Bạn đọc lo lắng về nồng độ cồn tự nhiên trong hơi thở

(PLO)- Bạn đọc có nhiều ý kiến khác nhau về quy định nồng độ cồn bằng 0 trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ bảy diễn ra vào tháng 5 tới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Pháp Luật TP.HCM có bài viết “Nồng độ cồn tự nhiên, người điều khiển xe sẽ không bị xử phạt?”, nêu quan điểm của chuyên gia về nội dung có nên điều chỉnh quy định cấm tuyệt đối người lái xe sử dụng rượu bia, hay cần đưa ra một ngưỡng nhất định.

Bình luận về bài viết, một bộ phận bạn đọc bày tỏ ủng hộ quy định nồng độ cồn trong hơi thở là “zero”, nhưng phần lớn mong muốn cần quy định ngưỡng nhất định.

“Hoan nghênh quy định nồng độ cồn bằng 0”

Một bạn đọc nêu: “Năm 2000, Chính phủ cấm đốt pháo, dân chúng phản đối rầm rầm. Tiếp đó, Chính phủ bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, dân chúng cũng chống đối quyết liệt! Giờ nhìn lại, chúng ta thấy cuộc sống dần tốt lên vượt bậc hơn khi có những chính sách trên. Hôm nay, Chính phủ ban hành quy định khi tham gia giao thông thì nồng độ cồn bằng 0. Xin nhiệt liệt hưởng ứng”.

Công an kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: PHI HÙNG
Công an kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: PHI HÙNG

Bày tỏ sự đồng tình với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với lái xe, bạn đọc Toàn Tiên khẳng định: “Cần làm nghiêm mới được, hôm qua tôi suýt tông vào hai thanh niên choai choai vượt đèn đỏ không đội nón bảo hiểm, mặt đỏ au, mà tui chẳng dám nói gì, chỉ nghĩ lúc đó có cảnh sát giao thông thì còn gì bằng”.

Bạn đọc “T.H” cũng cho biết: “Rất hoan nghênh và nhiệt tình hưởng ứng khi tham gia giao thông thì nồng độ cồn phải tuyệt đối bằng 0! Tôi mong rằng thời gian tới ý thức của người dân sẽ tốt hơn, vì không còn những vụ tai nạn giao thông thảm khốc, không còn cảnh bạo lực gia đình, không còn đâm chém trong lúc say xỉn... Nói chung không còn những tệ nạn về rượu, bia nữa…”.

“Ai bảo vệ người bị phạt oan”

Trái lại, bạn đọc có tên là "V.H" viết: “Tác giả không theo dõi các trang mạng xã hội nên không rõ. Vừa qua có không ít trường hợp không uống rượu bia, nhưng khi thổi vẫn dính nồng độ cồn. Hai bên cự cãi, tài xế yêu cầu thổi bằng máy khác thì nồng độ cồn bằng 0. Nếu không có máy khác thì tài xế này ăn biên bản rồi. Cho dù anh có ăn trái cây lên men hay cơm rượu nếp đi nữa thì cứ có nồng độ cồn là ăn biên bản, không cần giải thích nhiều”.

Đồng quan điểm, bạn đọc “0731” nói: “Tại thời điểm kiểm tra nồng độ cồn dân chứng minh không uống rượu, bia đối với lực lượng Cảnh sát giao thông khó gấp trăm lần…”.

Để chứng minh cho những điều bất hợp lý khi quy định “Zero” nồng độ cồn, một bạn đọc đặt câu hỏi: “Hiện đã có quy định cụ thể đảm bảo quyền lợi của người tham điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà lúc bị kiểm tra có nồng độ cồn trong khi họ không sử dụng rượu bia không; cơ quan độc lập nào khẳng định chất lượng máy đo nồng độ cồn chính xác tuyệt đối, trong khi thực tế đã có rất nhiều tình trạng máy hoạt động nhầm do sự cố kỹ thuật mà nhiều video, clip hiện đã phản ánh.

Trường hợp không rõ ràng, tài xế phải tiến hành xét nghiệm máu mà kết quả không đúng như máy đo nồng độ cồn đã xác định thì ai, và cơ quan nào chịu trả tiền và bồi thường thiệt hại kinh tế trong thời gian người cần xét nghiệm phải nghỉ việc để đi làm cái việc chứng minh cho sự vô tội của mình….”.

Trong khi đó, bạn đọc “4405” nhận được nhiều lượt “like” bình luận khi cho rằng: “Chưa có báo cáo về vấn đề không uống rượu bia, chỉ có nồng độ cồn tự nhiên, mà bị phạt ? ! . Báo cáo của ai? Chỉ có báo cáo của công an mới đưa lên hội thảo! Người dân bị uất ức kêu gào ở hiện trường có được cấp trên xuống giải quyết và chứng minh họ không vi phạm nồng độ cồn, đưa lên báo cáo?”.

Là người trung lập, bạn đọc “La Huyen” viết: “Rượu bia vẫn không phải là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông mà còn phụ thuộc vào rất nhiều nguyên nhân khác. Hoặc cho dù rượu, bia có trong các vụ tai nạn giao thông thì cũng cần xem xét ban hành luật sao hài hòa đến tất cả các hoạt động khác của xã hội.

Tôi là người không uống rượu bia nhưng tôi đồng tình với phương án xử phạt trong hơi thở bằng 0 đối với tài xế 4 bánh và quy định ngưỡng phạt nồng độ cồn đối với các tài xế xe 2 bánh, bởi xe 4 bánh thì nguy cơ tiềm tàng sẽ lớn hơn nhiều so với xe 2 bánh. Hoặc cấm tiệt nấu và buôn bán rượu, bia”.

Dẫn chứng số liệu trên báo chí, bạn đọc “67951” cho biết: “Bệnh viện Chợ Rẫy mới công bố số liệu tai nạn giao thông dịp Tết vừa rồi cho thấy có 625 ca tai nạn giao thông, nhưng chỉ có hai ca liên quan đến bia rượu.

Một quyết sách làm ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của người dân mà hoàn toàn không có một luận chứng nào phân tích các tác động của nó lên sự vận động của xã hội, kinh tế, và quyền con người”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm