Trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Connect 2023 diễn ra trong hai ngày 15 và 16-10 ở TP.HCM, nhiều nhà kinh doanh khẳng định: Việc livestream bán hàng trực tuyến không chỉ phát huy hiệu quả ở thị trường trong nước mà còn có thể vươn tới thị trường Trung Quốc (TQ) và nhiều thị trường khác.
Hiệu quả rõ rệt
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT, cho biết: Từ tháng 4-2022, trung tâm đã phối hợp với TikTok Việt Nam (VN) triển khai tổ chức 24 phiên chợ OCOP (mỗi xã một sản phẩm) với 700 phiên livestream, doanh số thu về gần 100 tỉ đồng. Bình quân mỗi phiên livestream đạt doanh số 130-150 triệu đồng. Đối với nông sản thì đây là con số lớn, thể hiện sự nỗ lực lớn của các địa phương, chủ thể và người nổi tiếng.
“Đến nay hơn 10.000 sản phẩm OCOP đã được người tiêu dùng tiếp cận trực tiếp thông qua các buổi livestream. Ví dụ sau một buổi thí điểm livestream bán gốm sứ Bát Tràng đạt doanh số 150 triệu đồng và thấy còn dư địa lớn nên mới đây chúng tôi tiếp tục ký kết với TikTok mở rộng nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề” - ông Tiến dẫn chứng.
Đáng chú ý, không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, mới đây Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đã khảo sát ở TQ bởi đây là thị trường rất lớn tiêu thụ nông sản VN. Qua chuyến khảo sát cho thấy khoảng 90% nông sản của VN tiêu thụ ở Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam… Nhưng nhiều địa phương của TQ như Hà Nam, Thượng Hải, Chiết Giang, Hồ Bắc… cũng có nhu cầu tiêu thụ nông sản của VN rất lớn. Đặc biệt nhà kinh doanh VN có thể livestream để bán hàng sang Trung Quốc thay vì chỉ dựa vào các phương thức truyền thống như hiện nay.
Niềm hy vọng mới
Hiện nay trên những con đường lớn của TP.HCM, mọi người đều nhìn thấy hình ảnh nhiều cửa hàng đóng cửa, trả mặt bằng, cho thuê mặt bằng… khiến người kinh doanh lo lắng. Tuy nhiên, khách hàng bây giờ đã thay đổi phương thức mua sắm hàng hóa từ mua trực tiếp sang mua trên sàn thương mại, mạng xã hội cho tới TikTok shop, Meta shop.
Đáng chú ý là hiện đang có một cuộc chạy đua rất tích cực về livestream giữa các công ty và cả các cá nhân là người bán hàng ở các shop tại gia. Không khí sôi động này cho chúng ta một niềm vui, niềm hy vọng mới trong bối cảnh tình hình mua sắm trên thị trường đang trầm lắng.
Bà VŨ KIM HẠNH, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao
“Chính vì vậy, chúng tôi sẽ tính toán thí điểm thuê các kho ngoại quan tại các địa điểm nằm sâu trong nội địa TQ. Từ đó đưa sản phẩm VN sang tập kết tại kho này, trước hết là với nông sản chế biến từ yến, trái cây, rau củ quả, cà phê... và livestream bán ngay tại TQ. Sau mỗi phiên livestream, sản phẩm của VN sẽ đến người dùng TQ từ một đến hai ngày” - ông Tiến cho hay.
Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp thông tin thêm nếu làm tốt hệ thống logistics, cơ quan này tiến tới livestream bán hàng Việt không chỉ tại thị trường trong nước, thị trường TQ mà cả các thị trường xa hơn trong khu vực ASEAN. “Chúng tôi dự kiến trong năm 2024 sẽ tổ chức thí điểm livestream giới thiệu bán sản phẩm VN đến người dùng trong khu vực ASEAN” - ông Tiến thông tin.
Cần đào tạo, hỗ trợ nông dân bán hàng online
Ông Tiến khẳng định rằng thông qua livestream bán hàng nông sản, nhiều nông dân đã thành công. Theo đó, doanh số bán hàng lúc đầu chỉ 30-40 triệu đồng mỗi lần livestream, nay đã tăng lên 150-200 triệu đồng, thậm chí có cá nhân lên đến 300-500 triệu đồng.
Tuy vậy, việc bán hàng thông qua kênh livestream của nông dân vẫn còn nhiều hạn chế, vì vậy họ rất cần được đào tạo. “Tới đây không chỉ mời những người nổi tiếng mà tại mỗi địa phương, chúng tôi sẽ chọn ra 10-15 người để tập huấn, đào tạo trở thành người livestream bán hàng nông sản” - ông Tiến khẳng định.
Ông Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập sàn thương mại điện tử nông sản Foodmap - đang bán hơn 1.000 sản phẩm của hơn 500 nhà sản xuất, lưu ý: Việc bán thực phẩm online không dễ, chủ yếu vì mối lo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, bán kính vận chuyển thực phẩm tươi sống không được dài nên vấn đề vận hành rất quan trọng.
Ngoài ra, hạn sử dụng của nông sản ngắn so với các mặt hàng khác nên kinh doanh mặt hàng này rất khó khăn. Vì vậy, các cơ quan chức năng, sàn thương mại cần hỗ trợ nhà sản xuất, nông dân.
Chia sẻ về kinh nghiệm khi triển khai chương trình đào tạo bán hàng trực tuyến tại Đồng Tháp, bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, Viện trưởng Viện Ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo Mekong, cho biết: Không phải ai bán hàng online cũng thành công, bởi kỹ năng bán hàng không phải ai cũng có. Vì vậy, ngoài đào tạo kỹ năng về công nghệ, cách vận hành cho nông dân thì cơ quan chức năng cần hỗ trợ khâu sản xuất và bán hàng, bao gồm cả quy trình vận đơn, đóng gói cho đến việc giải quyết phàn nàn của khách hàng.
“Đây là cả một chuỗi nên đào tạo chuyên sâu và cần tìm cách liên kết, tức là phải tìm đến kiềng ba chân: Nông dân, người nuôi trồng, sản xuất + doanh nghiệp chế biến + doanh nghiệp bán hàng” - bà Phượng đúc kết.•
Cô gái triệu view trên TikTok
Chị Nguyễn Thị Thu Hà (tỉnh Đắk Lắk, nick name Hana Ban Mê) đã thành công trong việc bán hàng nông sản bản địa qua kênh online. Chị kể về quê lập nghiệp với xuất phát điểm bằng 0 (không vốn, không kinh nghiệm), trong tay chỉ có duy nhất chiếc điện thoại và chiếc áo của cha khi đi rẫy.
“Khi đó, tôi chỉ đơn giản đi rẫy, quay clip và chia sẻ những câu chuyện của gia đình khi làm rẫy nhưng không ngờ lại thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người xem và đến nay kênh của tôi đã có hơn 1,5 triệu view. Từ đó tôi nhìn thấy cơ hội để quảng bá sản phẩm nông nghiệp, không chỉ sản phẩm của cha mẹ làm ra mà của cả bà con địa phương cho người xem khắp mọi miền Tổ quốc. Tôi không ngờ các sản phẩm của bà con nông dân được mọi người ủng hộ” - chị Hà kể.
Theo chị Hà, ngoài sáng tạo nội dung, chị có shop nhỏ ở quê hợp tác với các nhà sản xuất để lan tỏa nông sản đặc sản vùng, miền đến bạn bè khắp cả nước. Hiện các sản phẩm cà phê Robusta của chị thường nằm trong tốp cà phê trên sàn thương mại điện tử Shopee.
Nữ TikToker khẳng định thời gian tới sẽ luôn đồng hành cùng bà con nông dân với đặc sản vùng quê thông qua việc bán hàng trực tuyến trên TikTok shop, Shopee cũng như trên fanpage. “Nông dân không chỉ biết cầm cuốc, mà có thể trở thành những người sáng tạo nội dung để truyền tải đến người tiêu dùng những câu chuyện về đặc sản địa phương” - chị Hà nói.