Bán hàng qua livestream, video ngắn tiếp tục 'lên hương'

(PLO)- Theo các chuyên gia, mô hình livestream sẽ tiếp tục là hình thức "câu khách" trong mùa mua sắm cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 29-11, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức Diễn đàn trực tuyến VOMF2023. Đây là lần thứ 7 sự kiện được tổ chức tại Việt Nam với quy mô toàn quốc. Diễn đàn kỳ vọng sẽ cung cấp những giải pháp cho cả doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vượt qua cơn khủng hoảng của đại dịch toàn cầu và nhanh chóng thích nghi với môi trường kinh doanh mới.

Phát biểu tại diễn đàn VOMF 2023, ông Nguyễn Ngọc Dũng, chủ tịch VECOM nhìn nhận, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thương mại điện tử (TMĐT) đang được coi là điểm sáng của nền kinh tế.

Dù vậy để phát triển bền vững người kinh doanh cần phải liên tục làm mới mình, áp dụng các kiến thức kinh doanh số để tương thích với sự phát triển của thời đại số.

Livestream tiếp tục là mô hình sáng của kinh doanh online

Không thể phủ nhận, sức hút của mô hình livestream đối với hành vi mua hàng của người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc marketing Haravan, nhìn nhận, cùng với livestream, video ngắn sẽ là xu hướng kinh doanh trong cuối năm và cả năm 2024.

livestream
Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc marketing Haravan, nhìn nhận livestream và video ngắn sẽ là xu hướng kinh doanh trong cuối năm và cả năm 2024. Ảnh: THU HÀ

"Về lý thuyết, hình thức livestream dường như ai cũng làm được, nhưng làm thế nào để ra đơn là chuyện khác. Chính vì thế, tùy thuộc vào mô hình, sản phẩm livestream mà người kinh doanh nên tìm hiểu "luật chơi" của từng nền tảng từ Facebook, tới TikTok, tới các sàn TMĐT.

Mỗi phiên livestream cần có điểm nhấn sáng tạo, tạo không khí cho người mua. Quan trọng bạn cần tối ưu được giá bán, khu vực phân phối hàng, bởi hiện nay nếu bán được nhiều hàng nhưng quá trình giao vận không đảm bảo thì cũng có thể mất đi một lượng khách trung thành, nhất là đối với ngành hàng nông sản"- ông Tấn nói.

Dù không bàn tới xu hướng kinh doanh, nhưng theo ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc trung tâm phát triển thương hiệu di sản Việt Nam, một trong những điểm quan trọng để quyết định sự bền vững của doanh nghiệp là giá trị thương hiệu.

"Khi có giá trị thương hiệu thì mới có khách hàng, khi có khách hàng thì mới có đơn hàng. Đó là lý do vì sao dù thế giới khủng hoảng, nhưng trên thế giới 100 thương hiệu top đầu vẫn không bị ảnh hưởng doanh số. Khi có giá trị, họ luôn tạo ra đơn hàng"- ông Huy nói.

Bán hàng online cần thích ứng nhanh

Bày tỏ quan điểm về sự thay đổi ngày một nhanh của xu hướng tiêu dùng, bà Trang Nguyễn, Giám đốc dự án SME Accesstrade Việt Nam, cho biết DN cần chủ động thay đổi cách tiếp cận khách hàng và tận dụng hệ sinh thái của chính mình.

"Chúng ta luôn nhắm tới mục tiêu có xây dựng khách hàng trở thành người mua trung thành, vậy họ đã thành khách hàng trung thành rồi sẽ làm điều gì nữa, chờ họ mua hàng tiếp? Không, hãy biến họ thành đối tác kinh doanh của mình.

Cùng với đó hãy tận dụng mọi nguồn lực của DN từ con người tới công cụ để số hóa nền kinh doanh. Vì sao cùng đốt tiền mà Grab thành công còn Baemin thì không? Theo tôi nằm ở việc Grab đã biến việc dùng ứng dụng trở thành thói quen của người tiêu dùng và xây dựng hệ sinh thái để "trói chặt" người tiêu dùng với ứng dụng đó, từ đi xe tới ăn uống, giao hàng..." - bà Trang nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Hoàng Long, quản lý cao cấp khối bán lẻ NielsenIQ Việt Nam, cho biết người tiêu dùng đã không còn quá chú trọng vào giá rẻ. Cái họ cần là sự tiện lợi, phong phú và điều gì thu hút để họ có lý do ở lại và mua sản phẩm.

Ông Long nói: "Theo tôi, để phát triển kênh bán hàng qua thương mại điện tử, nền tảng số bền vững trước hết phải hiểu khách hàng, giải tỏa bức xúc khúc mắc của người dùng từ niềm tin sản phẩm tới hậu mãi. Thứ ba là đa dạng hóa kênh tiếp cận và thanh toán, sao cho khách muốn gì chúng ta cũng có thể cung ứng cái đó".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm