Ngày 23-6, Pháp Luật TP.HCM đưa thông tin “Bộ Công an điều chỉnh quy định về tín hiệu đèn vàng phải dừng lại”. Nội dung bài viết đề cập đến những chỉnh lý của cơ quan soạn thảo đối với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đầu kỳ họp thứ 7.
Cụ thể, Bộ Công an đã chỉnh lý quy định về tín hiệu đèn vàng từ bắt buộc người tham gia giao thông phải dừng xe trước vạch dừng khi có tín hiệu đèn vàng sang quy định theo hướng: “Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp”.
Như vậy, cơ quan soạn thảo đã bổ sung thêm trường hợp khi có tín hiệu đèn vàng phương tiện đã vượt quá vạch dừng vẫn được tiếp tục di chuyển, thay vì phải dừng lại như dự thảo trước.
Bạn đọc hoan nghênh ban soạn thảo vì đã lắng nghe
Sau khi đăng tải nội dung này, PLO nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của bạn đọc.
Bạn đọc Phước Hải bình luận: “Biết bao nhiêu trường hợp người tham gia giao thông bị phạt oan vụ đèn vàng. Bởi lẽ, phương tiện đi tiếp thì bị phạt, dừng lại thì bị xe sau tông vào. Mình nghĩ, đèn xanh xe được đi đúng quy định, đèn vàng xe di chuyển chậm, đèn đỏ dừng lại trước vạch dừng là hợp lý”.
Bạn đọc Dung Hương viết: “Ý kiến phân tích của các đại biểu Quốc Hội rất phù hợp với thực tế và Bộ Công an cũng đã tiếp thu chỉnh sửa cho phù hợp. Mong rằng vấn đề nồng độ cồn cũng nên xem xét một cách thấu đáo để phù hợp thực tế hơn…”.
Cho rằng bản thân đã từng dính phạt do đi quá vạch dừng khi tín hiệu đèn bất chợt bật lên, bạn đọc Tuấn bày tỏ sự vui mừng khi cơ quan soạn thảo lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội. “Tôi rất hoan nghênh sự điều chỉnh của dự thảo luật này, nó rất phù hợp với những người tham gia giao thông”- bạn đọc Tuấn viết.
Bạn đọc Nguyễn Đức Khôi cho rằng: “Vấn đề này vốn đã rất hoàn hảo từ năm 1960 của thế kỷ trước, gần đây có nhiều sáng kiến quá nên mới vậy. Thực tế, khi đèn vàng bật mà xe đang chạy trước vạch dừng thì phải giảm tốc độ và sẵn sàng dừng lại trước khi đèn giao thông chuyển sang màu đỏ (bởi vì hồi đó còn có loại đèn treo ở giữa ngã tư). Các xe đang dừng đèn đỏ chuẩn bị tiếp tục chạy (chưa được lăn bánh).
Vì vậy, mọi người đều có thời gian chuyển tiếp thao tác điều khiển xe một cách bình thản. Không có hiện tượng xe sau đâm vào xe chạy trước. Nói vậy là nói những người chấp hành tốt, còn các trường hợp đèn vàng mà xe tăng tốc độ thì là do ý thức của lái xe. CSGT sẽ xử lý những trường hợp như vậy.
Còn bạn đọc Bảy bình luận: “Một số đèn không đủ tiêu chuẩn, lúc hiển thị thời gian, lúc không hiển thị thời gian, tài xế ô tô rất sợ cái bẫy này, rất dễ bị phạt oan”.
Chỉ cần đèn xanh và đèn đỏ
Trong khi đó, bạn đọc Mẫn Trần Minh lại đề xuất: “Bỏ đèn vàng đi thay vào đèn đồng hồ đếm ngược khi đèn xanh, còn khi đèn đỏ thì đồng hồ đếm ngược không hiện lên. Nguyên nhân, để khi đèn xanh phương tiện giao thông mới bắt đầu chạy, đủ thời gian cho các phương tiện qua được ngã giao nhau, cũng là tiết kiệm điện…”.
Còn bạn đọc Hoàng Thiên Vương khẳng định đồng tình với chỉnh lý của cơ quan soạn thảo về đèn vàng.
Về tín hiệu đèn xanh, bạn đọc Hoàng Thiên Vương không đồng tình về đề xuất của đại biểu quốc hội theo hướng “tín hiệu đèn màu xanh được đi, trừ trường hợp phía trước có ùn tắc thì phương tiện không được vào giao lộ, nếu vào giao lộ mà không thể thoát ra, làm cản trở phương tiện được phép đi từ hướng khác sẽ bị xử lý vi phạm pháp luật về giao thông”.
“Bởi lẽ, người tham gia giao thông làm sao có thể đoán trước được tình huống giao thông... Tôi giả sử lúc đèn xanh bật, xe qua khỏi vạch dừng để vào giao lộ thì chưa ùn tắc, nhưng khi vào giao lộ thì ùn tắc xảy ra, vì một nguyên nhân chủ hoặc khách quan nào đó... Điều này dẫn đến xe tôi bị kẹt trong giao lộ đến hết cả đèn xanh vẫn không thể thoát ra được, và kéo theo sau đó là ùn tắc dây chuyền... Vậy tự dưng tôi cũng bị phạt là chưa hợp lý.
Trường hợp khác, tôi dự đoán xe vào giao lộ sẽ gây ùn tắc cứng nên không vào... Nhưng khi tôi không vào thì giao lộ không ùn tắc, và đoàn xe phía sau tôi cũng không di chuyển tiếp được... Vậy đâm ra tôi lại mắc vào lỗi “gây cản trở giao thông".
Đèn xanh là "được phép đi" thì hãy để người tham gia giao thông họ tự quyết định tình huống, chứ đóng khung một cách cứng nhắc vậy khác gì bẫy người ta phạm lỗi.
Nếu chúng ta đưa ra quy định kiểu đó, lỡ bị phạt nguội hoặc bị CSGT thổi vào, người dân chúng tôi lấy gì chứng minh mình không vi phạm... Chả lẽ yêu cầu tất cả các xe giữ nguyên hiện trường ?!”- bạn đọc Hoàng Thiên Vương phân tích.
Còn bạn Toàn Mai cho rằng “Luật có quy định xe ở giữa giao lộ là xe ưu tiên số 1. Xe này ưu tiên hơn đoàn xe ưu tiên có CSGT dẫn đoàn. Mọi phương tiện phải nhường cho xe này. Vì vậy khi đến giao lộ dù đèn xanh nhưng bạn phải nhường đường cho xe đang ở giao lộ. Việc bạn không nhường đường sẽ bị phạt…”.
Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Huyền nhận xét: “Chỉ cần đèn xanh và đỏ là đủ. Quan trọng là cần hiển thị thời gian rõ ràng để tài xế ô tô biết mà dừng. Đang chạy tới mà nó nhảy bất chợt đèn đỏ thắng gấp thì nguy. Mà đậu trước thì bị xe sau chửi…”.
Trước đó, góp ý cho dự luật, ĐB Nguyễn Hải Dũng (Nam Định), cho rằng khi người tham gia giao thông đến đường giao nhau có bố trí đèn tín hiệu sẽ xảy ra ba tình huống.
Thứ nhất, đối với đèn có hiển thị thời gian. Người điều khiển phương tiện biết được còn đủ thời gian đèn xanh để đi qua hay không, tức là họ có thể chủ động giảm tốc độ để dừng lại trước vạch dừng khi đèn vàng bật sáng, điều này thỏa mãn quy định của luật.
Thứ hai, đèn không có hiển thị thời gian. Tình huống xe đã giảm tốc độ, đi gần đến vạch dừng thì người điều khiển phương tiện cũng đủ thời gian dừng lại trước vạch dừng khi đèn vàng bật sáng và cũng thỏa mãn các yêu cầu của luật.
Tình huống tiếp theo là xe đã giảm tốc độ, vừa chớm qua vạch dừng thì đèn vàng bật sáng. Lúc này, người điều khiển phương tiện rất khó xử lý, nếu họ đi tiếp phạm luật, đứng im tại chỗ cũng không ổn vì luật quy định đèn vàng phải dừng lại trước vạch dừng. Khi đó, người điều khiển phương tiện cũng không thể lùi để trở lại trước vạch dừng vì luật quy định không được lùi xe ở nơi đường giao nhau, hoặc có xe đứng ngay phía sau nên không thể lùi.
Xét về lỗi của người điều khiển phương tiện giao thông, đại biểu thấy tình huống này người điều khiển phương tiện không có lỗi, vì họ mặc dù đã giảm tốc độ ở đèn xanh nhưng không thể biết lúc nào đèn vàng sẽ bật để dừng lại trước vạch dừng. Khi họ không có khả năng biết trước hiệu lệnh thì hành vi đó không có lỗi.
“Nếu điều đó xảy ra sẽ vi phạm nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính là người có hành vi vi phạm phải có lỗi. Tức là quy định của dự luật không thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Mặt khác, pháp luật đặt ra giả định phải có quy định để người dân có thể thực hiện được mà không vi phạm. Nếu quy định như dự luật chưa giải quyết được tình huống như nêu trên và sẽ đặt người điều khiển phương tiện vào trạng thái vi phạm pháp luật”- ĐB Nguyễn Hải Dũng góp ý.