'Chúng tôi về quê nhưng vẫn hẹn ngày trở lại...'

Sau thời gian bám trụ, nhiều người chọn cách về quê với những lý do khác nhau. Trong đó, nguyên nhân chiếm phần nhiều là do không có việc làm, không còn tiền đóng trọ, con cái cần được đi học, người nhà gọi về… 

Những ngày này, trong đoàn người chen chúc về quê qua cửa ngõ phía tây TP.HCM, nhiều người vẫn còn luyến tiếc và suy tính đến việc sẽ trở lại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... làm việc.

Sau mấy tháng "mắc kẹt" ở TP, anh Châu Văn Trí quyết định đưa cả nhà về quê bằng xe máy. Ảnh: NGỌC LÀI

Hết cách nên phải về quê

Dừng xe bên vệ đường Quốc lộ 1A (quận Bình Tân), vợ chồng anh Châu Văn Trí (quê ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) tranh thủ lấy cơm hộp vừa được tặng ra ăn. Hai con nhỏ của vợ chồng anh cũng uống tạm hộp sữa.

Mấy tháng trước, vợ chồng anh từ huyện Giồng Riềng lên TP Thủ Đức, TP.HCM chữa bệnh. Căn bệnh thận hư, viêm gan… của anh Trí phải được điều trị thời gian dài. Vợ chồng anh quyết định ở lại TP để đi làm kiếm tiền chữa bệnh.

Được nhận vào làm thợ hồ tại một công trình ở TP Thủ Đức, vợ chồng anh liền đón hai con lên ở chung mấy tháng hè. Làm được hai tuần, dịch bệnh ở TP chuyển biến phức tạp, cả nhà anh bị mắc kẹt, sống lay lắt ở xóm trọ.

Chưa từng sống ở TP, lại rơi vào hoàn cảnh dịch bệnh, cả nhà anh Trí rất hoang mang, chỉ biết trông cậy vào tiền hỗ trợ, nhu yếu phẩm từ chính quyền và mạnh thường quân, hàng xóm.

Một bên mắt bị hỏng, tay chân yếu vì bệnh gan thận, quê không có ruộng vườn... anh Trí không biết sẽ làm gì để nuôi sống gia đình trong thời gian sắp tới. Ảnh: NGỌC LÀI

Anh Trí cho biết: “Đến hôm nay, chúng tôi thực sự không còn trụ lại nổi nữa. Các con tôi cần phải về quê đi học, tụi nhỏ bị kẹt lại cũng lâu quá rồi. Trước khi về quê, tôi còn nợ hơn hai tháng tiền trọ nhưng một chị sống cùng khu trọ kêu chúng tôi cứ về trước. Khi nào được đi làm lại, chị ấy sẽ trả tiền trọ giúp vợ chồng tôi. Sau này, chúng tôi có tiền thì trả cho chị, còn không có thì thôi. Chị còn cho thêm 200.000 đồng bỏ túi, chứ vợ chồng tôi không còn đồng nào”.

Dọc đường, ai cho gì thì cả nhà anh Trí ăn nấy, cơm hộp, sữa bánh… cũng đủ ấm lòng. Dù biết ở quê cũng không có ruộng đất để làm nhưng anh Trí vẫn quyết tâm đưa vợ con về. Ngoài ra, vì lý do sức khỏe, anh chưa tiêm vaccine nên nỗi lo nhiễm dịch bệnh vẫn luôn ám ảnh.

“Ở quê còn có ba má, về đó ở tạm, lo cho mấy đứa nhỏ đi học. Sau này, chắc vợ chồng tôi cũng phải lên TP làm tiếp, chứ ở dưới thì lấy gì sống, còn kiếm tiền chữa bệnh nữa” – anh Trí nói.

Đợi dịch ổn sẽ quay trở lại

Mới sinh con được gần hai tháng, chị Nèng Don (quê huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) theo chồng về quê bằng xe máy. Bốn người đi trên một chiếc xe máy cũ kỹ chất đầy quần áo, chăn mền… Cả nhà chị vừa bị đuổi khỏi nhà trọ ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương vì thiếu hai tháng tiền nhà. Không còn cách nào khác, chồng chị quyết định về quê.

Chị Nèng Don bế con gần hai tháng tuổi về quê bằng xe máy. Ảnh: NGỌC LÀI

Lúc chưa có dịch bệnh, vợ chồng chị Don làm công nhân cũng đủ sống. Bốn tháng thất nghiệp, họ đã dùng hết tiền tích góp. Thậm chí, chồng chị Don phải bán xe máy mới mua lại xe cũ để đi tạm. Khổ này chưa qua khổ khác ập đến, trong lúc đi sinh bé nhỏ, chị Don bị nhiễm COVID-19. Con nhỏ vừa sinh không thể uống sữa mẹ, cả nhà đành nhịn ăn thịt cá để tiền mua sữa, tã...

Anh Châu Ray, chồng của chị Don chia sẻ: “Chúng tôi về quê nhưng vẫn nghe ngóng tình hình ở trên này. Khi nào trên này ổn, chúng tôi lên làm lại, chứ ở dưới cũng không có gì làm, không có ruộng vườn. Nhà ba mẹ tôi ở quê cũng nghèo lắm”.

Không có túi xách, balo, vợ chồng Nèng Don chất hết quần áo, vật dụng vào bao tải rồi lên xe máy về quê. Ảnh: NGỌC LÀI

Chọn cách về quê tránh dịch nhưng chị Phan Thị Bé Gọn quê ở Cần Thơ vẫn luyến tiếc công việc cũ ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Chị Gọn nói vật dụng, đồ đạc vẫn còn gửi lại phòng trọ. Cho nên, dịch bệnh ổn định, chắc chắn vợ chồng chị sẽ trở lên làm việc.

“Chúng tôi về quê thăm con gái, từ tết đến giờ chưa gặp cháu lần nào. Bé nhỏ 11 tháng cũng cần được về quê gần gũi với chị gái. Chúng tôi không định về luôn đâu, ở quê thu nhập không ổn định như trên này. Nhưng, cứ phải về quê cho đỡ sợ, rồi mới tính tiếp” – chị Gọn chia sẻ lý do về quê.

Chị Phan Thị Bé Gọn đưa con nhỏ về quê thăm nhà sau thời gian dài xa cách. Ảnh: NGỌC LÀI

 

Tìm việc làm tạm ở quê rồi tính tiếp

Trước dịch, tôi làm công nhân ở tỉnh Đồng Nai được hai năm, cũng đủ sống. Đợt vừa rồi, công ty nghỉ nên tôi thất nghiệp 3-4 tháng, không có tiền ăn.

'Chúng tôi về quê nhưng vẫn hẹn ngày trở lại...' ảnh 6
Anh Võ Hoàng Phúc đưa vợ con về quê, chờ dịch ổn rồi tính tiếp. Ảnh: NGỌC LÀI

Chủ trọ không làm khó mà còn bớt tiền trọ nhưng tôi không còn tiền nuôi con nữa nên phải về quê thôi. Vả lại, mấy ngày qua, cô bác, anh em cứ rủ về quê hết nên mình ở lại cũng không an tâm.

Ở quê, tôi không có ruộng vườn, chắc chỉ còn trông chờ vào cha mẹ, anh em, chứ tay trắng rồi. Nếu dịch ổn, tôi sẽ suy tính thêm nhưng hiện tại, tôi phải về quê và tìm việc làm tạm ngay cái đã.

Anh Võ Hoàng Phúc, quê ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ

Nóng hôm nay: Đường dây nóng đón dân về quê; Xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2
Nóng hôm nay: Đường dây nóng đón dân về quê; Xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2
(PLO)- Nóng hôm nay 6-10: Tình và lý việc xử phạt người dân về quê tự phát; Bộ Tư lệnh TP.HCM công khai đường dây nóng hỗ trợ người dân về quê; Đồng Nai chưa cho người lao động đi xe cá nhân từ TP.HCM đến tỉnh; Không sử dụng xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sai mục đích;Dòng tiền chưa vội nhập cuộc...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm