây Ninh lại “sốt sắng” thực hiện ngay nội dung tòa tỉnh yêu cầu mang tính bất lợi cho Thạch là trưng cầu giám định tâm thần lại đối với Thạch. Tuy nhiên kết quả giám định lần này không có gì khác lần trước…

Tranh luận tại tòa, bà Hiền cho rằng giả sử có việc anh Thạch vi phạm pháp luật thì trách nhiệm bồi thường là do công an huyện Châu Thành chịu. Bởi thời gian gây án Thạch đang thực hiện lịch trực, chịu sự quản lý trực tiếp của công an huyện. Thậm chí đại diện công an huyện tại tòa cho biết, đến thời điểm xét xử này anh Thạch chưa bị tước quân tịch và vẫn đang hưởng 50% lương do phải đi chữa bệnh bắt buộc….

Chúng tôi sẽ thông tin kết quả sau khi tòa tuyên án vào chiều nay.

 

Một số vụ tuyên án một đằng, ra án một nẻo

- Tháng 5-2013, TAND tỉnh Tây Ninh xử vụ ly hôn, chia tài sản của vợ chồng bà Lý Kim Chi. Sau đó thẩm phán nhiều lần đến nhà một hội thẩm nhân dân năn nỉ ký biên bản nghị án bởi biên bản này khác nội dung nghị án và khác nội dung tuyên án công khai tại phiên tòa. Tại phiên xử, tòa giao hai kiốt cho bà Chi, chia cho vợ chồng bà Chi mỗi người hơn 29 tỉ đồng. Người chồng phải trả lại hơn 468 triệu đồng tiền chênh lệch cho bà Chi sau khi nhận được tài sản được chia. Nhưng biên bản nghị án và bản án phát hành lại giao kiốt cho người chồng, buộc bà Chi phải giao hơn 2,7 tỉ đồng tiền chênh lệch cho người chồng. Sau nhiều lần thẩm phán thuyết phục thì vị hội thẩm này mới ký biên bản nhưng ghi rõ là có sự khác nhau như trên. Bản án sơ thẩm sau đó đã bị cấp phúc thẩm hủy.

- Tháng 2-2012, TAND tỉnh Khánh Hòa đã xử sơ thẩm, phạt Nguyễn Thị Kim Ngọc 14 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhưng bản án phát hành lại ghi phạt Ngọc 12 năm tù. Các nạn nhân rất bức xúc nên làm đơn khiếu nại, sau đó tòa thông báo cho biết do có sai sót trong khâu đánh máy nên đánh nhầm mức án của bị cáo và đính chính lại là phạt bị cáo 14 năm tù…

- Năm 2010, TAND huyện Năm Căn (Cà Mau) xử sơ thẩm vụ ly hôn của bà Nguyễn Thị Đượm và ông Nguyễn Văn Khánh. Ông Khánh kháng cáo. Ngày 27-10-2011, TAND tỉnh Cà Mau xử phúc thẩm, tuyên giữ nguyên án sơ thẩm nhưng bản án phát hành lại có nội dung buộc ông Khánh trả cho bà Đượm nhiều hơn 20.000m2 đất so với bản án sơ thẩm. Sau khi ông Khánh tố cáo, chánh án TAND tỉnh Cà Mau có văn bản kiến nghị TAND Tối cao xem xét lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm. Bản án này bị cấp giám đốc thẩm hủy. Cuối năm 2012, thẩm phán bị kỷ luật với hình thức khiển trách vì để xảy ra sai phạm trong xét xử.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm