Liên quan vụ CSGT Cát Lái (TP.HCM) tranh luận với người vi phạm về giấy phép lái xe (GPLX) quốc tế (International Driving Permit, sau đây gọi là bằng lái quốc tế - IDP) gây xôn xao dư luận vừa qua, nhiều người dân thắc mắc phải sử dụng bằng lái quốc tế như thế nào cho đúng.
Chỉ xuất trình bằng lái quốc tế thì chưa đủ
Trả lời Pháp Luật TP.HCM hôm 21-3, Thượng tá Trần Văn Thương, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ- đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, cho biết theo Thông tư 29/2015 của Bộ GTVT về việc cấp và sử dụng bằng lái quốc tế thì các nước tham gia Công ước Giao thông đường bộ năm 1968 (Công ước Viên 1968) được quyền cấp bằng lái quốc tế theo mẫu mã thống nhất, có thời hạn không quá ba năm kể từ ngày cấp, phù hợp với GPLX quốc gia. Theo đó, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam (VN) phải mang theo bằng lái quốc tế và GPLX quốc gia được cấp phù hợp với hạng xe điều khiển.
Làm rõ thêm điều này, PV đã trao đổi với ông Trịnh Văn Minh, Phó phòng Quản lý sát hạch cấp GPLX thuộc Sở GTVT TP.HCM. Ông Minh cho biết VN là một trong 73 nước đã tham gia Công ước Giao thông đường bộ năm 1968. Theo quy định của công ước thì người có bằng lái quốc tế khi lái xe phải mang theo GPLX quốc gia trên lãnh thổ các nước tham gia công ước mới hợp pháp.
Ông Minh cho biết thêm, bằng lái quốc tế do VN cấp sẽ không có giá trị sử dụng ở VN vì đã có GPLX quốc gia. Tuy nhiên, bằng lái quốc tế do VN cấp cũng có thể sử dụng ở các quốc gia tham gia Công ước Giao thông đường bộ năm 1968 (với điều kiện kèm theo GPLX quốc gia cấp). Đối với trường hợp người VN tham gia giao thông ở những nước chưa tham gia công ước thì người điều khiển phương tiện phải tuân thủ các quy định tại mỗi nước sở tại.
Làm thủ tục cấp giấy phép lái xe tại 252 Lý Chính Thắng, phường 9, quận 3, TP.HCM. Ảnh: HTD
Khi nào phải đổi sang GPLX của Việt Nam?
Ông Minh cũng cho hay trường hợp không có bằng lái quốc tế mà chỉ có GPLX quốc gia thì người tham gia giao thông phải đến phòng quản lý đăng ký thêm GPLX do quốc gia cấp, giấy phép này có thời hạn và được sử dụng xe hạng tương ứng ở nước đó.
Cụ thể, điểm g khoản 5 Điều 37 Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT quy định: Người nước ngoài cư trú, làm việc, học tập tại VN, có giấy chứng minh thư ngoại giao, giấy chứng minh thư công vụ, thẻ tạm trú, thẻ cư trú, thẻ lưu trú, thẻ thường trú với thời gian từ ba tháng trở lên, có GPLX quốc gia còn thời hạn sử dụng, nếu có nhu cầu lái xe ở VN được xét đổi sang GPLX tương ứng của VN. Như vậy, những người chỉ có GPLX quốc gia có thể đến Phòng Quản lý đăng ký GPLX để được đổi GPLX.
Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết thêm: Thông tư 48/2014 của Bộ GTVT (sửa đổi Thông tư 46/2012 của Bộ GTVT) cũng quy định cụ thể về cấp GPLX đối với người nước ngoài hoặc người VN cư trú ở nước ngoài có nhu cầu lái xe ở VN. Cụ thể, nếu có GPLX quốc gia phải làm thủ tục đổi sang GPLX tương ứng của VN; nếu có GPLX quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của các nước tham gia Công ước Giao thông đường bộ năm 1968 cấp, còn thời hạn sử dụng thì được lái loại xe quy định đã ghi trong GPLX mà không phải đổi sang GPLX VN (nhưng phải kèm theo GPLX quốc gia cấp, PV).
Muốn có bằng lái quốc tế, rất đơn giản Theo hướng dẫn của Sở GTVT TP.HCM, thủ tục đổi GPLX quốc tế như sau: Điều kiện: Người VN, người nước ngoài có thẻ tạm trú tại VN, có GPLX quốc gia do VN cấp bằng vật liệu PET còn giá trị sử dụng. Hồ sơ (do người lái xe lập thành một bộ gửi trực tiếp tại Sở GTVT) bao gồm: Đơn đề nghị cấp GPLX quốc tế theo mẫu quy định; bản sao chụp GPLX, hộ chiếu, thẻ thường trú (đối với người nước ngoài) còn giá trị sử dụng. Thời gian giải quyết: Năm ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Lệ phí: 135.000 đồng. Nơi nhận và trả GPLX: 252 Lý Chính Thắng, phường 9, quận 3, TP.HCM. |