Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từ Singapore sang Hàn Quốc ngày 13-6 bàn hướng đi tiếp theo liên quan Triều Tiên với hai đồng minh Hàn, Nhật. Họp báo chung với hai người đồng cấp: Hàn Quốc - Kang Kyung-wha và Nhật - Taro Kono sáng 14-6, ông Pompeo cho biết tiến trình thương lượng giải trừ hạt nhân Triều Tiên sẽ dựa trên sự hợp tác chặt giữa Mỹ, Hàn, Nhật.
Ông Pompeo một lần nữa xác định lại yêu cầu của Mỹ vẫn là Triều Tiên phải “giải trừ hạt nhân toàn diện, có thể thẩm tra và không thể đảo ngược”. Ông Pompeo là người sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ đàm phán hạt nhân với Triều Tiên, dự kiến bắt đầu vào tuần tới.
Thời gian giải trừ hạt nhân quá ngắn
Tối hôm trước, ông Pompeo nói hy vọng Triều Tiên sẽ “giải trừ phần lớn hạt nhân” trong vòng hai năm rưỡi tới. Theo nhiều nhà phân tích chính sách đối ngoại, kỳ vọng này của ông Pompeo chỉ có thể đạt được khi hai bên cùng nghiêm túc nỗ lực hết sức.
Theo Frank Aum tại Viện Hòa bình Mỹ, về kỹ thuật có thể giải trừ một phần đáng kể hạt nhân Triều Tiên trong hai năm rưỡi, bao gồm đóng băng mọi hoạt động hạt nhân-tên lửa cũng như đóng cửa các cơ sở hạt nhân. Chuyên gia về Triều Tiên Joel Wit tại Trung tâm Stimson cho rằng với thời gian như vậy vẫn có thể giải trừ các phần chủ yếu của chương trình hạt nhân Triều Tiên như di dời vũ khí hạt nhân, thẩm tra và vô hiệu hóa một số cơ sở chính.
Tuy nhiên, Aum cũng thừa nhận hai năm rưỡi không đủ để đảm bảo thẩm tra toàn diện việc giải trừ của Triều Tiên. Còn theo chuyên gia Wit, thời gian này không đủ để giải trừ hay vô hiệu hóa toàn bộ cơ sở hạ tầng hạt nhân, hay chuyển đổi công việc của các nhà khoa học Triều Tiên từ làm việc trong chương trình hạt nhân sang làm các công việc dân sự. Phần lớn chuyên gia hạt nhân cho rằng để giải trừ toàn diện hạt nhân Triều Tiên phải cần từ 10 đến 15 năm. Tháng 5, Triều Tiên phá hủy điểm thử hạt nhân Punggye-ri nhưng phần lớn cơ sở hạt nhân của nước này nằm ở khu phức hợp hạt nhân Nyongbyon.
Mỹ muốn Triều Tiên giải trừ cả chương trình tên lửa đạn đạo (ICBM) khi ông Kim tháng 11-2017 từng nói Triều Tiên đã phát triển được công nghệ gắn đầu đạn hạt nhân vào ICBM bắn tới Mỹ. Năm ngoái Triều Tiên thử tới ba ICBM. Chuyên gia tên lửa Lee Choon Geun tại Viện Chính sách khoa học và công nghệ Hàn Quốc tính toán Triều Tiên có gần 10 ICBM.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và hai người đồng cấp: Hàn Quốc - Kang Kyung-wha và Nhật - Taro Kono họp báo tại Hàn Quốc ngày 14-6. Ảnh: EPA
Triều Tiên phá hủy bãi thử hạt nhân trước sự chứng kiến của các nhà báo nước ngoài. Ảnh: REUTERS
Dấu hiệu mâu thuẫn
Đã xuất hiện dấu hiệu mâu thuẫn trong phát ngôn hai phía Mỹ, Triều Tiên liên quan giải trừ hạt nhân. Ngày 14-6, ông Pompeo khẳng định Mỹ sẽ chưa dỡ bỏ trừng phạt một khi Triều Tiên chưa giải trừ hoàn toàn hạt nhân. Tổng thống Mỹ Donald Trump và cả Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng nói các lệnh trừng phạt vẫn được giữ nguyên đến chừng nào Triều Tiên giải trừ hạt nhân đến mức không thể khôi phục. Tuy nhiên, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 13-6 nói ông Trump đồng ý dỡ trừng phạt Triều Tiên một khi quan hệ tiến triển.
Trong khi ông Trump chiều 12-6 nói tiến trình giải trừ hạt nhân sẽ “rất nhanh chóng” thì KCNA ngày 13-6 nói hai lãnh đạo đồng ý Triều Tiên sẽ giải trừ từng bước và Mỹ sẽ đền đáp tương ứng từng bước. KCNA cũng nói ông Trump đã có nhiều nhượng bộ với ông Kim nhưng không ghi vào tuyên bố chung. Tối 13-6, nhằm xóa tan lo ngại rằng hai bên Triều Tiên và Mỹ phát ngôn không thống nhất về kết quả thượng đỉnh, ông Pompeo nói ông tự tin Triều Tiên hiểu được Mỹ chuẩn bị làm gì. Ông Pompeo từ chối bình luận về bài viết của KCNA.
Về chuyện tập trận, ngày 14-6, ông Pompeo nói tương lai tập trận Mỹ-Hàn sẽ được quyết định dựa trên sự tham vấn giữa các đồng minh. Tối trước đó, ông Pompeo nói Mỹ sẽ khôi phục tập trận với Hàn Quốc nếu cảm thấy Triều Triên không thực lòng trong thương lượng.
Phát ngôn của ông Trump chiều 12-6 rằng Mỹ sẽ ngưng tập trận chung với Hàn Quốc trong khi được sự ủng hộ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thì lại khiến Bộ Quốc phòng Mỹ, lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc cũng như nhiều quan chức quân đội Hàn Quốc lo ngại. Cả nhiều nghị sĩ Quốc hội Mỹ cảnh báo điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến sức mạnh liên minh.
Fox News dẫn lời một quan chức cấp cao chính phủ Trump cho hay Bộ Quốc phòng Mỹ khả năng lớn sẽ hủy cuộc tập trận Mỹ-Hàn Người bảo vệ tự do Ulchi vào tháng 8 tới. Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói trước mắt hai bên vẫn sẽ duy trì các hình thức huấn luyện.
Năng lực hạt nhân Triều Tiên đến đâu? Triều Tiên có 141 địa điểm sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt, theo thống kê năm 2014 của tổ chức phi lợi nhuận chính sách toàn cầu Rand Corporation (Mỹ). Quy mô kho vũ khí hạt nhân Triều Tiên vẫn chưa được công khai. Các chuyên gia ước chừng Triều Tiên có 10-70 quả bom hạt nhân. Bom hạt nhân có thể được sản xuất từ plutonium hay từ uranium làm giàu, Triều Tiên có cả hai thành phần này. Báo cáo của Hàn Quốc năm 2016 nói Triều Tiên đã sản xuất được 50 kg plutonium, đủ cho 6-10 quả bom. Trong khi đó, nhà vật lý hạt nhân Siegfried Hecker (Mỹ) từng sang Triều Tiên năm 2010 ước tính nước này có 250-500 kg uranium làm giàu, đủ sản xuất 25-30 quả bom. Tiến trình giải trừ không thể bỏ qua việc đóng cửa sản xuất plutonium, uranium làm giàu. Trong báo cáo năm 2017, chuyên gia Kim Young-nam tại Ủy ban An toàn và an ninh hạt nhân Hàn Quốc cho rằng có hơn 10.000 người đang làm việc trong lĩnh vực hạt nhân Triều Tiên, 300 người trong số đó trực tiếp phát triển vũ khí hạt nhân. Hạt nhân Triều Tiên vẫn đang đe dọa Mỹ Chuyên gia về Triều Tiên Bruce Klingner cho rằng tuyên bố chung tại Singapore không ràng buộc Triều Tiên nhiều như các thỏa thuận hai bên đã có năm 1994, năm 2005 mà cuối cùng đã đổ vỡ. Nói như Giám đốc Chính sách phi hạt nhân hóa Kelsey Davenport tại Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (Mỹ), cách tốt nhất để kiểm tra sự thành công của thượng đỉnh vừa rồi là chờ xem các cuộc thương lượng sắp tới có giúp hai bên thống nhất được định nghĩa giải trừ hạt nhân và các biện pháp giải trừ cụ thể, có thể thẩm tra mà Triều Tiên sẽ làm hay không. Trả lời phỏng vấn NPR, cựu cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Susan Rice nhận định đến lúc này hạt nhân Triều Tiên vẫn là đe dọa thực sự và hiện hữu với Mỹ. |