Đề xuất có giấy phép mới được livestream trên mạng xã hội

(PLO)- Ban soạn thảo dự thảo Nghị định 72/2013 đã bổ sung nhiều nội dung mới liên quan đến quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-9, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Cần cẩn trọng để tránh xảy ra bảo hộ ngược

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI, bày tỏ dù Internet giúp cuộc sống thuận tiện hơn nhưng cũng diễn ra những biểu hiện hành vi tiêu cực, cần có sự điều chỉnh của pháp luật. Internet là môi trường thuận lợi cho việc lan truyền tin giả, tin xấu; các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; lừa đảo, đánh bạc…

Do đó, theo ông Tuấn, đứng từ vai trò quản lý nhà nước, chính sách pháp luật quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng là cần thiết. Tuy nhiên, nếu quản lý quá chặt cũng cản trở sự phát triển của kinh tế số.

Bởi vậy, quy định quản lý cung cấp dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cần bảo đảm ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực nhưng cũng cần tạo hành lang thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp nội dung số. Đây là thách thức chính trong quá trình hoàn thiện dự thảo nghị định.

“Các quy định của nghị định mới cần cẩn trọng để tránh xảy ra bảo hộ ngược khiến doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VN) không cạnh tranh được với DN quốc tế. Đồng thời tránh tình trạng nhà đầu tư trong nước ra nước ngoài thành lập DN để cung cấp dịch vụ vào VN. Ban soạn thảo nghị định cần tính tới tác động này” - ông Tuấn kiến nghị.

Bổ sung quy định về quản lý livestream

Chia sẻ một số nội dung mới của dự thảo nghị định sửa đổi, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), cho biết dự thảo đề xuất bổ sung quy định về quản lý livestream (phát video trực tiếp trên mạng xã hội).

Theo bà Huyền, hiện nay đã có tình trạng trên các mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào VN tính năng livestream. Cơ quan soạn thảo nhận thấy cần phải bổ sung quy định để quản lý tính năng này.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp, hiệp hội. Ảnh: VT
Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp, hiệp hội. Ảnh: VT

Cụ thể, chỉ các mạng xã hội có giấy phép mạng xã hội (tổ chức, DN trong nước) hoặc có thông báo hoạt động với Bộ TT&TT (với tổ chức, DN nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tại VN) mới được cung cấp dịch vụ livestream. Các hoạt động chuyên ngành cung cấp dưới hình thức livestream phải tuân thủ quy định về pháp luật chuyên ngành.

Cũng tại dự thảo nghị định sửa đổi, Bộ TT&TT đề xuất bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ Internet đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật. Bởi theo bà Huyền, qua công tác quản lý nhà nước, cơ quan soạn thảo nhận thấy cần phải bổ sung thêm biện pháp xử lý nhanh với những cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ Internet để cung cấp nội dung chống phá Đảng, Nhà nước trên môi trường mạng.

Do đó, cơ quan soạn thảo đã bổ sung quy định yêu cầu các DN cung cấp dịch vụ Internet ngừng hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ Internet đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ này để cung cấp nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Khả năng truy cập là vấn đề quan trọng

Góp ý về dự thảo nghị định sửa đổi, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, cho rằng khả năng truy cập là một vấn đề quan trọng. Vì vậy, việc chặn nội dung mà không có hướng dẫn rõ ràng, không xét đến bản chất toàn cầu của Internet sẽ có nguy cơ cô lập VN khỏi xu hướng Internet mở toàn cầu.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VT
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VT

“Các yêu cầu tạm khóa và khóa vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung, chặn và gỡ bỏ ứng dụng là quá nhiều và không khả thi về mặt vận hành” - ông Thành nêu quan điểm.

Tại hội thảo, một số đại biểu cũng đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo. Bà Thanh Huyền cho biết ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp và giải trình, hoàn thiện dự thảo nghị định. Đồng thời khẩn trương hoàn thiện dự thảo, bảo đảm chất lượng, theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10-2023.

Một số quy định chưa hợp lý

TS Lưu Hương Ly, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, nêu ý kiến: Dự thảo nghị định có một số quy định yêu cầu hoặc cho phép thu thập, lưu trữ, tiết lộ, xử lý thông tin cá nhân của người sử dụng Internet mà không cần sự đồng ý của họ.

Theo bà Hương Ly, các quy định này chưa phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 và khoản 2 Điều 9 Nghị định 13/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân, về quyền của cá nhân đối với thông tin cá nhân của mình. Cụ thể: Khoản 2 Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý; việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác”.

Khoản 2 Điều 9 Nghị định 13/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân quy định: “Chủ thể dữ liệu được đồng ý hoặc không đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp quy định tại Điều 17 nghị định này”. Điều 17 Nghị định 13/2023 quy định các trường hợp xử lý dữ liệu cá nhân không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm