Không ai có kinh nghiệm xử trí, nếu chưa từng trải qua, nhất là đau ốm, bệnh tật. Do vừa chứng kiến và tham gia vào quá trình đưa người nhà đi cấp cứu đột quỵ tại Bệnh viện 115, tôi xin chia sẻ ít kinh nghiệm về nhận biết đột quỵ và xử lý để đưa người thân đến bệnh viện (BV) cấp cứu nhanh nhất có thể.
Nhận biết nhanh những dấu hiệu đột quỵ
Nhận biết nhanh những dấu hiệu đột quỵ
Yếu, tê chân tay, méo miệng, nói ngọng/lắp bắp, xây xẩm, mất thị lực đột ngột… được coi là những dấu hiệu của đột quỵ não. Bản thân người bệnh cảm nhận rõ nhất biến chuyển khác thường của cơ thể mình, nhưng không biết chính xác mình bị gì.
Khi chồng tôi lắp bắp, anh có cảm giác tê liệt nửa mặt và cánh tay, miệng méo, tay trái không thể cầm nắm được cái khăn…Chúng tôi nhận ra anh có dấu hiệu đột quỵ. Có một phép thử nhanh: Nói người bệnh giơ hai cánh tay lên cao cùng lúc, anh đã không giơ tay trái lên cao được.
Chỉ có một kinh nghiệm tốt nhất: Nhanh chóng đưa người thân đến BV, tranh thủ “giờ vàng” - 6 đến 8 giờ- giúp người bệnh được cứu chữa kịp thời, tránh được tử vong hay tàn tật suốt đời.
Ảnh minh họa: Người bệnh đang được điều trị đột quỵ tại Khoa bệnh lý mạch máu não, BV Nhân dân 115. Ảnh: BVCC
Trong thực tế, không phải ai cũng dễ dàng nhận biết dấu hiệu đột quỵ. Người ta thường nhầm lẫn với những cơn xây xẩm như trúng gió, hạ đường huyết hay…rối loạn tiền đình. Thay vì đến BV ngay, chúng ta thường mau chóng…cạo gió, giác hơi, thậm chí có người còn giác lễ, đâm kim nặn máu bầm cả 10 đầu ngón tay, ngón chân bệnh nhân. Rồi không đỡ thì tiếp tục rề rà xông hơi, uống thuốc cảm, nghỉ mệt chút sẽ hết…vậy là lãng phí hết “giờ vàng” cấp cứu, gây hậu quả đáng tiếc.
Thời COVID khốn khổ này, chúng ta không có nhiều lựa chọn, xe cấp cứu gọi không đến, xe taxi ngừng chạy. Nhà có xe hơi thì quá tốt, nếu không có thì sao? Tôi sẽ chở người thân của mình đến BV bằng xe máy, vì anh cũng tỉnh táo. Nặng thì sao? Tôi sẽ nhờ người ngồi sau kè. Điều này sai/đúng tính sau.
Xe đến Bệnh viện, chồng tôi tự đi, khai bệnh, trả lời tất cả câu hỏi của bác sĩ (có lẽ là cách test xem bệnh nhân có tỉnh táo hay không), thực hiện các động tác bác sĩ yêu cầu và thực hiện được, chỉ là vẫn yếu, tê nửa mặt và cánh tay trái, nói khó, huyết áp cao.
Có một sự việc đáng chú ý: Một bác sĩ trong phòng cấp cứu đã lấy kim “chọt” nhanh vào đầu ngón tay giữa của anh. Một giọt máu trào ra ở đầu ngón tay. Bác sĩ đặt miếng bông vào đó, nói chồng tôi giữ. Nhưng anh không giữ được, miếng bông rơi xuống đất. Nghĩa là ngón tay anh cũng “đơ”.
Lạ kỳ là sau đó, chồng tôi cảm thấy đỡ hơn, nói dễ hơn và cánh tay cử động lại được, bớt tê. Anh cho rằng bác sĩ đâm kim ngón tay, nặn máu ra là có áp dụng phép chữa dân gian để “giải áp” máu gì đó. Chúng tôi nghĩ, sẽ mua vài cây kim dự phòng, nếu chẳng may “điều ấy” lại xảy ra thì tự mình cũng có thể áp dụng trước khi đến BV. Có không đúng cũng chả chết ai, chúng tôi đùa với nhau thế.
Không chỉ người cao tuổi, người trẻ bị đột quỵ ngày càng nhiều. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn đến đột quỵ là từ lối sống thiếu lành mạnh, hút thuốc, uống rượu nhiều, mỡ trong máu, cao huyết áp, ảnh hưởng từ các bệnh nền khác, áp lực cuộc sống, công việc căng thẳng…
Nằm cùng phòng bệnh với chồng tôi, có hai người khá trẻ, hơn 30 và trên 40. Hai anh này đều bị vợ “tố”, hút thuốc và nhậu nhẹt “vô địch”. BS dặn dò chồng tôi lúc xuất viện: Anh đỡ nhiều rồi, về nhà tập luyện thêm, kiểm soát huyết áp ổn định và quan trọng là sống nhẹ nhàng, thanh thản, đừng lo nghĩ là ổn.
Những điều cần được chuẩn bị sẵn sàng
Sống trong thời COVID khó khăn muôn mặt này, việc gọi được xe cấp cứu không dễ, và gần như là không thể những ngày qua, khi các BV đều quá tải. Mỗi người nên chuẩn bị cho mình, bệnh nhân tiềm năng “hành lý” cần thiết để có thể đến BV nhanh nhất, mà không thiếu thốn:
- Tiền: Để tạm ứng viện phí, mua thức ăn, vật dụng cần thiết; thẻ tín dụng được chấp nhận thanh toán; giấy tờ tuỳ thân, bảo hiểm y tế (rất quan trọng, được miễn giảm đáng kể), 2 bộ quần áo, vật dụng vệ sinh, một ít đồ ăn khô (theo tôi bánh, vài ly mì tôm là tiện nhất). BV nào cũng có căn tin nhưng chuẩn bị sẵn không thừa. Bỏ tất cả vào một túi xách, hễ có “biến” là đem theo ngay và luôn.
- Người chăm sóc: Lúc này không có chuyện thăm bệnh hay thay đổi người chăm bệnh, chỉ một người để bảo đảm an toàn cho BV sau hai lần test COVID âm. Việc tuân thủ 5K càng triệt để. Ngoại trừ khi ăn, còn thì cán bộ y tế, BN và thân nhân đều phải đeo khẩu trang gần như 24/24, cả khi ngủ. Nên việc chuẩn bị khẩu trang tốt, an toàn là điều quan trọng, lại dễ thở. Theo tôi nên có khẩu trang 4 lớp đến N95, có van càng tốt.
Quan trọng nhất là tuyệt đối thực hiện những chỉ dẫn, điều trị của bác sĩ, không tự ý uống thêm thuốc nọ, ăn kèm đồ bổ (thiếu căn cứ khoa học) kia và đem “bác sĩ mạng” ra minh chứng và so sánh. Ngay cả việc tập luyện sau khi xuất viện cũng cần phù hợp.
Và cần nhớ, tỷ lệ đàn ông bị đột quỵ (tai biến mạch máu não) nhiều hơn hẳn phụ nữ.
- Số điện thoại quan trọng tại TPHCM được cấp phép chở người dân đi cấp cứu, ra sân bay:
- Gọi xe Mai Linh: 1055
- Gọi xe Vinasun: 02838 27 27 27
Phòng hồi sức cấp cứu mùa COVID-19
(PLO)- Đôi khi ta yên tâm, vững tin hơn chỉ với một lời nói nhẹ nhàng cảm thông, giữa tiếng rên mê sảng của các bệnh nhân và tiếng còi xe cấp cứu ám ảnh ngoài kia...