Bán chó làm đường

Giữa vùng chiêm trũng Lệ Thủy (Quảng Bình), xã Phong Thủy đang bừng lên khí thế xây dựng nông thôn mới. Những tranh cãi đã diễn ra, người dân khó căng mình vay nợ, người có điều kiện hơn thì đồng tình.

Vùng Đại Phong xưa kia là ngọn cờ đầu của miền đất sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi. Nay địa danh này nằm dưới sự quản lý của xã Phong Thủy. Vốn có lịch sử phong trào nông thôn từ những năm 50 của thế kỷ trước khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về gầy dựng nông nghiệp ở đây. Và nay, người dân vẫn mang trong mình bầu nhiệt huyết của hôm qua, tham gia xây dựng nông thôn mới. Xã Phong Thủy được chọn là xã điểm để xây dựng nông thôn mới của huyện Lệ Thủy và tỉnh Quảng Bình.

Kiệt sức chứ chẳng đùa

Làng Đại Phong cũng chung không khí đó nhưng nhiều người nói, theo tiêu chí giao thông nông thôn, làm đường bê tông, góp tiền triệu khiến sức dân cạn kiệt. Ông Phạm Xuân Phồn (80 tuổi), hộ nghèo, sống căn nhà nhỏ ven hói (kênh đào) nói: “Nói thiệt với chú, xóm làm đường bê tông thì tui phải nộp, đội 3 của tui bổ đầu nóc nhà mỗi hộ 4,4 triệu đồng, tui cực khổ xóm cho nộp 2,2 triệu đồng, tui chẳng có tiền. Nuốt nước mắt, cả nhà có được cái tivi cũ cùng con chó mới lớn, dặn vợ đưa con chó vàng ra chợ bán được 600.000 đồng. Về nộp cho xóm 500.000 đồng, còn lại nợ. Trăm ngàn tiền bán chó vàng còn lại tui ra mua con chó khác về nuôi”.

Ông Phồn đã bán chó để nộp tiền làm đường, con còn lại mới mua về, ông tính nó lớn bán được thì bán khi nộp tiếp.

Qua đội 4, chị Trương Thị Hiền, nhà có bốn sào ruộng, thuộc diện cận nghèo, hai con tuổi ăn học. Đường xóm của chị phải nộp mỗi hộ 7 triệu đồng. Chị nói: “Thật với chú, nhà khó khăn, 7 triệu đồng lớn lắm, kiệt sức chứ chẳng đùa, rứa mà phải nộp một cục. May đứa con đầu của tui học đại học năm hai nên tui vay được Ngân hàng Chính sách 30 triệu đồng, nộp đứt 7 triệu đồng làm đường”. Còn chị Trần Thị Lan (30 tuổi) cùng đội 4 nói: “Khó khăn gặp lúc nộp tiền căng lưng, tui cũng phải đóng 7 triệu đồng cho hộ của nhà, chẳng có tiền mặt, phải vay Hội Nông dân để nộp”.

Qua xóm khác, mệ Nguyễn Thị Biền (70 tuổi), nhà nghèo, chồng liệt giường nói: “Tui chẳng biết vay mượn mô, may có ông trưởng xóm đi vay chính sách về cho 5 triệu đồng mà nộp”. Ông Võ Như Luyến, đội 4 nói: “Làm đường là tốt, dân có đường mà đi nhưng nộp nhiều thế này làm sao sức dân chịu thấu, đáng ra chia ra từng đợt, từng năm thì dân đỡ căng hơn chứ làm kiểu ni đúng là đọa luôn”.

Thôn Đại Phong tùy từng ngõ xóm có bao nhiêu nóc nhà, tình trạng đường thế nào để nộp tiền. Có ngõ nộp 8 triệu đồng mỗi hộ, có ngõ nộp đến 11,6 triệu đồng mỗi gia đình, chưa kể con cháu đồng hương trong Nam ngoài Bắc gửi tiền về đóng góp, ủng hộ. Chị Lan kể: “Có nhà phải đi cắm sổ đỏ, có nhà bán lúa non ngoài đồng trả dần qua năm 2014, đến 2015, có nhà vay mượn đắp đổi khắp. Nghèo quá, nộp cao quá, dân căng sức ra, kiệt sức”.

Củng cố đời con

Khi người nghèo khó nói nộp căng thẳng thì Bí thư chi bộ đội 6 - bà Nguyễn Thị Sương lại có quan điểm khác: “Hy sinh đời bố củng cố đời con. Nông dân cực khổ cả đời thì nộp làm đường cũng vì quê hương để con cháu sau này đỡ khổ”. Chị Hoàng Thị Tương nói: “Theo phong trào, xóm kia làm, xóm này không làm nhìn vô nhìn ra khó coi, nước nhảy đò nhảy, thôi thì cáng đáng chút sức mà làm cái đường đi để mùa mưa lụt đỡ bùn đất”. Một người dân khác nói: “Khó thì cũng khó rồi, chủ trương trên đưa xuống thì dân tham gia, nghèo cũng phải có con đường mà đi cho nở mày nở mặt”.

Những người đưa ra quan điểm như thế nhà cửa xây kiên cố, nền lát gạch men mát mịn, con cái làm ăn ổn định, kinh tế khấm khá. Đa phần Đại Phong vẫn còn khó khăn, vậy nên việc nộp những khoản đóng góp với hộ thấp nhất 1,6 triệu đồng đến cao nhất 11,6 triệu đồng là nguồn tài chính nặng nề với đồng quê chiêm trũng.

Một số người dân phản ánh, không nộp thì trưởng thôn hoặc có khi một số trưởng xóm bắt ký vào bản thỏa thuận thanh toán khất nợ với nhà thầu, bản giấy hứa qua năm 2014 trả nợ. Nhưng đâu đó còn ánh lên tình người trong xóm như xóm ông Đoàn Công Bình, đường bê tông xóm mỗi hộ nộp hơn 1,6 triệu đồng, nếu tính tiền con cháu đi xa đóng góp thì mỗi hộ cũng hơn 3 triệu đồng. Xóm có ba hộ nghèo đã nhất quyết miễn hết các khoản đóng góp làm đường nhưng xóm cũng băn khoăn khi không lo được cho 14 hộ cận nghèo khác phải bán lúa non ngoài đồng để góp tiền làm đường.

Đã ký phải làm

Ông Nguyễn Văn Năm, Quyền Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, cho rằng hiện tượng người dân bán chó, bán lúa non, chạy vạy vay mượn, cầm cố sổ đỏ để có tiền góp làm đường giao thông nông thôn là có thật nhưng đó chỉ là cá biệt. Cơ bản người dân vẫn đồng tình. Bởi mỗi xóm đều đã họp dân, ra nghị quyết, người dân nhất trí tình nguyện ký vào nghị quyết rồi thì phải thực hiện.

Khi chúng tôi đề cập dân quê khó khăn trăm bề, nộp một lúc cả chục triệu đồng thì sức đâu, ông Năm thừa nhận là căng thật nhưng chủ trương đã ban ra rồi, cũng phấn đấu hoàn thành.

Một số người dân lại phản bác: “Đó là trên huyện nói thế chứ sống trong làng trong xóm với nhau đi kiếm cái ăn bạc mặt, bòn từng đồng từng cắc, đầu tắt mặt tối, nộp một lúc nhiều thế, cắm sổ đỏ, bán chó, vay mượn đủ, có khi vay cả lãi cao để nộp cho đủ thì răng mà cá biệt được. Còn dân ký vào nghị quyết xóm, thôn thì là phải ký, không ký thì bị nêu tên trên loa xóm, loa thôn thì nhục, rứa thì phải nộp chứ biết kêu ai”.

MINH QUÊ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới