TAND Tối cao có văn bản lưu ý thêm về áp dụng Án lệ 47 trong tội giết người

(PLO)- Văn bản của TAND Tối cao nhằm hướng dẫn cụ thể và chấn chỉnh lại việc áp dụng Án lệ 47 trong khi xác định tội giết người. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-6, TAND Tối cao đã gửi văn bản đến các tòa cấp dưới và các đơn vị trực thuộc truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chánh án TAND Tối cao về việc áp dụng Án lệ số 47.

Theo văn bản này, vào ngày 31-12-2021, Chánh án TAND Tối cao ban hành Án lệ 47 về việc xác định tội danh trong trường hợp bị cáo dùng hung khí nguy hiểm đâm vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án thường trực, TAND Tối cao trao đổi về Án lệ số 47 trong Hội nghị rút kinh nghiệm xét xử khu vực miền Trung - Tây nguyên. Ảnh: HẢI HIẾU

Tiến sĩ Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án thường trực, TAND Tối cao trao đổi về Án lệ số 47 trong Hội nghị rút kinh nghiệm xét xử khu vực miền Trung - Tây nguyên. Ảnh: HẢI HIẾU

Sau khi án lệ này được công bố, TAND Tối cao nhận được ý kiến phản hồi của một số tòa án, cơ quan liên quan đến việc áp dụng án lệ nêu trên.

Để việc áp dụng án lệ này được thống nhất, đúng pháp luật, TAND Tối cao quán triệt một số nội dung.

Cụ thể, Án lệ số 47 có tình huống án lệ là bị cáo dùng dao là hung khí nguy hiểm đâm vào vùng bụng của bị hại là vùng trọng yếu của cơ thể con người, bị hại không chết là ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo. Giải pháp pháp lý là “trường hợp này, tòa án phải xác định bị cáo chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người”.

Văn bản vừa ban hành nêu rõ, để áp dụng án lệ này, trước tiên cần xác định vùng trọng yếu trên cơ thể của con người là những vùng có các cơ quan quan trọng quyết định đến sự sống của con người (ví dụ: tim, gan, thận, não, động mạch chủ...), nếu bị xâm hại mà người bị xâm hại không được cấp cứu kịp thời sẽ chết.

Do đó, ngoài việc chứng minh bị cáo đã có hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại thì cần phải xem xét, đánh giá toàn diện các tài liệu, chứng cứ của vụ án.

Canh đó, các tình tiết thể hiện tính chất, mức độ của hành vi, cơ chế hình thành vết thương, sự quyết liệt trong thực hiện hành vi, vị trí cơ thể bị hại mà bị cáo có ý định tấn công để chứng minh ý thức chủ quan của bị cáo là cố ý thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho tính mạng của bị hại.

Hành vi của bị cáo thể hiện sự côn đồ, hung hãn, quyết liệt, coi thường tính mạng người khác; bị hại không chết là ngoài ý thức, mong muốn chủ quan của bị cáo.

Do vậy, không phải trường hợp nào bị cáo có hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại cũng áp dụng Án lệ số 47. Chỉ xem xét áp dụng án lệ này trong trường hợp hành vi của bị cáo có đầy đủ các yếu tố nêu trên để xác định bị cáo phạm tội giết người thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

Văn bản nêu, trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì báo cáo TAND Tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để có hướng dẫn kịp thời.

Như PLO đã đưa tin, sau khi Án lệ 47 được ban hành, nhiều tòa án cấp dưới áp dụng máy móc khiến án giết người tăng đột biến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm