Ban hành quy chế giám sát, phản biện của MTTQ

Ban Bí thư vừa ban hành quy chế về “giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội”; và quy định về “việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước”. Hai văn bản này có ý nghĩa quan trọng, song hành với nội dung mới trong Hiến pháp 2013 - lần đầu tiên hiến định vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ.

Chia sẻ về quy định mới này tại phiên họp Chính phủ ngày 24-12, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá giám sát đang là khâu yếu nhất trong hoạt động của cả hệ thống chính trị. “Bộ máy nhà nước chuyên trách của ta không thể đủ sức tự giám sát được. Chúng tôi đã làm việc với nhiều bộ ngành, thấy rất rõ tình trạng này” - ông nói và dẫn ra hàng loạt ví dụ. Chẳng hạn, sau vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, Bộ Y tế rà soát, thấy cả nước có trên 30.000 cơ sở khám, chữa bệnh, trong khi cả ngành y tế chỉ có 250 cán bộ thanh tra. Tương tự, trong lĩnh vực lao động đang nóng bỏng tình trạng nợ đọng BHXH với số tiền tới 11.000 tỉ đồng nhưng lực lượng thanh tra lao động chỉ vỏn vẹn 400 người. Nông nghiệp cũng vậy, cả nước trên 70.000 điểm kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, song tính tất cả số kỹ sư nông nghiệp có khả năng thanh tra thì chỉ được 900 người…

“Vậy nên giám sát phải dựa vào dân, trong đó có vai trò tổ chức của MTTQ. Nhân dân thông qua MTTQ, các đoàn thể giám sát để phát hiện vấn đề. Còn xử lý là trách nhiệm của cơ quan nhà nước” - ông Nhân giải thích.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm