Bộ Công an vừa chính thức đăng tải dự thảo Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Đáng lưu ý trong dự thảo có bốn đề xuất đang được đông đảo người dân quan tâm.
Cấp biển số theo sở thích
Trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất ba hình thức cấp biển số xe cơ giới: thứ nhất là cấp biển số xe trên hệ thống đăng ký, quản lý xe; thứ hai là cấp biển số ô tô thông qua đấu giá, thứ ba là cấp biển số xe theo sở thích có thu phí.
Theo lãnh đạo Cục CSGT, đối với hình thức đấu giá, hội đồng đấu giá sẽ được thành lập, đồng thời thiết lập, vận hành trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để đấu giá trực tuyến biển số xe. Người trúng đấu giá có quyền sở hữu biển số xe đó, không phải nộp lệ phí đăng ký cấp biển số ô tô.
Hệ thống dữ liệu sẽ phân loại biển số dạng tứ quý hoặc số đẹp để đấu giá công khai. Biển số đẹp sau khi đấu giá phải sử dụng đúng tên và đúng chiếc xe đã đăng ký, không được bán, chuyển nhượng…
Còn với hình thức cấp theo sở thích (ngày/tháng/năm sinh, hợp phong thủy…), nếu chủ phương tiện có nhu cầu thì phải đóng một khoản tiền theo quy định.
Trừ điểm GPLX
Một nội dung rất đáng chú ý, đó là quy định về điểm cho GPLX. Bộ Công an đề xuất mỗi loại GPLX xe có tổng điểm là 12.
Điểm của GPLX sẽ bị trừ mỗi khi người điều khiển phương tiện vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nếu bị trừ hết điểm, GPLX sẽ không còn hiệu lực. Tài xế muốn được cấp GPLX mới thì sáu tháng sau sẽ phải học và thi sát hạch như trường hợp cấp GPLX lần đầu.
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT) cho biết đây là một quy định văn minh, đã được tiếp thu từ nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Trung Quốc, Singapore…
Theo đó, nếu cấp và trừ điểm GPLX thì sẽ bãi bỏ hình thức tước GPLX. Ví dụ, hành vi vượt đèn đỏ hiện nay sẽ bị xử phạt 4 triệu đồng và tước GPLX ba tháng. Nếu có điểm GPLX, tài xế sẽ bị phạt bốn triệu đồng và trừ hai điểm chẳng hạn.
Trong dự thảo của mình, Bộ Công an đề xuất 28 nhóm hành vi vi phạm cụ thể sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt tiền và trừ điểm GPLX.
Lắp camera giám sát CSGT
Dự thảo còn quy định Bộ Công an sẽ trang bị, lắp đặt các thiết bị kỹ thuật để giám sát quá trình thực thi pháp luật của lực lượng CSGT khi thi hành công vụ. Thiết bị ghi âm, ghi hình phải được sử dụng trong suốt quá trình thực hiện tuần tra, kiểm soát giao thông.
Lực lượng CSGT kiểm soát phương tiện trên đường. Ảnh: T.PHAN
Lãnh đạo Cục CSGT nhấn mạnh quy định này nhằm áp dụng công nghệ vào giám sát công khai, minh bạch hoạt động của CSGT. Các thiết bị giám sát bao gồm hệ thống camera lắp đặt trên đường, camera hành trình, loại đeo trên người cảnh sát và camera cầm tay.
Những trường hợp cố tình không chấp hành ghi hình khi làm nhiệm vụ có thể kỷ luật, xử phạt hành chính và các hình thức xử lý tương ứng theo các quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
Cũng theo dự thảo, hoạt động của lực lượng CSGT còn bị giám sát bởi người dân. Trong đó, người dân được quyền ghi hình, ghi âm CSGT với điều kiện không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ thực thi nhiệm vụ.
Bộ Công an sẽ sát hạch thi GPLX
Đề xuất nhận được nhiều tranh luận nhất có lẽ là việc Bộ Công an muốn phụ trách việc sát hạch GPLX thay vì Bộ GTVT đang làm như hiện nay.
Cụ thể, Bộ Công an đề xuất sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về sát hạch và cấp, đổi, thu hồi GPLX, quản lý quá trình chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ sau khi được cấp GPLX.
Đại diện Cục CSGT cho hay sau khi được cấp GPLX, người lái xe gần như không bị ai quản lý, không cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, giám sát.
Cùng với đó, sự phối hợp giữa các ngành, các đơn vị còn lỏng lẻo trong công tác cấp và cấp lại GPLX khiến hàng trăm ngàn GPLX bị tạm giữ, tước quyền sử dụng không có người đến nhận. Không ít trường hợp đang bị CSGT tạm giữ GPLX vẫn được cấp lại GPLX khác, có người còn sở hữu tới 2-3 GPLX. Thậm chí có tình trạng tài xế có có tiền sử tâm thần, đang bị truy nã, thậm chí đang thi hành án nhưng vẫn được cấp, đổi GPLX.
Do vậy, quy trình đào tạo và sát hạch GPLX cần phải làm chặt, do hai lực lượng chuyên biệt phụ trách để chuyên môn hóa.
Ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này chưa hợp lý, bởi việc chuyển giao trách nhiệm về sát hạch GPLX sẽ phát sinh tốn kém về nhân lực cũng như cơ sở vật chất.
‘Nếu cho rằng việc sát hạch GPLX hiện có kẽ hở thì việc cần thiết nhất là phải bịt kẽ hở đó. Bộ GTVT cần thanh tra, kiểm tra, đưa ra các biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như sát hạch GPLX, khắc phục những tồn tại’ - Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nêu quan điểm.