“Chăm lo xây dựng đội ngũ thẩm phán giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh để nhân danh nhà nước ra các phán quyết thượng tôn pháp luật, nghiêm minh và công bằng; quyết tâm xây dựng TAND trở thành biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin như mong đợi của nhân dân”.
Đó là lời phát biểu của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình sau khi tuyên thệ nhậm chức ngày 27-7. Trao đổi riêng với Pháp Luật TP.HCM ngày 5-8, Chánh án Nguyễn Hòa Bình tiếp tục khẳng định lại quyết tâm của mình. Ông nói: “Ngành tòa án đặt ra yêu cầu không có án oan. Chủ trương không để xảy ra oan, sai là một chủ trương bao trùm rất lớn, là đòi hỏi của người dân, của Quốc hội, của Đảng đối với ngành tòa án”.
Quyết liệt giải quyết án oan, sai
. Phóng viên: Thưa chánh án, chúng ta đã từng có các vụ án oan như vụ Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén. Hiện tại cũng có một số vụ án có dấu hiệu oan. TAND Tối cao sẽ xem xét những vụ án này ra sao?
+ Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Đối với những vụ án có dấu hiệu oan, chúng tôi sẽ chỉ đạo quyết liệt để giải quyết oan cho người dân, dẫu án oan ở bất kỳ thời điểm nào. Sắp tới, dư luận sẽ thấy chúng tôi thể hiện trách nhiệm đối với vấn đề này.
. Những vụ án đang được đề nghị tái thẩm, giám đốc thẩm, TAND Tối cao sẽ xử lý như thế nào?
+ Do chuyển đổi của mô hình tòa án từ ba cấp thành bốn cấp, số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm lên tới 9.000. Chúng tôi sẽ huy động lực lượng thẩm phán đủ mạnh để hết năm 2017 sẽ giải quyết hết số đơn tồn đọng này. Trong số đơn này, không phải tất cả đều sẽ kháng nghị. Những bản án đã xử đúng luật rồi thì sẽ giải thích cho nhân dân. Thực tế có những bản án đã đúng luật rồi nhưng người dân vẫn kháng nghị cầu may. Còn những bản án có sai sót thì phải kháng nghị để sửa, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao, đang trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật TP.HCM ngày 5-8. Ảnh: NGHĨA NHÂN
Đã trả hồ sơ mà VKS không làm rõ thì tuyên vô tội
. Thực tế cho thấy rất nhiều vụ án có chứng cứ non nhưng tòa lại không dám tuyên vô tội. Ông nghĩ sao?
+ Một trong những quyền của thẩm phán được luật quy định là “không được trả tới trả lui” hồ sơ quá nhiều nữa. Nếu tòa án đã trả hồ sơ mà VKS, CQĐT không làm rõ được các tình tiết vụ án theo yêu cầu thì luật cho phép tòa có quyền tuyên vô tội.
Đây là một quy định rất mới, có hiệu lực mà chúng ta sẽ phải thi hành. Chúng ta phải quen với việc này. Chuyện này chưa xảy ra trong tiền lệ nhưng sắp tới sẽ xảy ra. Chuyện này cũng dẫn đến một thực tế là có thể bị cáo được thả trước tòa nếu không đủ chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội.
Hiến pháp quy định nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng trước tòa nguyên tắc kiểm tra chứng cứ công khai tại tòa, nguyên tắc phải kết luận trên cơ sở chứng cứ đã được thẩm tra tại tòa. Dựa trên những kết quả này, tòa có quyền tuyên vô tội.
Các giai đoạn tố tụng điều tra, truy tố cũng phải thừa nhận đây là một thực tế. Khi còn ở VKSND Tối cao, tôi cũng tập huấn cho ngành kiểm sát và nói rằng “các đồng chí phải sẵn sàng chuẩn bị điều này. Đây là vấn đề thuộc về trách nhiệm, năng lực, trình độ của các đồng chí. Tòa tuyên thế nào các đồng chí phải chịu”.
Không bổ nhiệm kiểu quen biết, họ hàng
. Thưa ông, để chống oan, sai và nâng cao chất lượng xét xử, ngành tòa án cần phải làm gì trong thời gian tới?
+ Có hai việc rất quan trọng, đó là nâng cao chất lượng đội ngũ thẩm phán và tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong ngành. Cùng với các nhiệm vụ cải cách tư pháp khác thì hai việc nói trên là những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Để nâng cao chất lượng thẩm phán, chúng tôi tuyển đầu vào chặt chẽ hơn như phải thông qua kỳ thi quốc gia và đào tạo bắt đầu từ đại học. Học viện tòa án ra đời sẽ giúp tòa án đào tạo chuyên sâu, sát với thực tiễn và có khả năng tuyển chọn đầu vào chặt chẽ hơn.
Ngoài ra, tòa phải cập nhật kiến thức cho toàn thể đội ngũ thẩm phán về kinh nghiệm xét xử, các luật, lệ mới, các kiến thức của thế giới về lĩnh vực này. Hợp tác quốc tế cũng là một cách để nâng cao chất lượng thẩm phán. Thông qua các phiên tòa rút kinh nghiệm, thẩm phán sẽ tìm kiếm những kinh nghiệm tốt và khắc phục những kinh nghiệm chưa tốt.
. Tuyển đầu vào chặt chẽ hơn như ông nói có nghĩa là thế nào?
+ Tuyển chọn và bổ nhiệm thẩm phán sẽ thông qua thi tuyển như tôi đã đề cập. Từ nay sẽ không có chuyện bổ nhiệm thẩm phán theo kiểu quen biết, anh em, họ hàng. Vừa rồi chúng tôi đã tổ chức hai kỳ thi tuyển chọn thẩm phán và được đánh giá là rất nghiêm túc. Phải chọn được những thẩm phán có chất lượng đích thực thì mới có chất lượng xét xử đích thực. Nếu không, người gánh chịu hậu quả của chất lượng thẩm phán không tốt sẽ là người dân.
Thẩm phán xử sai nhiều thì không tái bổ nhiệm
. Còn vấn đề kỷ cương, kỷ luật thì thế nào, thưa ông?
+ Chúng tôi trao trách nhiệm điều hành, quản lý cho chánh án, thủ trưởng các đơn vị. Trong mỗi vụ án thì tôn trọng sự độc lập của thẩm phán. Nhưng nếu các thẩm phán thường xuyên có những bản án bị hủy hay vi phạm thì phải xem xét lại việc phân án cho thẩm phán đó. Chánh án không có quyền can thiệp vào từng vụ án nhưng nếu giao cho xử ba vụ mà làm hỏng hai vụ thì không phân án cho thẩm phán đó nữa. Hoặc nếu tỉ lệ vi phạm của thẩm phán quá ngưỡng cho phép thì phải xem xét đến việc phân công, đình chỉ thẩm phán, không tái bổ nhiệm...
Đề án quy chế kỷ luật nội bộ chúng tôi đã hoàn thành và đưa lên mạng để lấy ý kiến toàn bộ các thẩm phán. Khi tôi đã ký ban hành thì cứ thế mà làm, vì đó là những cam kết của các thẩm phán.
Hệ thống thanh tra nội bộ của TAND Tối cao, của các tòa án địa phương sẽ được củng cố để xử lý những đơn tố giác của người dân đối với các thẩm phán về những vi phạm đạo đức công vụ và các vi phạm khác.
. Về án lệ thì ra sao, thưa ông?
+ TAND Tối cao đã ban hành được sáu án lệ. Từ khi tôi được bổ nhiệm, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã họp nhiều phiên và phiên nào cũng chọn ra được những bản án có thể làm thành án lệ. Chỉ có điều quy trình làm án lệ rất ngặt nghèo. Vì ở một góc độ nào đó, án lệ chính là luật nội dung. Cho nên không chỉ có Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tuyển chọn là xong mà phải lấy ý kiến của các ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Tư pháp, VKS, CQĐT và cả giới luật sư. Vì khi thừa nhận một bản án là án lệ thì đó là một quy định mới của luật.
. Xin cám ơn chánh án.
Những tâm huyết và ấp ủ Tôi cám ơn báo Pháp Luật TP.HCM đã quan tâm đến hoạt động của ngành tòa án và cá nhân chánh án TAND Tối cao, qua đó nhân dân hiểu được các hoạt động của tòa án trong bối cảnh cải cách tư pháp. Qua báo Pháp Luật TP.HCM, tôi muốn gửi những tâm huyết, ấp ủ của chánh án TAND Tối cao. Vì xét cho cùng, chánh án có chủ trương gì thì cũng cần các thẩm phán và đội ngũ cán bộ ngành tòa án hiện thực hóa vì họ làm nên chất lượng của hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động xét xử nói riêng. Ông NGUYỄN HÒA BÌNH, Chánh án TAND Tối cao __________________________________ Thẩm quyền của tòa rất lớn nên trách nhiệm phải cao . Phóng viên: Thưa chánh án, với Hiến pháp 2013 và những bộ luật mới được ban hành, sắp tới hoạt động của tòa án sẽ có chuyển biến như thế nào? + Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Hiến pháp và các đạo luật khẳng định tòa án là cơ quan xét xử thực hiện quyền tư pháp nhân danh nhà nước. Luật Tổ chức tòa án cũng như các luật, bộ luật về tố tụng giao cho tòa những chức năng mới. Ngoài chức năng bao trùm xét xử, tòa án được Quốc hội giao thêm nhiệm vụ hướng dẫn việc thi hành luật về mặt nội dung thông qua án lệ và nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Trước đây, theo những quy định cũ, luật về mặt nội dung thường được điều chỉnh bằng các văn bản dưới luật như thông tư liên ngành, chỉ thị và các nghị định của Chính phủ. Nhưng theo tinh thần của Hiến pháp 2013 thì thông tư, chỉ thị, nghị định không được điều chỉnh về mặt nội dung liên quan đến quyền con người. Những nội dung này chỉ có Quốc hội thông qua luật và Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua nghị quyết và án lệ để điều chỉnh. Đây là một bước tiến mới, phù hợp với xu hướng của thế giới. Các đạo luật cũng cho tòa có thêm những nhiệm vụ mới như xác minh khi cần thiết, tuyên những bản án vượt quá giới hạn truy tố của VKS. Chẳng hạn, trước đây VKS truy tố một người mức án 10 năm, khi muốn xử tội danh nặng hơn thì tòa phải trả hồ sơ. Nhưng hiện nay tại phiên tòa, qua tranh tụng, kiểm tra chứng cứ công khai, tòa thấy bị cáo phạm tội danh khác có mức án nặng hơn tội VKS truy tố thì tòa có quyền tuyên xử theo tội danh mới. Nhưng điều quan trọng là phải bảo đảm quá trình tranh tụng, quyền bào chữa của bị can, bị cáo. Đây là những quy định rất mới. Như vậy, địa vị pháp lý của tòa án được khẳng định lại là rất quan trọng và thẩm quyền của tòa rất cao. Trách nhiệm của tòa vì thế cũng rất lớn, đòi hỏi nâng cao chất lượng xét xử của tòa cũng rất cấp thiết. |