Dịch kéo dài, phường tìm cách hỗ trợ thêm cho người dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dịch bệnh COVID-19 kéo dài, nhiều người dân thất nghiệp, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Để hỗ trợ người dân, TP.HCM đã triển khai nhiều đợt hỗ trợ người dân trong thời gian qua.

Đến nay, các gói hỗ trợ đã và đang được các địa phương tích cực đưa đến tận tay người dân. Số tiền hỗ trợ cũng giúp họ xoay xở, giải quyết khó khăn trước mắt. Để hỗ trợ thêm cho người dân, các địa phương đã vận động các mạnh thường quân để có thêm nguồn lương thực, thực phẩm cho người dân.

Người dân nhận hỗ trợ lương thực, thực phẩm từ Trung tâm hỗ trợ an sinh
xã hội phường 11, quận Bình Thạnh. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Tiền hỗ trợ giúp giải quyết được nhiều khó khăn

Anh Phan Thanh Tây ở trọ tại đường số 9, khu phố 4, phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức cho biết mấy ngày nay anh đã sử dụng gần hết mì gói, thực phẩm anh mua từ số tiền hỗ trợ được phường phát trước đó.

Anh Tây cho biết hơn một năm nay từ Bạc Liêu lên TP.HCM mưu sinh, anh đi theo những công trình xây dựng làm phụ hồ để có tiền gửi về quê lo cho gia đình. Mấy tháng nay công trình xây dựng nơi anh làm tạm ngưng nên anh thất nghiệp theo.

“Lúc mới thất nghiệp, tôi nghĩ dịch bệnh đợt này cũng như đợt trước và chỉ phải giãn cách vài tuần thôi. Nào ngờ dịch đợt này kéo dài quá lâu, giờ tôi bị mắc kẹt trên này, không về quê được. Ngày 20-8, tôi được cán bộ phường đến trao tiền hỗ trợ cho người khó khăn đang ở trọ. Vừa nhận 1,5 triệu đồng xong, tôi mang 1 triệu đồng trả tiền thuê phòng cho chủ nhà trọ. Tiền thuê phòng cũng được chủ nhà trọ giảm rồi đó. Còn lại 500.000 đồng tôi mua gạo, mì tôm để dành và cũng chỉ ăn được trong 10 ngày. Tôi mong chính quyền địa phương xem xét, tiếp tục hỗ trợ thêm lương thực, thực phẩm cho người dân trong những ngày tới” - anh Tây nói.

Chị Nguyễn Thị Trang ở trọ tại hẻm 609, tổ 8, khu phố 3, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức cũng đang gặp khó khăn khi cả gia đình đều bị thất nghiệp nhiều tháng liền. Chị Trang cho biết các thành viên trong gia đình đều làm phụ hồ. Hơn ba tháng nay công trình xây dựng nào cũng ngưng nên gia đình chị thất nghiệp. Mới đây, cán bộ phường có đến phát cho gia đình chị 1,5 triệu đồng tiền hỗ trợ hộ gia đình khó khăn.

“Nhà có bốn người, ba tháng thất nghiệp tôi phải mượn tiền của bà con trong xóm người vài trăm ngàn đồng để lo cuộc sống hằng ngày. Trong thời gian này, địa phương cũng có hỗ trợ thực phẩm nhưng đã dùng hết. Mới đây, gia đình tôi nhận được 1,5 triệu đồng tiền hỗ trợ. Ngay lúc khó khăn này, số tiền này đã giúp tôi giải quyết được nhiều thứ như mua thêm thực phẩm và trả tiền đã mượn trước đó cho người trong xóm, giờ ai cũng khổ” - chị Trang chia sẻ.

Lập trung tâm an sinh xã hội để giúp người dân

Trao đổi với PV, ông Châu Thanh Nhã, Chủ tịch UBND phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, cho biết song song với việc chi hỗ trợ từ TP, phường còn vận động các mạnh thường quân để trao lương thực, thực phẩm đến người dân khó khăn trên địa bàn. Ngoài ra, TP cũng đang triển khai các gói hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân.

“Người dân nào thiếu thức ăn, có thể liên hệ qua tổng đài 1022 hoặc gọi điện thoại đến các số đường dây nóng của Ủy ban MTTQ Việt Nam địa phương để được hỗ trợ thực phẩm” - ông Nhã nói.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Chi, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, đối với những khó khăn của người dân ở trọ tại hẻm 609, tổ 8, khu phố 3, phường đã nắm thông tin. Ngoài việc chi hỗ trợ cho những hộ gia đình khó khăn trong hẻm, phường cũng có những lần hỗ trợ thực phẩm cho bà con nơi đây. Trong thời gian tới, nếu TP triển khai thêm gói hỗ trợ, phường sẽ nhanh chóng trao ngay cho người dân.

Người dân ở huyện Hóc Môn nhận hỗ trợ lương thực từ Trung tâm an sinh xã hội. Ảnh: UBMTTQVN TP.HCM cung cấp

Phường 11, quận Bình Thạnh cũng lập trung tâm an sinh xã hội của phường để hỗ trợ thực phẩm cho người dân đang gặp khó khăn. Bà Triệu Thị Bích Huyền, Phó Chủ tịch UBND phường 11, cho biết phường đã lập trung tâm hỗ trợ an sinh xã hội và công bố đường dây nóng của trung tâm để tất cả người dân được biết.

“Theo đó, từ sự vận động của phường, trung tâm sẽ tiếp nhận lương thực, thực phẩm từ các mạnh thường quân gửi về. Sau đó, trung tâm sẽ phân loại, xếp từng phần để phát cho người dân gặp khó khăn. Ngoài ra, người dân nào khó khăn, bệnh không đến nhận được, có thể gọi điện thoại đến đường dây nóng của trung tâm để được nhân viên trung tâm đưa thực phẩm đến tận nơi” - bà Huyền cho biết.•

 

Thành phố sẽ thay đổi chính sách hỗ trợ cho phù hợp

Tại chương trình livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời” vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã giải đáp trực tiếp những thắc mắc của người dân về chủ đề an sinh xã hội.

Theo đó, ông Hoan khẳng định TP sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân trong thời gian tới. Tuy nhiên, về chính sách hỗ trợ sẽ có thay đổi cơ bản.

Cụ thể, việc hỗ trợ có thể không cần xác định đối tượng nào mà chỉ cần là người khó khăn với ba yếu tố không việc làm, không thu nhập, bị giãn cách thì được hỗ trợ. Lúc này, việc hỗ trợ không phân biệt người lao động tự do, ngành nghề, làm thuê...

Ngoài ra, người được nhận hỗ trợ không phân biệt già, trẻ, lớn, nhỏ và kể cả trẻ sơ sinh cũng được tính là một người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm