Hướng về miền Trung

“Có tiền để sửa nhà đón tết rồi!”

“Giờ chỉ ước có tiền lợp lại mái nhà cho chắc, tráng cái nền xi măng bằng phẳng, che lại nhà vệ sinh để đón tết…” - bà Nguyễn Thị Thơm (72 tuổi, ngụ xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, Quảng Nam) mong mỏi.

Lưng của bà Hiên cong quắp như bị nợ đời đè cả lên vai. Ảnh: TẤN VIỆT

Nằm bệnh viện về, thấy nhà sập mái

Căn nhà nhỏ của bà Thơm do cha mẹ xây từ thời còn chiến tranh. Qua bao lần sửa chữa chắp vá, nhà trên, nhà dưới cứ dột nát, cũ kỹ.

Bà Thơm còn một chị ruột nữa là bà Nguyễn Thị Hiên (75 tuổi). Cha bà Thơm mất sớm vì bệnh nặng, ba mẹ con ở với nhau, mãi đến năm 1983 thì người mẹ già cũng qua đời.

“Chiến tranh dắt díu nhau chạy bom, chạy đạn, không có cha. Sau giải phóng chỉ còn mẹ và chỉ biết thương lấy mẹ thôi. Mẹ mất rồi, hai chị em ở luôn vậy đến nay” - bà Thơm cười mà ánh mắt cứ buồn vời vợi.

Trong làng lúc ấy có người mới sinh con nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Bà đến nhà xin bé gái mới một tháng tuổi đem về nuôi. Cô gái ấy ở với hai chị em bà đến năm 19 tuổi thì đi lấy chồng, dựng nhà ngay trong xóm rồi qua thăm nom hai bà thường xuyên. “Nhưng hoàn cảnh gia đình nó cũng nghèo lắm” - bà Thơm nói.

Ở cái tuổi xương khớp đụng đâu nhức đó, bà Thơm lại mắc thêm bệnh sỏi mật. Cứ đi vệ sinh là vùng bụng dưới quặn thắt.

Hồi bão số 9 quét qua, bà Thơm đang nằm bệnh viện, người chị ở nhà phải qua trú tạm nhà hàng xóm. Đến khi bà Thơm xuất viện ra về thì nhà đã sập mái, hư hỏng nặng do bão.

 

Thêm 140 triệu đồng dựng nhà cho bà con huyện Đại Lộc

Ngày 2-12, đoàn cứu trợ của báo Pháp Luật TP.HCM đã đến huyện Đại Lộc (Quảng Nam) tiếp tục chương trình hỗ trợ cho bà con dựng lại nhà cửa sau bão lũ.

“Có tiền để sửa nhà đón tết rồi!” ảnh 2

“Có tiền để sửa nhà đón tết rồi!” ảnh 3

Báo Pháp Luật TP.HCM trao tiền sửa nhà cho người dân huyện Đại Lộc ngày 2-12. Ảnh: TẤN VIỆT

Ông Hồ Tấn Phụng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đại Lộc, cho hay địa phương chịu thiệt hại nặng nề sau bão lũ, nhất là bão số 9. Toàn huyện có 38 nhà sập, xiêu vẹo nặng và 846 nhà tốc mái. “Bà con ở đây chủ yếu làm nông, sống đắp đổi qua ngày, rất khó có thể xây dựng lại nhà cửa” - ông Phụng cho hay.

Trong ngày, đoàn cứu trợ đã trao số tiền do bạn đọc hảo tâm, mạnh thường quân của báo hỗ trợ cho 14 hộ đặc biệt khó khăn, mỗi hộ 10 triệu đồng.

Bà Lê Thị Ty (60 tuổi, ngụ xã Đại Hưng) mừng rơi nước mắt khi lần đầu tiên cầm số tiền mặt nhiều như vậy. Cộng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước, bà Ty đã có thể nghĩ về căn nhà chắc chắn hơn.

Ông Nguyễn Văn Trung (63 tuổi, ngụ xã Đại Sơn) cũng xúc động: “Thấy đoàn về, bà con mừng lắm. Có tiền để sửa nhà đón tết rồi!”.

Trước đó, ngày 1-12, báo đã trao 70 triệu đồng cho bảy hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề bởi bão lũ ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam.

Những ngày cuối tháng 11, khi chúng tôi đến thăm, chị em bà Thơm chỉ mới lợp lại mái tôn bằng tiền Nhà nước hỗ trợ. Bên trong phòng ngủ, bà Hiên run run lần giở cuốn sổ tay nhận tiền trợ cấp hằng tháng được bảo quản như gia tài. Mỗi tháng bà Hiên nhận được hơn 600.000 đồng tiền trợ cấp. Với số tiền ít ỏi ấy, hai bà cứ bấu víu vào nhau mà sống.

Con tôi phải mổ nữa, nghe mà rầu quá

Ở xã Tam Anh Bắc (huyện Núi Thành), chị Nguyễn Thị Nguyệt (31 tuổi) có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.

Chị Nguyệt lấy chồng cách đây chín năm, chồng chị là một thợ cơ khí giỏi trong khu kinh tế Chu Lai. Chị cũng làm công nhân may rồi sinh được ba người con, đứa lớn đã học lớp 3. Đến cuối năm 2019, chồng chị Nguyệt đi làm về bằng xe máy thì bị tai nạn tử vong tại chỗ.

Nỗi khổ chưa buông tha chị khi con trai út vừa ra đời được hai ngày tuổi thì bác sĩ báo tin cháu bị tim bẩm sinh, hẹp động mạch phổi. Chị Nguyệt đành gửi hai con cho cha mẹ chăm nom, rồi lặn lội ôm con út ra bệnh viện ở Huế chạy chữa.

Ca mổ tim hết hơn 100 triệu đồng được bảo hiểm chi trả nhưng chị Nguyệt phải vay mượn thêm 30 triệu đồng lo chi phí khác. Ở BV Trung ương Huế theo dõi gần hai tháng, sau khi từ bệnh viện về, chị Nguyệt bàng hoàng nhìn căn nhà bị bão số 9 đánh tả tơi.

Mái ngói sập xuống, được hàng xóm phụ giúp chống đỡ tạm bằng mấy khúc cây. Bồn nước inox mới mua gần 3 triệu đồng bị bão quét rơi hỏng, không xài lại được.

Chị Nguyệt cho biết vết mổ của con trai út đến nay còn chưa lành. Mỗi khi cựa quậy lại đau thắt, con khóc, chị khóc theo.

 “Những lúc này tôi chỉ biết bồng con ra trước bàn thờ của chồng cầu mong anh ấy phù hộ cho mau hết bệnh. Bác sĩ nói cứ một tháng tôi phải cho con ra Huế tái khám một lần, còn phải mấy lần mổ nữa, nghe mà rầu quá” - chị Nguyệt nói.

Theo một lãnh đạo Ủy ban MTTQ huyện Núi Thành, đơn vị cũng đã kết nối, tìm kiếm nhiều nguồn để có tiền hỗ trợ những gia đình quá khó khăn do đợt bão lũ vừa qua để họ sửa chữa nhà cửa.

Không chỉ hai hộ này mà trên địa bàn huyện hiện vẫn còn nhiều hoàn cảnh cần được giúp đỡ, hỗ trợ.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm