Ngày 24-8, trong chuyến công tác tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có buổi làm việc để lắng nghe ý kiến của lãnh đạo TAND hai cấp tại TP Cần Thơ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết lãnh đạo TAND Tối cao tăng cường ban hành án lệ. Hiện nay đang có nguồn hơn 60 vụ nữa chuẩn bị ban hành án lệ và sẽ ưu tiên những vụ án lệ thuộc về đất đai, hành chính...
PLO lược ghi bài phát biểu của Chánh án Nguyễn Hòa Bình tới bạn đọc.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo và thẩm phán tòa án hai cấp tại TP Cần Thơ ngày 24-8. Ảnh: N.NAM
Hằng tháng tôi quy định một tuần để hội đồng thẩm phán TAND Tối cao làm ba việc ngoài xét xử là xây dựng án lệ, hướng dẫn pháp luật và ban hành các nghị quyết. Tôi vừa rồi cũng ký một số hướng dẫn giải quyết thắc mắc, có hỏi các đồng chí về tác động của án lệ đối với xét xử như thế nào thì cũng có một vài ý kiến đánh giá được, cũng có ý kiến nói phải bổ sung thêm.
Nhưng tôi cũng có cảm giác các đồng chí chưa đọc nghị quyết hướng dẫn. Đề nghị các đồng chí nghiên cứu cái đó, chúng tôi cũng thấy là thước đo của các hướng dẫn, các nghị quyết không phải ở văn hay chữ tốt khi mà chánh án ban hành mà chính là hướng dẫn đối với thực tế xét xử của các đồng chí có được hay không, có trúng hay không. Cái công bằng, lẽ phải được đo bằng chúng ta hướng dẫn những cái đó, trên cơ sở những hướng dẫn đó để áp dụng vào thực tế xét xử có đúng hay không, có thực sự là lẽ phải, công bằng hay không.
Có hai yêu cầu, một là các đồng chí vận dụng cái đấy, hai là các đồng chí phát hiện trong các hướng dẫn án lệ điều gì không hợp lý thì trao đổi lại với Tòa Tối cao. Nếu không hợp lý chúng ta phải sửa. Luật không hợp lý cũng phải sửa cơ mà…
Phó Chánh án TAND TP Cần Thơ Đặng Văn Hùng góp ý tại buổi làm việc với Chánh án TAND Tối cao ngày 24-8. Ảnh: N.NAM
Đòi hỏi của cuộc sống đối với công tác xét xử rất cao. Chúng ta hướng đến việc hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội giao cho chúng ta không được quá hạn, không được hủy sửa, không được kéo dài, tỉ lệ phải cao… Cao hơn thế chúng ta phải hướng đến chất lượng mỗi bản án. Làm sao mỗi bản án phải trở thành một áng văn giáo dục pháp luật, tội phạm thì khuất phục, nhân dân thì khâm phục.
Dân sự mà sai là lấy của người nọ cho người kia, cho nên không có cách nào khác là phải tuân thủ pháp luật, thượng tôn pháp luật. Trong khi tăng cường trách nhiệm của thẩm phán, tăng cường giáo dục đạo đức công vụ của thẩm phán thì chủ trương của lãnh đạo của TAND Tối cao là phải đề ra kỷ cương, kỷ luật. Các đồng chí phải tăng cường giám sát giữa các giai đoạn tố tụng, giữa các cơ quan tố tụng với nhau, trong nội bộ cấp trên - cấp dưới và giám sát của nhân dân, cơ quan dân cử với hoạt động của chúng ta…
Tôi đi nhiều địa phương, nhiều anh em băn khoăn về tỉ lệ hủy, sửa. Cái gốc là chúng ta phải làm một bản án trọn vẹn, làm cho người ta tâm phục khẩu phục, đúng đến mức không thể vin vào đâu để hủy, sửa được.
Còn băn khoăn về tỉ lệ, bây giờ phải nói nếu bản án đúng thì dân được nhờ, kỷ cương phép nước được tăng cường. Nếu bản án sai thì người gánh chịu là dân cho nên việc hạn chế án bị hủy, sửa không phải vì đội ngũ thẩm phán mà vì dân. Làm thế nào để không có án hủy là tốt nhưng nếu chúng ta du di với nhau rồi nới rộng ra 5% (tỉ lệ án bị hủy, sửa - NV) thì ai là người gánh chịu, dân chứ còn gì nữa! Cho nên phấn đấu của chúng ta là làm thế nào để dân không phải chịu bản án có sai sót.