Vừa qua, báo Pháp Luật TP.HCM có bài viết: “Giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ còn được tặng quà” về nội dung Công an phường Tân Thới Nhất, quận 12 tổ chức buổi tiếp nhận vũ khí thô sơ, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ từ người dân sống trên địa bàn. Theo đó, tất cả trường hợp giao nộp đều được Công an phường trao một phần quà.
Bình luận về bài viết, nhiều bạn đọc hưởng ứng chủ trương giao nộp vũ khí được tặng quà của Công an phường Tân Thới Nhất. Đồng thời, một số bạn đọc đề xuất các giải pháp khác nhằm ngăn chặn vấn nạn tàng trữ và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ.
Mô hình hay và hiệu quả
Bạn đọc Nhật Linh cho hay: “Một hoạt động quá hay và ý nghĩa! Hy vọng có thể triển khai rộng rãi tại các quận, huyện khác của thành phố. Vừa thu giữ vũ khí sắt nhọn, nguy hiểm vừa trao quà cho người nộp. Tuy phần quà không đáng là bao nhưng lại là nguồn cổ vũ, khích lệ người dân chung tay bảo vệ an ninh trật tự nơi mình đang sống”.
“Tuần trước, hai nhóm côn đồ kéo đến khu đất trống gần nhà tôi để hỗn chiến. “Xử” nhau xong rồi thì họ vứt hết dao, mã tấu ở đó làm mọi người lo sợ, có nhà không dám để con nít lại gần bãi đất để vui chơi. Bây giờ, khi biết đến chủ trương này rồi, tôi sẽ cùng vài người trong xóm mang vũ khí đem nộp ngay” - Bạn đọc Thi Võ viết.
Bạn đọc Văn Nghĩa chia sẻ: “Tôi rất ủng hộ mô hình này. Tôi đề xuất chính quyền địa phương duy trì việc này thường xuyên và lâu dài. Ngoài ra, có thể tuyên truyền và vận động đến từng ngõ, từng nhà; tăng giá trị món quà để người dân thêm động lực giao nộp hung khí”.
Bạn đọc Thắng Nguyễn bày tỏ: “Dao phóng lợn, mã tấu, kiếm, thuốc nổ,… đều là công cụ cho mấy nhóm côn đồ, xã hội đen đi chém giết, thanh toán lẫn nhau. Ngày nào còn những loại hung khí có tính sát thương cao này lưu hành trên thị trường, ngày đó còn chưa đảm bảo về an ninh trật tự. Hy vọng Công an sớm thu hồi và tiêu hủy những vũ khí nguy hiểm để người dân được an tâm”.
Cần có các hình thức tuyên truyền khác
“Tôi cho rằng cần có thêm các hình thức tuyên truyền, vận động khác như đăng tải lên mạng xã hội, làm video minh họa, bài hát cổ vũ,… để tiếp cận đến nhiều người, nhất là các bạn trẻ. Cần tổ chức ngày thu gom vũ khí thô sơ mỗi tuần, ngoài tặng quà có thể xem xét đến việc trao bằng khen cho người dân nào giao nộp số lượng lớn hoặc hỗ trợ chính quyền tịch thu hung khí, vật liệu nổ” - Bạn đọc Thanh Tuyền viết.
Bạn đọc Thúy An góp ý: “Theo tôi, ai giao nộp thì được tặng quà và ngược lại ai chống chế, không tuân thủ hoặc tái phạm nhiều lần thì có biện pháp răn đe, xử lý. Ngoài xử phạt hành chính, tôi đề xuất một số hình thức bổ sung như lao động công ích, tham gia lớp bồi dưỡng đạo đức,…”
Tương tự, bạn đọc Thiên Phát cho rằng: “Bên cạnh việc khuyến khích giao nộp, tôi đề xuất chính quyền tăng cường phát hiện, kiểm tra, xử phạt nghiêm cá nhân, tổ chức nào tự chế vũ khí, vật liệu nổ rồi “tuồn” ra thị trường. Nhiều đối tượng còn đăng bài lên mạng xã hội để dễ kiếm khách nên cũng cần rà soát, gỡ bỏ những tài khoản buôn bán hàng cấm”.
Bạn đọc Phụng Trần bình luận: “Như bài viết đã nêu, những trường hợp vi phạm về an ninh trật tự hầu hết nằm trong độ tuổi từ 14 đến 30 tuổi, đa phần bị nghiện game, bỏ học,… Vì vậy, tôi kiến nghị tăng cường giáo dục, tuyên truyền về vấn đề tàng trữ, sử dụng vũ khí thô sơ, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong trường học. Quan tâm và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các em trong việc giữ gìn trật tự, an ninh tại nơi mình sinh sống”.