Theo đó, các hạng A1, A2, A3 không có thời hạn; các hạng B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE sẽ có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.
Đề xuất trên nhanh chóng nhận được sự quan tâm lớn. Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn liệu việc rút ngắn thời hạn GPLX có gây rắc rối, tốn kém cho người lái xe?
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, nhận định việc rút ngắn thời hạn GPLX từ 10 năm xuống 5 năm chỉ nên áp đối với một số hạng GPLX, các hạng B1 và B2 nên giữ nguyên như hiện nay.
Ông Quyền cũng cho rằng cần làm rõ mục đích của đề xuất này. Nếu thay đổi thời hạn GPLX để yêu cầu cập nhật kiến thức mới cho lái xe thì có ý nghĩa, còn chỉ tăng số lần đổi GPLX sẽ có thể gây nhiều phiền toái cho người dân…
Còn theo ông Võ Trọng Lương, một giáo viên có kinh nghiệm nhiều năm dạy lái xe ở TP.HCM, cho biết việc làm thủ tục cấp đổi GPLX ngoài việc phải khám sức khoẻ lại cho lái xe thì chi phí tiền lệ phí cấp đổi cũng sẽ gây tốn kém cho người dâu. Đặc biệt là việc người dân phải tốn nhiều thời gian đi lại.
Được biết, hồi năm 2017, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cũng từng đưa ra đề xuất tương tự. Khi ấy, rất nhiều ý kiến cũng lo ngại việc này sẽ gây phiền hà cho người dân.
Ở một góc độ khác, tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi đang được Bộ GTVT lấy ý kiến, cơ quan này đề xuất giữ nguyên thời hạn GPLX như hiện nay.
Trao đổi với PLO về vấn đề trên, một lãnh đạo Cục CSGT, Bộ Công an, cho biết đơn vị đang nghiên cứu, xây dựng các quy định trong dự án Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hiện nay “vẫn chưa xong”. Khi nào có quyết định chính thức, đơn vị sẽ thông tin.