Ban hành công văn giải thích án lệ có được không?

(PLO)- Theo chuyên gia, việc TAND Tối cao ban hành công văn hướng dẫn áp dụng án lệ là điều nên làm, tuy nhiên, cần thận trọng hơn trong việc chọn lựa bản án phát triển thành án lệ.

Tháng 6-2023, TAND Tối cao ban hành Công văn số 100 hướng dẫn áp dụng Án lệ 47/2021/AL trong khi xác định tội giết người. Mới đây, TAND Tối cao cũng có hai công văn trả lời kiến nghị của cử tri có liên quan đến Án lệ số 47/2021/AL.

ý kiến cho rằng án lệ là một trong những nguồn căn cứ pháp lý về một tình huống pháp lý, một vụ việc cụ thể để tòa án nghiên cứu, áp dụng, từ đó đặt ra câu hỏi: Việc TAND Tối cao phải ban hành công văn “giải thích” cho án lệ có hợp lý hay không?

Theo GS.TS Đỗ Văn Đại (Trường ĐH Luật TP.HCM) hiện nay không có quy định về việc TAND Tối cao ban hành một công văn để giải thích hay hướng dẫn áp dụng án lệ. Tuy nhiên, sau khi Án lệ 47 được ban hành, nhiều tòa án địa phương có cách hiểu rộng, áp dụng không thống nhất, vận dụng máy móc khiến lượng án tuyên phạt về tội giết người tăng đột biến. Mặt khác, nếu tòa án địa phương hiểu không đúng và áp dụng sai án lệ này sẽ dẫn đến việc án của tòa án địa phương sẽ bị sửa, bị hủy ở cấp cao hơn, nhất là cấp giám đốc thẩm.

Vì vậy, việc TAND Tối cao ban hành công văn thể hiện quan điểm của TAND Tối cao gửi đến các tòa án địa phương là điều nên làm. Ở đây, quan điểm của TAND Tối cao được đưa ra để hướng dẫn áp dụng án lệ thống nhất, đúng pháp luật mang lại hiệu quả và hạn chế việc mất nhiều thời gian, công sức khi án địa phương bị sửa án, hủy ở cấp cao hơn.

Theo GS.TS Đỗ Văn Đại, ở nước ngoài, nếu một án lệ không rõ ràng hay có nhiều cách hiểu khác nhau thì TAND Tối cao có thể ban hành một quyết định giám đốc thẩm khác, một án lệ khác để làm rõ án lệ trước đây chưa rõ, có cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên, việc ban hành một quyết định giám đốc thẩm hay án lệ mới như nêu trên của TAND Tối cao sẽ mất nhiều thời gian, công sức hơn (vì phải qua thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm) việc ban hành một công văn. Vì vậy, việc TAND Tối cao ban hành công văn hướng dẫn gửi đến các tòa án cấp dưới là nhanh chóng và kịp thời hơn. Việc này khá lạ ở Việt Nam nhưng là phương án chấp nhận được, hiệu quả.

Luật sư (LS) Trịnh Văn Hiệp (Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam) thì cho rằng tòa án ra công văn hướng dẫn áp dụng Án lệ 47 nhưng trong công văn tòa hướng dẫn việc xác định tội danh khi dùng hung khí tấn công vào vùng trọng yếu của cơ thể.

Cụ thể, như cần phải xem xét các tình tiết thể hiện tính chất, mức độ của hành vi, cơ chế hình thành vết thương, sự quyết liệt trong thực hiện hành vi, vị trí cơ thể bị hại... Công văn này giống như một văn bản hướng dẫn quy định pháp luật, cụ thể là việc xác định tội danh khi dùng hung khí tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể. Vì thế mới có ý kiến cho rằng thay vì ban hành Án lệ số 47, TAND Tối cao có thể ban hành văn bản giải thích việc xác định tội danh khi dùng hung khí tấn công vào vùng trọng yếu của cơ thể. Theo LS Hiệp, thực tế, quá trình hành nghề ông đã bắt gặp trường hợp LS viện dẫn công văn này để bào chữa cho bị cáo bị truy tố tội giết người. Sau đó, VKS đã chuyển sang truy tố bị cáo tội gây rối trật tự công cộng.

Việc tòa án ra công văn “giải thích” để tòa án cấp dưới hiểu đúng và áp dụng thống nhất án lệ này là không vi phạm pháp luật, là cần thiết. Tuy nhiên, việc dùng công văn “giải thích” như trên vô hình trung cho thấy Án lệ số 47 chưa thực sự cụ thể, chưa đưa ra được một cách hiểu thống nhất. Có chăng án lệ này chưa đạt được tiêu chí của án lệ là chuẩn mực, là hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, chưa thực sự đạt được mục đích, mong muốn của người ban hành án lệ? Trong trường hợp này, theo LS Hiệp, tòa án có thể xem xét ban hành một án lệ khác để giải thích cho án lệ này.

Theo LS Hiệp, điều này cũng cho thấy chúng ta cần thận trọng hơn trong việc lựa chọn bản án để phát triển làm án lệ, nhất là phải lưu ý đến các tiêu chí khi xây dựng và ban hành một án lệ. Trong đó, một bản án được lựa chọn làm án lệ phải không có tranh cãi, rõ ràng và thống nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm