Gỡ vướng trợ cấp thất nghiệp khi quá hạn nhận hồ sơ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Với người lao động (NLĐ) hiện nay thất nghiệp do dịch bệnh, việc nhận được trợ cấp thất nghiệp (TCTN) được xem là cứu cánh để họ vượt qua khó khăn trước mắt.

Tuy nhiên, do thực hiện giãn cách xã hội nên một số doanh nghiệp chậm trả, chốt sổ  BHXH, quyết định thôi việc cho NLĐ.

Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM nộp hồ sơ trong những ngày dịch bệnh chưa bùng phát. Ảnh: NGUYỆT NHI

Việc chậm trễ này khiến cho NLĐ mất cơ hội nhận TCTN. Bởi theo quy định, thời hạn nộp hồ sơ nhận TCTN là ba tháng kể từ ngày NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động.

Hơn ba tháng mới nhận quyết định thôi việc

Mấy ngày nay, anh TTB, ở quận Gò Vấp, TP.HCM, lo lắng không biết sắp tới đây cả gia đình phải dựa vào đâu để sinh sống bởi khoản tiền TCTN mà anh mong chờ sẽ không được nhận vì đã hết hạn nộp hồ sơ.

Anh B cho biết trước đây anh làm việc cho một công ty ở quận 10 và có tham gia BHXH đầy đủ. Đầu tháng 7, anh đã nộp đơn xin nghỉ việc và được công ty chấp nhận. Sau khi nghỉ việc, anh về tỉnh Tiền Giang thăm quê và bị kẹt lại đến nay.

Cũng từ tháng 7, công ty nơi anh làm cũng nghỉ dịch nên không thể gửi quyết định nghỉ việc và chốt sổ BHXH cho anh được.  Đến ngày 15-9, công ty mới gửi quyết định nghỉ việc và chốt sổ BHXH cho anh. Tuy nhiên, lúc anh B nhận được những giấy tờ từ công ty thì cũng đã hết thời hạn giải quyết hồ sơ nhận TCTN.

“Hiện nay, việc nhận được TCTN là cách duy nhất để ổn định cuộc sống trong lúc dịch bệnh này. Việc chậm trễ nộp hồ sơ hưởng TCTN là do dịch bệnh, NLĐ và công ty không thể ra đường để nhận và nộp hồ sơ được. Tôi mong các cơ quan chức năng xem xét kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ TCTN để giúp NLĐ giải quyết khó khăn trong thời gian mất việc” - anh B mong mỏi.

Tương tự, chị Trần Thị Thủy, ở huyện Định Quán, Đồng Nai, cho biết chị làm đơn xin nghỉ việc từ ngày 1-5 nhưng đến 25-7 công ty mới trả sổ BHXH và quyết định thôi việc cho chị. Sau khi nhận những giấy tờ từ công ty cũng là thời gian địa phương chị ở thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Vì vậy, chị không thể ra ngoài để nộp hồ sơ nhận TCTN.

Đến ngày 20-9, chị mới liên hệ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai để nộp hồ sơ thì được nhân viên trung tâm cho biết hồ sơ của chị đã hết hạn giải quyết.

“Việc nộp hồ sơ nhận TCTN chậm so với thời hạn quy định là do dịch bệnh, chứ không phải do lỗi của NLĐ. Ai cũng muốn sau khi nghỉ việc được nhận TCTN nhưng giấy tờ có đâu mà nộp. Tôi rất mong các cơ quan có thẩm quyền xem xét nới thêm thời gian nộp hồ sơ để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ” - chị Thủy nêu ý kiến.

Nộp hồ sơ qua Zalo, đường bưu điện

Trao đổi với PV, bà Lê Thị Kiều Phượng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM (trung tâm), cho biết trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội như hiện nay, trung tâm đang tạm dừng tiếp nhận trực tiếp các thủ tục hưởng TCTN của NLĐ.

NLĐ sẽ thực hiện nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN bằng thư đảm bảo qua đường bưu điện, đến các điểm tiếp nhận của trung tâm tại các quận. Hiện có các điểm tiếp nhận ở các quận 4, 6, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, huyện Củ Chi và TP Thủ Đức. Thời hạn giải quyết căn cứ vào ngày gửi ghi trên dấu bưu điện.

Bên cạnh việc tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu điện, trung tâm đã linh động tiếp nhận qua số Zalo được công bố tại địa chỉ http://www.vieclamhcm.net. Theo đó, NLĐ có thể chụp ảnh những chứng từ gửi vào Zalo của trung tâm hoặc có thể nhờ công ty chụp ảnh chứng từ gửi qua. Thời gian giải quyết hồ sơ sẽ được tính từ ngày NLĐ gửi hồ sơ. Hết thời gian giãn cách, NLĐ sẽ nộp chứng từ gốc qua đường bưu điện để trung tâm có căn cứ giải quyết TCTN.•

 

Đề xuất giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Trong thời gian này, để tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ thất nghiệp thụ hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ đã cho phép NLĐ được gửi hồ sơ đề nghị hưởng TCTN qua đường bưu điện, thư điện tử, fax, đường bưu điện... trong thời gian từ ngày 1-4-2020 đến khi công bố hết dịch.

Theo quy định, một trong các điều kiện hưởng TCTN là NLĐ đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN tại các trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Về việc những trường hợp quá hạn nộp hồ sơ nhận TCTN, vấn đề này vượt thẩm quyền của BHXH Việt Nam. BHXH Việt Nam xin chia sẻ với những khó khăn của NLĐ và tiếp thu để phản ánh với cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, BHXH Việt Nam đã và đang phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH đề xuất các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Trong thời gian dịch bệnh hiện nay, nếu NLĐ chấm đứt hợp đồng lao động mà đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động thì sẽ được xem xét nhận gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng của Chính phủ.

Mức hỗ trợ theo quy định là 3.710.000 đồng/người. Trường hợp NLĐ đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; NLĐ đang nuôi con chưa đủ sáu tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em và chỉ hỗ trợ cho một người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em.  Tuy nhiên, với NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng sẽ không được hỗ trợ.

Ông ĐÀO DUY HIỆN, Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH thuộc BHXH Việt Nam
VIẾT LONG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm