TAND Cấp cao tại Hà Nội vừa xử phúc thẩm vụ án giết người xảy ra tại xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng hơn bốn năm trước. Đến nay vụ án này đã từng trải qua bốn lần trả hồ sơ, ba lần xử sơ thẩm vì ba bị cáo Lương Xuân Chung, Bùi Anh Tuân, Phạm Đăng Hậu đều kêu oan.
Trước đây, xử sơ thẩm lần ba hồi tháng 7-2016, TAND TP Hải Phòng đã phạt Chung 18 năm tù, Tuân và Hậu mỗi người 16 năm tù về tội giết người. Sau đó ba bị cáo kháng cáo kêu oan.
Những lời khai về việc bị ép cung
Tại phiên xử phúc thẩm mới đây, cả ba bị cáo tiếp tục kêu oan và lý giải việc nhận tội trong giai đoạn điều tra là vì các điều tra viên (ĐTV) đã vẽ sẵn kịch bản vụ án và dùng nhục hình đối với họ.
Khi thẩm phán hỏi cụ thể, Tuân trả lời: “Trưa 27-4-2013, bị cáo đi làm về thì công an nói “mượn” bị cáo lên Công an huyện Vĩnh Bảo hỏi mấy việc. Đến nơi, các ĐTV nhốt bị cáo vào một phòng nhỏ, dùng giày đá vào đùi bị cáo, dùng bút kẹp tay, cởi quần và dùng bật lửa đốt… Có ba ĐTV, một người bị cáo nhớ tên H., hai người khác bị cáo không nhớ tên. Sau này, khi ra Công an TP Hải Phòng, các ĐTV không đánh nhưng luôn dọa: “Chúng mày không nhận tội, tao sẽ tống lên Kế” (trại tạm giam Kế ở Bắc Giang - NV). Ở đó rất đáng sợ vì bị cáo bị chuyển lên gần một năm”.
Hậu, Chung cũng khai bị đánh ở Công an huyện Vĩnh Bảo tương tự. Hậu nói: “Các ĐTV làm cho bị cáo run sợ vì ngay cả những người làm chứng cho bị cáo như anh Thạch cũng bị gọi lên, giam giữ và đánh đập nên có luật sư (LS) hay người nhà ở cùng bị cáo cũng không dám tin tưởng ai. Mỗi khi có LS, kiểm sát viên vào lấy lời khai để ghi âm, ghi hình, các ĐTV đều dặn bị cáo không được nói sai những gì các ĐTV dặn trước đó. Bị cáo không có chứng cứ bị ép cung, dùng nhục hình vì lúc xảy ra sự việc chỉ có ĐTV và bị cáo nhưng bị cáo có thể kể tên từng ĐTV đánh bị cáo”.
Theo LS của các bị cáo, dấu hiệu thông cung, mớm cung, dụ cung được thể hiện qua bút lục số 682, trong đó phần hỏi đáp của ĐTV và nhân chứng có những chỗ trống chưa được điền vào. Khi vụ án xảy ra, rất nhiều thanh niên đã bị bắt về Công an huyện Vĩnh Bảo. Tất cả thanh niên đó đều khẳng định bị công an đánh và giam giữ 14 ngày. Cả những nhân chứng cũng bị bắt, giam và đánh tại công an huyện này. Việc bắt người của công an huyện được thực hiện tùy tiện, không có lệnh bắt, lệnh tạm giữ.
“Ba bị cáo bị buộc viết “đơn xin tự nguyện ở lại cơ quan công an” để hợp lý hóa việc họ phải ở lại công an huyện 14 ngày. Đây là việc chưa từng xảy ra trong lịch sử tố tụng hình sự của Việt Nam” - một LS nhấn mạnh.
Ba bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: H.ĐƯỜNG
Nhiều điểm chưa rõ
Trong phần tranh luận, các LS cho rằng việc buộc tội ba bị cáo chủ yếu dựa vào các lời khai nhận tội trong giai đoạn điều tra trong khi các lời khai này có mâu thuẫn và ra các phiên tòa, ba bị cáo đều đã phủ nhận.
Cạnh đó, trong bốn lần điều tra bổ sung, các cơ quan tố tụng đều khẳng định tang vật gây án là chiếc tuýp sắt mà CQĐT thu giữ (được coi là gây ra vết thương trên vùng đầu của nạn nhân). Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm lần ba, đại diện VKSND TP Hải Phòng đã thừa nhận chiếc tuýp sắt này không phải là hung khí trong vụ án.
Trong biên bản thu giữ vật chứng ban đầu mà các LS đưa ra trước tòa thể hiện chiếc xích sắt mà gia đình xích bị cáo Tuân (nghiện ma túy) không có dấu hiệu bị đứt rời nên không thể nói Tuân cắt đứt mắt xích, trốn ra ngoài gây án. Tuy nhiên, sau này không hiểu sao chiếc xích sắt lại bị đứt rời một mắt xích. Điện thoại của các bị cáo bị thu giữ, bị xóa lịch sử cuộc gọi, tin nhắn vào thời điểm xảy ra vụ án.
Trong khi đó, chứng cứ ngoại phạm của các bị cáo lại không được công nhận như lịch sử làm việc; rửa container của Hậu tại công ty cách nơi xảy ra vụ án 60 km trùng với thời gian xảy ra vụ án; chiếc xích sắt xích chân Tuân không bị đứt.
Ngoài ra, biên bản thực nghiệm hiện trường được thực nghiệm tại trại tạm giam, trong khung cảnh buổi chiều có nắng trong khi vụ việc xảy ra là ban đêm, không có ánh sáng. Các kết luận giám định chứng cứ không phù hợp với lời khai của bị cáo. Các hoạt động thực nghiệm hiện trường sau đó đều chứng minh là các bị cáo không thể thực hiện được hành vi...
Từ đó các LS đề nghị hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại và làm rõ những sai sót trong quá trình điều tra.
Tuy nhiên, đại diện VKS và HĐXX đều bác bỏ chứng cứ ngoại phạm của các bị cáo. Đại diện VKS và HĐXX đều cùng quan điểm là mặc dù có những sai sót về mặt tố tụng nhưng bản chất vụ án không thay đổi. Các cơ quan tố tụng đã khắc phục hậu quả bằng cách trả hồ sơ điều tra tới bốn lần.
Nói lời sau cùng, bị cáo Chung thống thiết: “Mong tòa phúc thẩm không như tòa sơ thẩm, để xảy ra một vụ án tương tự như Nguyễn Thanh Chấn hay Huỳnh Văn Nén”. Tuy nhiên, HĐXX đã tuyên bác các kháng cáo kêu oan và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Sau khi HĐXX tuyên án, ba bị cáo và gia đình cho biết sẽ khiếu nại giám đốc thẩm và tiếp tục kêu oan.
Tóm tắt vụ án Theo hồ sơ buộc tội, khoảng 23 giờ ngày 26-4-2013, Lương Xuân Chung (SN 1992, ngụ xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo) gọi điện thoại rủ Bùi Anh Tuân (SN 1995, ngụ xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo) đi trộm chó. Tuân mang theo tuýp sắt, đoạn gỗ có buộc dây thừng rồi đi bộ sang nhà Chung. Cả hai đang đứng nói chuyện gần nhà Chung thì thấy Phạm Đăng Hậu (SN 1990) chạy xe máy đến, bèn rủ Hậu tham gia trộm chó và Hậu đồng ý. Sau đó, cả ba lên xe máy do Hậu điều khiển chạy đến khu vực đường vào UBND xã Cao Minh thì gặp anh Nguyễn Văn Tuyển (ngụ xã Liêm Am, huyện Vĩnh Bảo) đạp xe chở em con chú là Nguyễn Văn Tâm (SN 1997) trên đường. Do giữa Tuân và anh Tuyển có mâu thuẫn từ trước nên Tuân nói với Hậu vòng xe lại để đánh anh em Tuyển, Tâm. Hậu vòng xe máy lại, đi ngang rồi đạp vào hai anh Tuyển, Tâm. Anh Tâm nhảy xuống xe đạp liền bị Tuân, Chung lao vào đánh ngã sấp xuống vệ cỏ ven đường. Tuân tiếp tục cầm hai chân đẩy anh Tâm xuống mương nước. Sau đó Hậu chở Chung, Tuân về nhà Chung rồi chạy xe máy ra KCN Đình Vũ ở quận Hải An tiếp tục làm việc… Theo kết quả giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Hải Phòng, nạn nhân Tâm “có hai vết thương ở sau cổ sát chân tóc gáy và có đặc điểm do vật tày tác động; vùng thái dương trái có chấn thương làm tụ máu dưới da do vật tày tác động; nạn nhân chết do ngạt nước”. |