Đốn hạ cây xanh: Phải theo quy trình

Thời gian gần đây, hàng loạt cây xanh bị ngã đổ, trong đó có các cây phượng ở trường học. Điều này khiến không ít đơn vị đã tiến hành đốn bỏ một số cây xanh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng muốn đốn hạ cây xanh cần phải kiểm tra, khảo sát theo quy định.

Cấm tỉa cành khi chưa được phép

Theo luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, việc quản lý cây xanh đô thị bao gồm việc quy hoạch, trồng, chăm sóc, ươm cây, bảo vệ, chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị được quy định tại Nghị định 64/2010.

Theo đó, cây xanh đô thị gồm cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên dụng trong đô thị.

Trong đó, cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị là cây xanh được trồng trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nghĩa trang, các công trình tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở và các công trình công cộng khác do các tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng.

Với những cây xanh được trồng trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện…, các tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong khuôn viên do mình quản lý.

Điều kiện chặt hạ cây xanh phải là cây đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm; cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn…

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép chặt hạ cây xanh đô thị bao gồm: Đơn đề nghị nêu rõ vị trí chặt hạ; kích thước, loại cây và lý do cần chặt hạ; sơ đồ vị trí cây; ảnh chụp hiện trạng cây...

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép chặt hạ cây xanh đô thị được nộp tại cơ quan quản lý cây xanh đô thị theo quy định của UBND cấp tỉnh. Thời gian giải quyết cho việc cấp phép này tối đa không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Trước khi triển khai việc chặt hạ cây xanh, tổ chức hoặc cá nhân thực hiện phải thông báo cho chính quyền địa phương.

Việc chặt hạ cây xanh đô thị trong các khu vực công cộng và trong các khuôn viên của tổ chức, cá nhân quản lý phải bảo đảm quy trình kỹ thuật, an toàn cho người và tài sản.

Hồ sơ, trình tự thủ tục được quy định tại Điều 14 của Nghị định 64/2010.

Gốc cây phượng còn lại trong sân Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) đã bị đốn hạ. Ảnh: CP

Một cây xanh ở quận Tân Phú, TP.HCM đang được cắt nhánh. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Nên xem xét kỹ trước khi đốn hạ

Bà Lý Thị Mỹ Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, quận 12, cho biết: Hiện trường đang rà soát lại tất cả cây phượng trong toàn trường để đảm bảo an toàn cho học sinh cũng như giáo viên.

“Chúng tôi không vì những sự cố trong thời gian qua mà đốn bỏ các cây phượng trong trường học. Để đảm bảo an toàn cho các em học sinh cũng như giáo viên, phía nhà trường đã cho kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng một cách kỹ lưỡng để không xảy ra sự cố” - bà Phượng nói.

Nhiều ý kiến cho rằng không nên chặt cây tùy tiện do nhiều cây vẫn còn đang rất khỏe và xanh tốt.

Liên quan vấn đề này, nhiều chuyên gia đã có những góp ý liên quan đến việc chặt, tỉa cũng như trồng cây phượng trong trường học.

Theo TS Đinh Quang Diệp, chuyên gia trong lĩnh vực cây xanh đô thị, việc đốn hạ cây phượng ở trường học cần phải thực hiện theo quy định. Trước khi đốn hạ hoặc cắt tỉa nên có đơn vị tư vấn cây xanh chuyên ngành xử lý để hợp lý hơn. Việc trồng cây phượng trong sân trường cũng cần phải cân nhắc, những trường nào có không gian đủ rộng mới trồng loại cây này.

“Trường học nào đủ không gian thì hãy trồng phượng, những nơi nào chật hẹp thì nên trồng loại cây khác. Nếu muốn trồng phượng cần đảm bảo những yêu cầu như: Cần trồng cây từ ngay lúc chúng còn nhỏ, cần có không gian rộng đủ để cây phượng phát triển vì loại rễ cây này ăn nổi (rễ nổi trên mặt đất), dễ bị hỏng nếu trồng và bảo vệ không đúng cách” - TS Đinh Quang Diệp nói.

Cùng vấn đề này, PGS-TS Chế Đình Lý, Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết cây xanh có tầm quan trọng rất lớn với con người, nếu vì một vài vụ tai nạn mà chặt bỏ cây xanh vô tội vạ là trái với việc ứng phó với biến đổi khí hậu trong điều kiện hiện nay.

“Cây phượng ngã đổ trong trường học là một tai nạn không ai muốn xảy ra, không thể vì thế mà chúng ta chặt bỏ cây xanh vô tội vạ. Việc đổ cây nguyên nhân còn do kỹ thuật của người trồng, do chúng ta trồng cạn quá nên rễ không ăn sâu được, có nhiều nơi trồng cây phượng ở sân trường bằng cây bứng, cây này lớn rồi thì không có khả năng ra rễ, vì vậy nếu có mưa gió thì khả năng gãy đổ là hoàn toàn có thể xảy ra” - PGS-TS Chế Đình Lý nói.

Cũng theo PGS-TS Chế Đình Lý, cây phượng không nên trồng tại các trường ở TP.HCM do loại cây này thân mềm, rễ dễ bị thối do hay ngập.

Trong sân trường nên trồng những loại cây như đại tướng quân, hoa giấy hoặc làm dàn sắt để trồng dây leo. Với cây phượng sẽ phù hợp hơn nếu trồng ở trường học những khu vực nông thôn do những khu vực này có đủ không gian để rễ cây phát triển.

Bị phạt nếu chặt cây không đúng quy định

Tổ chức nào tự ý chặt hạ, di dời, đốt gốc, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh không đúng quy định thì bị phạt tiền 20-30 triệu đồng.

Nếu là cá nhân vi phạm thì mức phạt bằng 1/2 mức trên.

(Theo khoản 4 Điều 53 Nghị định 139/2017) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm