Doanh nghiệp thắng nhanh nhờ livestream bán hàng nhưng…

(PLO)- Gần đây, chính quyền một số địa phương đã hỗ trợ nông dân bằng cách mời người nổi tiếng, TikToker chuyên nghiệp tham gia livestream để xúc tiến thị trường, bán nông sản giúp bà con.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gần đây, không chỉ hộ kinh doanh nhỏ lẻ mà nhiều tập đoàn lớn cũng đổ xô bán hàng thông qua livestream (phát trực tiếp) trên TikTok, TikTok Shop và một số nền tảng thương mại điện tử. Trong đó không ít công ty chi tiền khủng thuê người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội hoặc TikToker chuyên nghiệp tham gia livestream và mang lại hiệu quả kinh doanh rõ rệt.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị không nên quá phụ thuộc vào kênh bán hàng này mà nên phát triển chiến lược bán hàng đa kênh.

Nhờ TikToker nổi tiếng nên nhiều khách hàng biết đến

Đại diện thương hiệu thời trang Coolmate đánh giá TikTok, TikTok Shop cũng là một kênh bán hàng online tương tự như Shopee, Lazada. Tuy nhiên, cách vận hành của TikTok tập trung nhiều vào livestream, một hình thức bán hàng khá mới giúp nhà kinh doanh “thắng nhanh” nên được lựa chọn nhiều.

ban-hang-qua-livestream.jpg
Nhiều nông sản, đặc sản của Việt Nam đến với khách hàng thông qua livestream. Ảnh: TÚ UYÊN

“Ví dụ ở các nền tảng khác, người bán hàng phải mất cả năm mới có thể đạt doanh số vài trăm triệu đồng thì khi bán hàng trên TikTok Shop, thời gian có thể ngắn hơn nhờ người nổi tiếng hoặc TikToker chuyên nghiệp” - đại diện thương hiệu thời trang Coolmate chia sẻ.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương dự báo tăng trưởng thương mại điện tử năm nay đạt hơn 20 tỉ USD.

Ông Phan Minh Tiến, Giám đốc Công ty Cổ phần Dừa nước Việt Nam (VietNipa), cũng cho hay nhờ tham gia bán hàng trên TikTok Shop một năm nay mà sản phẩm mật dừa nước của công ty được nhiều khách hàng biết đến. Tuy vậy, nếu muốn có nhiều khách hàng theo dõi và biết đến mình thì nhà kinh doanh phải chi khá nhiều tiền để quảng cáo trên nền tảng này, điều mà không phải người bán hàng nào cũng có đủ khả năng.

“Với tiềm lực không nhiều, chúng tôi chọn những TikToker, người nổi tiếng phù hợp với ngân sách và chọn hình thức bán hàng qua tiếp thị liên kết nên đơn hàng vẫn tốt” - ông Tiến chia sẻ.

Bà Lương Thị Yến Vân, Giám đốc Hợp tác xã Vườn nhà Đà Lạt, chuyên bán đặc sản Đà Lạt, nhận thấy bán hàng trên TikTok Shop đang là xu hướng mới, ít cạnh tranh nên đã chọn kênh bán hàng này. Nhưng do quy mô nhỏ, không có nhiều vốn để mời người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội quảng bá sản phẩm nên người của hợp tác xã trực tiếp đứng ra giới thiệu sản phẩm, bán hàng.

Bà Vân khoe: “Ban đầu khách hàng e dè về chất lượng, nguồn gốc hàng hóa bán qua livestream. Nhưng mỗi ngày chúng tôi đều quay video ngay tại vườn để khách hàng chứng kiến thực tế quá trình sản xuất, đóng gói, gửi hàng đi… Dần dần khách hàng yên tâm chọn mua và có khách hàng trở thành thân thiết. Hiện nay mỗi ngày chúng tôi chốt 500-1.000 đơn hàng”.

Nhận thấy vai trò của livestream bán hàng, gần đây chính quyền một số địa phương đã hỗ trợ nông dân quảng bá, xúc tiến thị trường, mời người nổi tiếng livestream bán nông sản. Chính nhờ việc livestream hoặc hợp tác với các nền tảng xã hội đã giúp mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thêm khách hàng mới, góp phần gia tăng giá trị nông sản các địa phương.

Không nên phụ thuộc vào một kênh bán hàng

Theo đại diện thương hiệu thời trang Coolmate, giai đoạn đầu khi lên TikTok Shop bán hàng, đơn vị hợp tác với người nổi tiếng để tiếp cận nhanh với người dùng. Đến nay công ty đã tự tạo lập được đội ngũ nhân sự riêng, sáng tạo các nội dung mỗi lần lên sóng, từ đó vừa góp phần gia tăng doanh thu vừa giúp nhân viên nâng cao tay nghề bán hàng.

“Hơn nữa, chúng tôi có kế hoạch phát triển đa kênh bán hàng thay vì chỉ tập trung vào một vài kênh. Bởi khi TikTok có lượng người dùng lớn, chúng tôi tìm cách khai thác kênh bán hàng này. Song theo quy luật thị trường, sức hút từ việc bán hàng qua kênh này giảm dần nên chúng tôi buộc phải phát triển đa kênh” - vị này chia sẻ.

Chuyên gia thị trường bán lẻ Ngô Đình Dũng cũng cho rằng hiện nay có những trường đào tạo TikToker thu hút nhiều nhà bán hàng vừa và nhỏ tham gia. Thậm chí, các công ty lớn trước đây chỉ hợp tác với người nổi tiếng ở những chiến dịch hoành tráng trong năm để marketing thương hiệu thì nay cũng nhìn nhận TikTok Shop là kênh bán hàng chính cần đầu tư.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này lưu ý rằng kinh doanh qua livestream hay sàn thương mại mang lại hiệu quả nhưng “không có gì là tồn tại mãi mãi”. Vì vậy, nhà bán hàng không nên chỉ tập trung ở duy nhất một kênh bán hàng nào mà phải triển khai bán hàng ở nhiều kênh.

Cùng quan điểm trên, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, gợi ý nhà bán hàng cần quan tâm hơn đến bài toán chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa khách hàng mục tiêu, đa dạng danh mục sản phẩm, khuyến mãi…, đặc biệt là có chương trình tiếp thị hấp dẫn. Bởi theo dõi một số thị trường nước ngoài cho thấy sau một thời gian thì sức hút bán hàng qua livestream giảm dần, chủ yếu do có quá nhiều người cùng làm việc giống nhau.

“Nhà bán hàng đừng thất vọng vì điều này mà hãy coi đó như một sự trải nghiệm thực tế, học hỏi, cũng như nhận biết đâu là ưu thế sản phẩm của mình để tìm những hướng đi thiết thực nhất. Đây là cách hưởng ứng bán hàng trên TikTok một cách có chiều sâu. Đồng thời, cần xem bán hàng đa kênh là nhu cầu cấp thiết, nếu không cố gắng bán hàng ở nhiều trận địa sẽ khó đứng vững trong bối cảnh hiện nay” - bà Hạnh nhấn mạnh.

Khách hàng chọn nhà bán hàng có câu chuyện thú vị

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho rằng xu hướng livestream bán hàng trên TikTok hay một số nền tảng thương mại không phải thoái trào mà sẽ dư thừa. Lý do là ban đầu chỉ có một số người bán hàng trên TikTok Shop nên người tiêu dùng không có nhiều sự lựa chọn. Nhưng hiện nay ai ai cũng livestream bán hàng, vì vậy khách hàng sẽ chỉ chọn những nhà bán hàng có câu chuyện thú vị, mang lại những giá trị cho họ.

Vì vậy, theo ông Đức, để bán hàng tốt trên sàn thương mại, TikTok Shop…, những hộ kinh doanh không đủ tiềm lực để hợp tác với người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng thì người chủ sẽ trực tiếp livestream. Đồng thời nghiên cứu, tìm các chủ đề ngách phù hợp với thế mạnh của mình và liên tục sáng tạo cách livestream để thu hút người dùng. Hơn nữa, nhà bán hàng cần tạo ra sản phẩm phù hợp để quảng bá trên nền tảng cùng dịch vụ chăm sóc khách hàng thật tốt để bán thêm những sản phẩm khác.

“Nếu người bán hàng chỉ phụ thuộc vào người có sức ảnh hưởng để livestream bán hàng sẽ không ổn. Chúng ta cần nhìn nhận các nền tảng thương mại chỉ là một kênh để hỗ trợ quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thêm khách hàng, mở rộng thị trường… Quan trọng là người bán hàng phải xây dựng hệ thống thương mại hoàn chỉnh, bán hàng đa kênh và có chiến lược rõ ràng trên từng kênh này” - ông Đức nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm