Bạn chết, kiện con để đòi vàng

Ông T. và ông H. vốn là bạn thân. Năm 2009, ông H. cần vốn để kinh doanh nên ông T. cho mượn 25 chỉ vàng và không viết bất cứ giấy tờ vay mượn gì do hai bên tin tưởng lẫn nhau.

Con út lãnh nợ

Năm 2011, ông H. bệnh nặng qua đời, để lại di sản là phần đất vườn và căn nhà trên đất cho người con út trực tiếp quản lý. Sau đó, ba người con của ông H. không làm thủ tục chia thừa kế mà đồng lòng để cho người em út tiếp tục quản lý, sử dụng toàn bộ di sản.

Mặc dù bạn của mình mất, ông T. rất buồn nhưng vợ và các con ông biết sự việc cứ hối thúc ông đòi lại số vàng đã cho mượn nên ông đành khởi kiện người con út của bạn ra tòa để yêu cầu trả số vàng nêu trên.

Lý giải cho việc nộp đơn khởi kiện, ông T. bảo: “Giàu út ăn, nghèo út chịu” nên việc ông yêu cầu như nội dung trong đơn là đúng.

Sau đó, đơn khởi kiện của ông T. được TAND huyện X. (Tiền Giang) thụ lý. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án nêu trên xuất hiện nhiều quan điểm trái ngược nhau về chủ thể bị kiện.

Kiện ai cho đúng?

Quan điểm thứ nhất cho rằng tòa án thụ lý giải quyết đơn ông T. kiện con út ông H. là phù hợp. Bởi lẽ mặc dù chỉ là thỏa thuận miệng giữa các hàng thừa kế thứ nhất giao toàn bộ di sản cho người con út quản lý di sản nhưng việc giao này đã thể hiện các ý chí của các đồng thừa kế. Người con út có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản và phải đại diện cho những người thừa kế thực hiện nghĩa vụ mà người cha chết để lại. Ngoài ra, việc thụ lý giải quyết như đơn khởi kiện của ông T. cũng phù hợp với tập quán trong dân gian: “Giàu út ăn, nghèo út chịu”.

Những người theo quan điểm thứ hai không đồng tình việc thụ lý giải quyết của tòa. Theo họ, ông H. chết để lại đất và nhà. Di sản này chưa được chia thừa kế nên về nguyên tắc phân chia thừa kế thì các đồng thừa kế có thể tranh chấp, thỏa thuận di sản thừa kế bất cứ lúc nào nếu nằm trong thời hiệu phân chia di sản thừa kế (là 10 năm). Không có cơ sở nào khẳng định toàn bộ di sản sẽ do người con út thụ hưởng. Cũng theo nguyên tắc chia thừa kế theo pháp luật, ba người con của ông H. mỗi người sẽ thụ hưởng một phần di sản. Thế nên để khởi kiện chính xác, đúng chủ thể thì ông T. cần khởi kiện tất cả đồng thừa kế vì đây là nghĩa vụ chung của họ theo nguyên tắc những người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại phải chịu trách nhiệm liên đới...

Phải khởi kiện cả ba người con

Tôi đồng ý với quan điểm thứ hai. Ông T. chỉ khởi kiện một trong những người thừa kế là chưa đúng. Trong trường hợp người có nghĩa vụ chết nhưng không có tài sản thì xem như nghĩa vụ đó kết thúc. Nếu người có nghĩa vụ chết và để lại di sản thì chính những người thụ hưởng di sản thừa kế sẽ thực hiện thay đối với nghĩa vụ người chết để lại tương ứng với phần di sản mà mình thụ hưởng.

Trường hợp trên, di sản thừa kế là tài sản chung của các đồng thừa kế nên nghĩa vụ của người chết cũng là nghĩa vụ chung của các đồng thừa kế. Do đó, ông T. cần khởi kiện cả ba người con của ông H...

Luật sư NGUYỄN THANH VĂN, Đoàn Luật sư TP.HCM

MINH KHÁNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới