Cần Thơ: Phường nói gì về việc chi hỗ trợ không đúng đối tượng?

Vừa qua, Báo Pháp Luật TP.HCM nhận được phản ánh của một số người dân ở phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ về việc nhận tiền hỗ trợ lao động tự do theo Nghị quyết 52/2021 của HĐND TP Cần Thơ.

Theo đó, người dân phản ánh có nhiều người là lao động tự do nhưng chưa được phường đưa vào danh sách nhận hỗ trợ 2 triệu đồng. Cụ thể gồm các trường hợp bà Huỳnh Thị Manh (68 tuổi, bán vé số), chị Nguyễn Hoàng Anh (41 tuổi, phụ bán bún), ông Nguyễn Văn Phước (54 tuổi, chạy xe lôi, xe ôm), bà Đỗ Thị Thu Hà (67 tuổi, giúp việc nhà), ông Đặng Ngọc Sơn (54 tuổi, phụ hồ).

Cạnh đó, người dân cũng phản ánh một số trường hợp có tên trong danh sách nhận tiền hỗ trợ đợt 1 không đúng đối tượng. Cụ thể, ông NHP (50 tuổi) chuyên cho vay lãi nhưng để nghề nghiệp là xe ôm; Bà NTMT (53 tuổi), cò đất và cho vay tiền góp nhưng danh sách để xe ôm; Bà NHMT (46 tuổi), cho thuê nhà, nhà không bán đồ điện nhưng danh sách để là bán đồ điện; NNPN, 16 tuổi, học sinh lớp 11, còn là học sinh nhưng trong danh sách để là phụ bán trà sữa. Ngoài ra, người dân còn phản ánh là có nghe thông tin rằng người nào không đúng đối tượng mà được nhận 2 triệu thì phải “chia lại” 500 ngàn đồng.

Một số khu vực ở phường Thới Bình tổ chức đến tận nhà chi hỗ trợ cho người dân thuộc diện lao động tự do. Ảnh do UBND phường cung cấp.

Ngày 3-11, Báo Pháp Luật TP.HCM đã chuyển những thông tin phản ánh trên đến UBND phường Thới Bình. Theo đó, ông Lê Văn Hùng – Phó Chủ tịch UBND phường Thới Bình cho biết, theo đơn bà Manh gửi đề nghị hỗ trợ, bà khai là bán bún cá tại chợ An Hòa và có tên trong danh sách xét duyệt đợt 5 của UBND phường. Chị Hoàng Anh đã có tên trong danh sách phê duyệt hỗ trợ đợt 4.

Trường hợp của ông Phước, qua kết quả xác minh của Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thới Bình, ông Phước không lao động. Hiện nay con trai ông Phước nuôi dưỡng ông, ông không nằm trong diện hỗ trợ.

Trường hợp của bà Đỗ Thị Thu Hà, theo quy định, người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là giúp việc gia đình (theo quy định tại Điều 161, Điều 162 Luật lao động năm 2019, Điều 88, 89 Nghị định 145/2020) nên bà không thuộc đối tượng nhận hỗ trợ.

Trường hợp ông Đặng Ngọc Sơn chưa gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ, trước đó ông làm bảo vệ và đã nghỉ.

Những trường hợp người dân phản ánh không đúng đối tượng, khu vực đã xác minh và khẳng định các ông, bà có làm nghề chạy xe ôm hoặc phụ bán đồ điện cho cửa hàng điện máy KH ở Vĩnh Long. Riêng trường hợp NNPN, 16 tuổi, phường Thới Bình cho biết trong đơn đề nghị PN ghi công việc chính là phụ bán trà sữa, không để đi học. UBND phường sẽ xác minh lại. Theo quy định 15 tuổi trở lên là được tham gia lao động, ngoại trừ công việc cấm sử dụng cho người từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Cũng theo ông Hùng, UBND phường đã có Quyết định số 241 ngày 10-9-2021 về việc thành lập tổ giám sát việc lập hồ sơ và chi trả theo Nghị quyết 52, đến nay chưa phát hiện trường hợp sai phạm.

Ngoài ra, ông Hùng thông tin thêm, hiện phường đang chi trả hỗ trợ đợt 4 với 286 người. Tổng cả bốn đợt này có 4.545 trường hợp được nhận hỗ trợ theo diện lao động tự do. Ngày 4-11, phường xét duyệt danh sách đề nghị hỗ trợ đợt 5 với danh sách 150 người. Có một số nghề hiện không chi được là giúp việc nhà, bảo vệ, môi giới bất động sản vì chưa có hướng dẫn của phòng lao động của Sở LĐ-TB&XH.

Chủ tịch quận: Cố gắng để không trễ và sót đối tượng

Trước đó, trong cuộc tiếp xúc giữa đại biểu HĐND TP Cần Thơ, quận Ninh Kiều với cử tri các phường trên địa bàn quận này ngày 2-11, một số cử tri phản ánh việc chi hỗ trợ cho người dân khó khăn do COVID-19 còn chậm.

Trả lời cử tri, ông Huỳnh Trung Trứ - Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết quận đã xét duyệt 56.000/75.000 người cần phải xét duyệt (chiếm 75%). Trong 56.000 người này thì UBND TP đã phê duyệt 51.000 người và quận đã tổ chức chi trả được 48.000 người. Hiện các địa phương đang tiếp tục chi trả.

Quận đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để đề nghị tiếp 6.000 người. Quận chủ động cho tạm ứng trước nguồn ngân sách cho các đơn vị để khi được phê duyệt là có tiền cấp ngay. Quận cũng yêu cầu các phường phải chuẩn bị xong các hồ sơ các trường hợp được thụ hưởng theo Nghị quyết 52 trước ngày 15-11-2021, song song đó rà soát xem còn đối tượng nào sót thì bổ sung. Các phường phải chi trả trong tháng 11 và muộn lắm là đầu tháng 12.

“Quận sẽ cố gắng để không trễ và không sót đối tượng” – ông Trứ nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm