Sáng 9-6, Bộ TN&MT phối hợp với UBND TP Hà Nội và Trung ương Đoàn TNCS HCM tổ chức lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa. Tại lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi mỗi người dân, mỗi cơ quan, tổ chức cùng chung tay “nói không với rác thải nhựa” để bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chính bản thân, bảo vệ tương lai thế hệ con cháu chúng ta.
Rất nhiều người dân ủng hộ lời kêu gọi này.
Người dân, doanh nghiệp cùng giảm dùng túi nylon
Ngày 10-6, Saigon Co.op không sử dụng và cung cấp túi nylon trên toàn hệ thống để góp phần bảo vệ môi trường.
Mang giỏ đến mua đồ tại siêu thị này, bà Hoàng Hạnh (quận Phú Nhuận) cho biết: “Tôi thấy đây là việc cần làm, càng sớm càng tốt. Việc thay thế túi nylon bằng những sản phẩm không làm hại môi trường như túi giấy thì có thể làm tăng giá sản phẩm lên vài trăm đồng cũng không sao. Vì vài trăm đồng đó không quan trọng bằng sức khỏe của con người phải được đảm bảo. Tôi mong tất cả người bán hàng phải làm thường xuyên, lâu dần thì người dân mới có thể thay đổi thói quen được”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), cho biết đơn vị này đang tính toán để kéo dài chương trình nói không với túi nylon này.
“Mỗi ngày lượng rác thải nhựa thải ra môi trường khá lớn, ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng như sức khỏe người dân. Chính vì thế, chúng tôi thấy mình có trách nhiệm chung tay cắt giảm hết mức có thể chất thải nhựa thải ra môi trường” - ông Đức cho biết thêm.
Thời gian gần đây, nhiều người khi đi mua hàng đã dùng những sản phẩm thân thiện thay thế túi nylon. Ảnh: NGUYỄN CHÂU
Nên tăng thuế cho ngành sản xuất nhựa
Theo PGS-TS Bùi Xuân An, giảng viên về môi trường Trường ĐH Hoa Sen, việc giảm thiểu chất thải nhựa ra môi trường là hết sức cần thiết. Chúng ta nên có những hành động cụ thể để làm giảm thiểu lượng chất thải này. Cụ thể, ở các siêu thị, chợ, cửa hàng tạp hóa… nên thường xuyên phổ biến hạn chế sử dụng những loại túi nylon sử dụng một lần.
Việc thay thế túi nylon sử dụng một lần bằng những sản phẩm thân thiện với môi trường là chủ trương tốt. Rất mong có nhiều chương trình như thế này để giảm bớt những sản phẩm gây hại ra môi trường. Mỗi người hằng ngày thải ra môi trường vài túi thì nhiều người sẽ thải ra môi trường số lượng túi nylon rất khổng lồ, ngàn năm chưa chắc đã phân hủy được. Anh NGUYỄN HỮU QUỐC, quận Phú Nhuận, TP.HCM |
“Cơ quan chức năng cũng nên tính toán thêm mức thuế đối với các công ty sản xuất nhựa. Nếu những nhà sản xuất nhựa được đánh thuế quá thấp thì giá thành của túi nylon quá rẻ so với những sản phẩm khác. Đây chính là lý do mà nhiều người sử dụng túi nylon. Chúng ta có thể tính thêm thuế về môi trường cho những công ty sản xuất nhựa, khi giá thành sản phẩm nhựa cao lên thì sẽ hạn chế được việc sử dụng túi nylon. Qua đó chúng ta cũng có thêm một khoản thu để thu gom, tái chế… chất thải nhựa” - PGS-TS Bùi Xuân An đề xuất.
Cùng vấn đề này, TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, bày tỏ: “Các cơ quan chức năng cần tích cực tuyên truyền việc hạn chế sử dụng túi nylon. Người dân nên biết từ chối túi nylon không thân thiện. Người bán nên dùng những sản phẩm thân thiện để thay cho túi nylon. Nhà nước cũng nên tính toán lại mức thuế ở những cơ sở sản xuất túi nylon không thân thiện với môi trường”.
Để đi đầu làm gương, chính quyền các cấp cũng nên hạn chế sử dụng những sản phẩm nhựa. “Trong các cuộc họp nên hạn chế sử dụng những chai nước nhựa, hạn chế sử dụng ống hút nhựa… Những hành động nhỏ như thế cũng dần tạo thành thói quen để bảo vệ môi trường” - TS Hoàng Dương Tùng chia sẻ thêm.
Thay thế ống hút nhựa bằng ống hút làm từ cỏ Với mong muốn thay đổi thói quen sử dụng các loại ống hút nhựa vừa gây hại môi trường, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, anh Trần Minh Tiến, huyện Đức Huệ, Long An nghiên cứu, sáng tạo ra loại ống hút làm từ cỏ bàng có sẵn trong thiên nhiên để thay thế ống hút nhựa. Hiện nay sản phẩm này của anh được rất nhiều người biết đến và rất ưa chuộng (ảnh). Theo anh Tiến, trước tiên muốn làm được việc này thì phải thật sự có tình yêu đối với thiên nhiên, môi trường. “Sản phẩm này tôi phát triển từ tháng 12-2017, ban đầu mỗi ngày tôi chỉ làm 500 ống để cung cấp cho một số cửa hàng. Sau một thời gian, sản phẩm được rất nhiều người quan tâm, có cả một số khách hàng nước ngoài muốn tìm hiểu. Tôi tin sau lời phát động của Thủ tướng, các cơ quan chức năng cùng xắn tay áo vào làm thì dần dần sẽ thay đổi được ý thức người dân, từ đó những sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ được ưu tiên đón nhận” - anh Tiến nói. |