Liên quan đến vụ án ông Trần Văn Vót ở Lý Nhân, Hà Nam bị tù 23 năm có dấu hiệu oan, trao đổi với báo chí tại hành lang Quốc hội chiều 28-7, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay: TAND Tối cao đã nhận được đơn của nhiều đại biểu Quốc hội cũng như các luật sư và gia đình bị cáo Vót.
Hiện nay một đoàn công tác liên ngành đã được thành lập, bao gồm cả các cơ quan ở trung ương và địa phương. Sáu tháng qua, vụ án đã được thẩm tra, đánh giá toàn diện. Sẽ còn một cuộc họp nữa để đánh giá.
“Khi có kết luận cuối cùng, TAND Tối cao sẽ chủ động thông tin cho công luận”- Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định.
Suốt 23 năm qua, ông Trần Văn Điền đi kêu oan cho người bị kết tội giết chết con trai ông. Ảnh: T.LỤA (báo Tuổi Trẻ) |
Vụ án Trần Văn Vót xảy ra cách đây hơn 20 năm, bắt nguồn từ mâu thuẫn đất đai giữa hai làng Thanh Nga và Nhân Phúc (xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, Hà Nam) dẫn tới vụ ném lựu đạn diễn ra ngày 29-11-1992 khiến anh Trần Văn Việt tử vong và 21 người dân khác bị thương.
CQĐT xác định ông Vót là người tàng trữ quả lựu đạn và đưa cho Trần Ngọc Thanh để Thanh ném khiến một người chết, 21 người bị thương.
Sau đó, ông Vót bị truy tố về bốn tội: giết người, tàng trữ trái phép vũ khí, phá hoại việc thực hiện chính sách kinh tế-xã hội và gây rối trật tự công cộng. Còn Trần Ngọc Thanh bị truy tố về hành vi giết người.
Tháng 2-1994, ông Vót bị TAND tỉnh Nam Hà đưa ra xét xử và tuyên phạt tù chung thân vì bốn tội trên, còn ông Thanh bị tuyên 15 năm tù về tội giết người. Hai bị cáo kháng án.
Tháng 8-1994, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã xử phúc thẩm vụ án trên và tuyên y án sơ thẩm.
Cho rằng bị kết án oan, bị cáo và gia đình Trần Văn Vót liên tục kêu oan. Thậm chí chính bố của bị hại Trần Văn Việt là cụ Trần Anh Điền cũng kêu oan cho hai ông Trần Văn Vót và ông Trần Ngọc Thanh.
Vụ án cướp giật bánh mì tại TP.HCM, chánh án TAND Tối cao đã có chỉ đạo TAND TP.HCM khẩn trương kiểm tra, xem xét. Theo đó, nếu có kháng cáo của các bị cáo, người đại diện hợp pháp của các bị cáo, người bào chữa cho các bị cáo hoặc có kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm của VKSND TP.HCM đối với bản án sơ thẩm thì TAND TP.HCM thụ lý vụ án theo thủ tục phúc thẩm. Khi xét xử phúc thẩm vụ án, tòa án cấp phúc thẩm cần nghiên cứu kỹ quy định của Bộ luật Hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội để quyết định áp dụng nguyên tắc, biện pháp xử lý đối với các bị cáo Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo. Trong thời hạn 15 ngày, nếu gia đình và bị cáo không có kháng cáo, bản án có hiệu lực pháp luật thì khi đó TAND Tối cao sẽ xem xét cụ thể. Chánh án TAND Tối cao NGUYỄN HÒA BÌNH |