Băn khoăn 6 tác phẩm bắt buộc trong môn ngữ văn mới

Dự thảo chương trình ngữ văn mới có những điểm khác biệt so với chương trình hiện hành. Một trong những điểm khác biệt ấy là chương trình chỉ quy định học bắt buộc đối với sáu tác phẩm có vị trí đặc biệt. Sáu tác phẩm bắt buộc là Nam quốc sơn hà (tương truyền của Lý Thường Kiệt), Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh.

Tất cả văn bản còn lại, trong đó có nhiều tác phẩm trước đây từng có trong chương trình-SGK sẽ được đưa vào phụ lục để các tác giả SGK và giáo viên tham khảo hình dung ra về thể loại, đề tài, độ khó, sự phù hợp về tâm lý lứa tuổi… Từ đó chủ động lựa chọn văn bản cho SGK và việc dạy học để hình thành và phát triển cho học sinh năng lực đọc với nhiều ngữ liệu đa dạng khác nhau; từ đọc có hướng dẫn trên lớp đến đọc mở rộng và tự đọc, tự học suốt đời.

Câu hỏi đặt ra là: Vì sao lại có quy định tác phẩm bắt buộc? Dựa vào đâu và vì sao lại chỉ chọn sáu tác phẩm này?

Bắt buộc nhưng không phải là duy nhất

PGS Đỗ Ngọc Thống, chủ biên chương trình môn ngữ văn, đã có những lý giải cụ thể như sau:

Quy định học bắt buộc sáu tác phẩm này không có nghĩa là toàn bộ chương trình chỉ dạy sáu tác phẩm đó và cũng không phải là tất cả tác phẩm khác (không bắt buộc) chỉ là tác phẩm đọc thêm. Sở dĩ có quy định bắt buộc một số tác phẩm vì xuất phát từ yêu cầu của việc đổi mới chương trình theo định hướng phát triển năng lực; một mặt cần thiết kế một chương trình mở, để vận dụng linh hoạt, mềm dẻo; mặt khác cần phải trang bị cho học sinh một số kiến thức cơ bản, cốt lõi của học vấn phổ thông.

Như thế cần dạy cho học sinh cách đọc, phương pháp đọc để các em dần dần có thể tự đọc và học suốt đời; chứ không chỉ chú ý dạy vào một số tác phẩm cụ thể, học tác phẩm nào chỉ biết tác phẩm ấy. Cũng vì vậy, cần thiết kế chương trình theo hướng dạy cho học sinh cách đọc các thể loại văn học và các kiểu loại văn bản khác (văn bản thông tin và văn bản nghị luận). Thông qua các tác phẩm tiêu biểu của các thể loại văn học ấy mà hình thành cách đọc. Đấy chính là lý do chương trình được thiết kế theo hướng lựa chọn các thể loại lớn (thơ, truyện, ký, kịch) chứ không theo trục lịch sử văn học như trước đây. Cụ thể hơn, cần thiết kế chương trình theo hướng mở, lấy tiêu chí là các thể loại văn học, từ đó lựa chọn một số văn bản, tác phẩm tiêu biểu để dạy và học.

Nhiều ý kiến băn khoăn về dự thảo chương trình môn Ngữ văn mới

Nhiều ý kiến băn khoăn về dự thảo chương trình môn ngữ văn mới.

Giải pháp mới được xác định là bên cạnh việc chỉ gợi ý một số văn bản tiêu biểu cho các thể loại văn học, dành quyền chủ động, sáng tạo cho các tác giả SGK và giáo viên thì cần quy định một số tác phẩm bắt buộc; coi đó là một trong những yêu cầu của kiến thức cơ bản, cốt lõi mà học sinh tốt nghiệp phổ thông phải có. Giải pháp này cũng được chương trình nhiều nước phát triển áp dụng. Một số chương trình môn học này ở những nước dùng tiếng Anh yêu cầu bắt buộc phải học một vài vở kịch của Shakespeare là vì thế.

Có thể thấy điểm chung xuyên suốt của sáu tác phẩm bắt buộc là tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, ý thức về chủ quyền lãnh thổ và tính nhân văn. Đó cũng là những áng văn tiêu biểu cho hình thức các thể loại, mang nhiều giá trị đặc sắc của lịch sử văn học dân tộc; tư tưởng của các tác phẩm này vẫn có ảnh hưởng sâu sắc và hiện vẫn truyền được cảm hứng cho giới trẻ.

Có người băn khoăn trong sáu tác phẩm ấy thì phần lớn đã thuộc về đề tài yêu nước và mang cảm hứng sử thi… “Vậy học sinh tìm đâu cái đời thường bình dị, nhọc nhằn, đa đoan đa diện của cuộc sống nhân sinh thế sự, tìm đâu con người cá nhân với cả vẻ đẹp, góc tối khuất và những nỗi đau?”. Chúng tôi thấy nếu chương trình chỉ học mỗi sáu tác phẩm này thì đúng đây là một điểm cần băn khoăn. Nhưng như đã nói với hơn 4.000 giờ ngữ văn, SGK và giáo viên sẽ phải giới thiệu thêm rất nhiều văn bản, gấp rất nhiều lần sáu tác phẩm này, vì thế không thiếu những tác phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu đời thường ấy, cái yêu cầu mà chỉ có ở văn học Việt Nam sau năm 1986. Ngoài ra cần khẳng định cảm hứng yêu nước là cảm hứng chủ đạo, đáng được đề cao.

“Tất nhiên đây cũng chỉ mới là dự thảo. Chương trình còn đăng tải, xin ý kiến của công luận và sau đó phải được Hội đồng thẩm định quốc gia xem xét, chấp nhận thì mới được bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành chính thức để thực hiện. Về các tác phẩm bắt buộc, chúng tôi rất mong bạn đọc suy nghĩ, góp ý, đề xuất thêm bớt các tác phẩm cụ thể cùng với lý do có sức thuyết phục để giúp ban soạn thảo hoàn thiện được chương trình ngữ văn trong thời gian tới” - PGS Đỗ Ngọc Thống đề nghị.

Sáu tác phẩm bắt buộc vừa thừa vừa thiếu!

Trao đổi, góp ý trên Bigschool.vn, cô giáo Phan Thanh Vân, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh, Nghệ An, chia sẻ cô tán thành với định hướng cấu trúc chương trình môn ngữ văn mới gồm hai phần: Bắt buộc và tự chọn. Điều này giúp cho giáo viên có cơ hội lựa chọn những tác phẩm mình tâm đắc để dạy. Tuy nhiên, bất cập dễ nhận thấy là tính chất không đồng đều về năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm, quan điểm dạy học... của giáo viên ở các vùng miền khác nhau sẽ dẫn đến chất lượng dạy học không đồng đều và không đạt được mục đích của môn học như định hướng đã nêu trong dự thảo. 

“Việc lựa chọn sáu tác phẩm bắt buộc trong chương trình môn ngữ văn THPT cần được xem xét dựa trên tiêu chí phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh và theo định hướng đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam trong thời kỳ mới. Điều mà nhiều giáo viên chúng tôi băn khoăn ở đây là ban dự thảo chương trình dựa vào cơ sở khoa học nào để lựa chọn sáu tác phẩm BẮT BUỘC mà không phải là năm, bảy hay 10 tác phẩm? Việc lựa chọn sáu văn bản bắt buộc vừa thừa lại vừa thiếu: Có đến 5/6 văn bản thuộc cảm hứng yêu nước, chỉ một văn bản mang cảm hứng nhân đạo; trong sáu văn bản có tới ba văn bản thuộc thể văn chính luận, trong đó có năm văn bản viết theo thi pháp truyền thống; cả sáu văn bản đều thuộc giai đoạn từ thế kỷ X đến năm 1945. Như vậy, phần tác phẩm bắt buộc thiếu hẳn mảng văn học hiện đại và cảm hứng thế sự đời tư. 

Về phương diện thể loại, những tác phẩm thuộc thể loại văn học hiện đại như truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ tự do, chính kịch không có trong chương trình bắt buộc” - cô Vân nhận xét.

Nhận xét về chương trình ngữ văn mới, TS Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên ngữ văn Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) cũng chia sẻ đó là hướng đi mới, khắc phục được tình trạng học vẹt, học theo văn mẫu, chú trọng phát triển kỹ năng đọc, viết, nói và nghe, kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng tạo lập, thực hành, vận dụng văn bản. “Quan sát sáu tác phẩm bắt buộc trong dự thảo chương trình ngữ văn mới, có thể thấy nội dung tư tưởng, cảm hứng chủ đạo, đặc trưng thể loại hình như chưa thật cân đối?... Trừ Truyện Kiều, năm tác phẩm còn lại đều phản ánh tinh thần quật cường, bất khuất, ý chí độc lập tự chủ của dân tộc Việt trong và sau những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Yếu tố thời đại cũng đặt ra khi ngoại trừ Tuyên ngôn độc lập năm 1945, còn tất cả đều thuộc văn học Trung đại. Đành rằng còn rất nhiều tác phẩm đưa vào chương trình tự chọn, tuy nhiên nên chăng phác họa gương mặt tinh thần của dân tộc đầy đặn hơn ngay trong những nét khái lược nhất của các tác phẩm bắt buộc?” - TS Tuyết nhận xét thêm.

Theo một số giáo viên ngữ văn trung học, việc đưa sáu tác phẩm văn học vào chương trình ngữ văn mới như đã dự kiến là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, trong sáu tác phẩm thì chỉ có Tuyên ngôn độc lập là thuộc thời hiện đại còn lại là Trung đại. Do đó, ngoài khích lệ truyền thống yêu nước, chương trình SGK cần đến những cái nhìn đa diện và gần gũi với hiện thực cuộc sống. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm