Ngày 26-11, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP.HCM (CIIS) tổ chức hội thảo “Yêu cầu của EU về lao động trong thương mại và chuỗi cung ứng - Thách thức và giải pháp cho doanh nghiệp”.
Hội thảo nhằm giúp cơ quan chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp chuẩn bị tốt trước các yêu cầu mới của Liên minh châu Âu (EU) về lao động đối với hàng hóa nhập khẩu.
Thúc đẩy mô hình tổ chức đại diện người lao động
Tại hội thảo, ông Nguyễn Tất Năm, nguyên Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - BHXH, (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết Việt Nam đã không ngừng khẳng định quyết tâm tuân thủ các tiêu chuẩn lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
“Để xây dựng môi trường lao động bình đẳng, minh bạch và tạo nền tảng cho quan hệ lao động hài hòa, cần thúc đẩy mô hình tổ chức đại diện người lao động mới tại cơ sở. Mô hình này bao gồm cả công đoàn cơ sở và các tổ chức của người lao động độc lập” - ông Năm cho hay.
Cũng theo ông Năm, công đoàn phải thay đổi, không chỉ về cách thức hoạt động mà còn phải làm tốt vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi của người lao động trong bối cảnh mới.
“Thay vì nhìn nhận lao động như một chi phí đơn thuần, các doanh nghiệp cần coi nguồn nhân lực là yếu tố chiến lược và dài hạn. Quan hệ lao động là quan hệ xã hội giữa người với người, không thể cắt giảm hay điều chỉnh lao động như xử lý máy móc cơ học” - ông Năm nhận định.
Thiết lập sơ đồ chuỗi cung ứng
Cũng tại hội thảo, đại diện một doanh nghiệp đã nêu lên thắc mắc xoay quanh tình trạng lao động trẻ em tại các hộ kinh doanh quy mô nhỏ.
Vị đại diện này cho biết với quy mô sản xuất hạn chế và nguồn lực tài chính chưa đủ mạnh, nhiều hộ kinh doanh sản xuất nhỏ chưa thể thuê lao động ngoài hoặc quản lý hiệu quả nguồn nhân công lớn hơn. Việc tận dụng lao động gia đình, bao gồm trẻ em và người cao tuổi, gây ảnh hưởng đến chất lượng và tính bền vững của chuỗi cung ứng.
Đại diện này đặt ra vấn đề liệu Việt Nam có chế tài nào để đánh giá và xử lý tình trạng sử dụng lao động trẻ em tại các hộ kinh doanh quy mô nhỏ này hay không?.
Trả lời thắc mắc này, bà Đinh Hà An, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập cho biết việc kiểm soát và đánh giá lao động trẻ em trong các chuỗi cung ứng cũng là một khó khăn.
“Con cái thường tham gia hỗ trợ cha mẹ trong những công việc như cắt chỉ hoặc đóng gói. Để đánh giá có sử dụng lao động trẻ em hay không, cần xét đến các yếu tố như độ tuổi, thời gian làm việc và loại hình công việc” - bà An cho hay.
Bà An nhận định việc kiểm tra và giám sát lao động trẻ em không chỉ đòi hỏi cơ chế quản lý chặt chẽ mà còn cần sự phối hợp giữa các bên liên quan. Theo bà An, đơn vị cần làm rõ các tiêu chuẩn về độ tuổi lao động, giới hạn thời gian làm việc và loại công việc trẻ em được phép tham gia để hỗ trợ các bên tuân thủ quy định pháp luật.
"Việc kiểm soát lao động trẻ em là yếu tố thiết yếu để đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng hình ảnh uy tín cho ngành sản xuất tại Việt Nam” - bà An nói.
Chia sẻ thêm về trường hợp này, Luật sư Trần Ngọc Thích, Trưởng phòng Pháp lý Công ty Cổ phần Kết nối Nhân tài, đề xuất doanh nghiệp nên thiết lập bản đồ chuỗi cung ứng.
“Cần xác định rõ có bao nhiêu tổ chức tham gia vào chuỗi này và nếu phát hiện hộ gia đình nào sử dụng lao động trẻ em, cần chủ động trao đổi với các đối tác, đặc biệt là tại châu Âu, để thông báo và xử lý vấn đề” - LS Thích cho hay.
Dưới góc độ pháp lý của Việt Nam, LS Thích lưu ý rằng các quy định hiện hành cho phép sử dụng lao động trẻ em chỉ trong một số ngành nghề nhất định. Tuy nhiên, với điều kiện phải tuân thủ quy định về số giờ làm việc, độ tuổi tối thiểu và trong trường hợp trẻ em dưới độ tuổi quy định, cần có sự đồng ý của cha mẹ.
Dưới góc độ cá nhân, LS Thích cho rằng việc coi trẻ em phụ giúp gia đình là lao động trẻ em đôi khi không thuyết phục vì còn phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể.
Cũng tại hội thảo, ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Tổ chức - Trưởng Bộ phận Tuân thủ của một công ty may, chia sẻ thêm việc coi con cái trong gia đình là lao động trẻ em để giúp đỡ gia đình là không thuyết phục. Bởi, đây không phải là hình thức lao động chính thức và không được quy định rõ ràng trong pháp luật.
Có một hình thức sử dụng lao động trẻ em dễ bị xem là vi phạm chuỗi cung ứng là có những người lao động mang hàng ở công ty về nhà cho các thành viên trong gia đình làm gia công, trong đó có trẻ em.
“Các doanh nghiệp không nên để nhân viên mang hàng về nhà gia công, vì điều này liên quan trực tiếp đến vấn đề lương bổng và giờ làm việc. Khi nhân viên đã hoàn thành 8 giờ làm việc chính thức, lại tiếp tục làm thêm giờ tại nhà mà không có sự kiểm soát đầy đủ” - ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, doanh nghiệp phải kiểm soát chặt chẽ các đầu mối lớn và yêu cầu các đối tác ký cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn về lao động và sản xuất. Thêm vào đó, mọi giao dịch và công việc gia công đều phải được xác nhận bằng hợp đồng rõ ràng để tránh việc sản xuất tại nhà mà không có sự thỏa thuận chính thức.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, ông Huỳnh Minh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP.HCM cho biết trung tâm sẽ tổ chức các khóa tập huấn theo từng ngành dựa trên nội dung từ hội thảo lần này.
Đồng thời, đối với các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, chúng tôi mong các doanh nghiệp chuyển từ tư thế bị động sang chủ động phối hợp cùng các bên liên quan để đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn quốc tế.
"Sự chung tay này không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, tạo dấu ấn tích cực trên thị trường toàn cầu" - ông Vũ nói.