Người dân đốt rác: Nguy cơ hỏa hoạn mùa nắng nóng

Thời gian qua, theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, tại một số khu vực ở quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức, TP.HCM xuất hiện tình trạng người dân xả đủ loại rác bên dưới một số cây cầu.

Sau đó, do ô nhiễm, người dân tự đốt số rác nói trên làm thành cầu bị cháy đen. Việc người dân tự đốt rác tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hỏa hoạn, nhất là đang trong mùa nắng nóng.

Những cây cầu sống chung với rác

Theo phản ánh của người dân gửi đến Pháp Luật TP.HCM, tại cầu Rạch Lăng khu vực giáp ranh giữa phường 13 và phường 11, quận Bình Thạnh là một điểm nóng về tình trạng tập kết, đốt rác.

Ghi nhận của PV cho thấy bên hông cầu là bãi đất trống với đủ loại rác. Từ rác thải vật liệu xây dựng, rác thải sinh hoạt cho tới bao nylon được tập kết về đây.

Bên cạnh đó là la liệt những đống tro tàn còn sót lại sau những lần đốt rác. Những cây trứng cá gần đó cũng bị lửa thiêu rụi. Thậm chí thành cầu Rạch Lăng cũng bị đốt cháy đen một mảng lớn.

Ông Thành Sang, một người dân sống tại khu vực này, cho biết trước đây nơi này là trại nuôi heo rừng tự phát. Nơi đây từng là nỗi ám ảnh của người dân trong khu vực và người đi đường qua đây vì mùi hôi từ trại heo bốc ra.

“Sau khi dẹp được đàn heo rừng thì từ năm 2016 cho đến nay nơi đây trở thành một bãi đất trống. Sau đó bãi đất dần dần trở thành nơi xả rác thải tự phát. Số rác ngày càng nhiều và bắt đầu ô nhiễm, bốc mùi hôi ảnh hưởng đến một số hộ dân sống xung quanh.

Thành cầu Rạch Lăng (phường 13, quận Bình Thạnh) bị lửa khi đốt rác đốt cháy đen, những cây trứng cá gần đó cũng bị thiêu rụi. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Trong khi chờ cơ quan chức năng giải quyết, một số người dân sống ở đây đã tự đốt rác để giải quyết tình trạng ô nhiễm do rác quá nhiều” - ông Thành Sang nói.

Trước đó, cũng tại khu vực này, Pháp Luật TP.HCM đã ghi nhận cảnh người dân đốt rác tạo những cột khói đen bốc lên cao. Nhiều người đang lưu thông trên đường phải chạy nhanh để né khói.

Cách đó không xa cũng xuất hiện tình trạng tương tự là tại cầu Bình Lợi (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức), khu vực vòng xoay dưới gầm cầu vượt cũng xuất hiện nhiều đống tro sau khi đốt rác.

Ghi nhận thực tế tại khu vực gầm cầu có nhiều khoảng đất trống, không có người dân sinh sống và thường là nơi dừng chân của xe ôm, khách đi đường.

Tại vị trí bên hông cầu (đường dẫn lên cầu Bình Lợi) là những đống tro tàn và thành cầu bị cháy đen, đây là hệ quả của việc người dân tự đốt rác. Xung quanh khu vực này cũng xuất hiện rất nhiều bao nylon, rác thải xây dựng và nhiều loại rác thải khác.

Chính quyền gặp nhiều khó khăn khi xử lý

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, cho biết trong suốt quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 19 của Thành ủy (vận động người dân không xả rác ra đường phố, kênh rạch), hơn hai năm qua Đảng ủy - UBND phường đã xây dựng nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, triển khai đến toàn hệ thống chính trị của phường cùng vào cuộc để thực hiện.

Đặc biệt, phường chú trọng đến giải pháp tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, đồng thuận và chung tay cùng chính quyền để thực hiện.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi, tồn tại những điểm đen về ô nhiễm môi trường mà chính quyền địa phương hằng ngày phải xử lý, điển hình như khu vực cầu Bình Lợi.

Thành cầu đường dẫn lên cầu Bình Lợi cũng bị lửa đốt rác đốt cháy đen một mảng lớn. Ảnh: ĐẶNG LÊ

“Nguyên nhân mà địa phương đang gặp khó khăn khi giải quyết là ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, thản nhiên xả rác không đúng nơi quy định. Người dân không chịu bỏ chi phí phát sinh để được thu gom, xử lý rác mà lại mang ra các khu vực vắng, công cộng để bỏ.

Những vị trí này chưa có camera giám sát. Lực lượng cán bộ công chức phụ trách môi trường còn mỏng nên việc chốt chặn kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn” - ông Tuấn chia sẻ.

Liên quan đến điểm đen và tình trạng đốt rác tại khu vực cầu Rạch Lăng, ông Đặng Hồng Chuyên (Phó Chủ tịch UBND phường 13, quận Bình Thạnh) cho biết vừa qua sau khi nhận được phản ánh từ người dân, Phòng TN&MT quận đã chủ trì phối hợp với UBND phường 11 và UBND phường 13 tiến hành dọn dẹp rác tại khu vực này.

Trong thời gian tới, UBND phường sẽ tiếp tục tuyên truyền, tích cực kiểm tra, giám sát tại các điểm nóng về rác để xử lý.

Xử phạt 120 trường hợp

Sau hai năm thực hiện Chỉ thị 19, phường 13, quận Bình Thạnh đã xóa được hai điểm đen về rác, xóa được 14 điểm rác phát sinh và đã thu gom được hơn 26 tấn rác các loại.

Bên cạnh đó, qua công tác kiểm tra, giám sát, UBND phường đã kiểm tra 145 trường hợp vi phạm về môi trường và xử phạt 120 trường hợp với số tiền 24 triệu đồng.

Theo UBND phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM

Clip của công an hướng dẫn phòng cháy chữa cháy tại nhà
Clip của công an hướng dẫn phòng cháy chữa cháy tại nhà
(PLO)- Chìa khóa được đặt ở vị trí nhất định, tô màu để nhận biết trong trường hợp khẩn cấp. Theo PC07, Công an TP.HCM, đây là một trong những thói quen cần có trong sinh hoạt gia đình để chủ động phòng cháy chữa cháy an toàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm